Mỹ tìm kiếm liên minh chống IS

Thứ năm, 11/09/2014 08:44

(Cadn.com.vn) - Chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đến Trung Đông lần này là nhằm xây dựng liên minh vững chắc chống IS.

Ngoại trưởng John Kerry đến Baghdad hôm 10- 9, bắt đầu chuyến công du Trung Đông tổng hợp sức mạnh quân sự, hỗ trợ chính trị và tài chính nhằm đánh bại các chiến binh IS hiện đang kiểm soát nhiều khu vực ở Iraq và Syria.

CƠ HỘI...

Chuyến công du nhằm xây dựng liên minh chống IS của ông Kerry diễn ra trong bối cảnh Iraq vừa nhất trí thành lập chính phủ mới đa đại diện hơn dưới thời Thủ tướng Haider Al-Abadi.

Theo Reuters, Washington hoan nghênh về “dấu mốc quan trọng” của Baghdad và khẳng định đây là yếu tố sống còn trước khi Lầu Năm Góc có thể tăng cường hành động để đẩy lùi lực lượng phiến quân đang chiếm các khu vực rộng lớn ở miền Bắc Iraq.

Giới phân tích nhận định, việc thành lập chính phủ mới sẽ giúp kích hoạt chiến lược chống IS do Nhà Trắng vạch ra, bao gồm tăng cường thu thập thông tin tình báo ở Iraq, đánh giá các khả năng quân sự và phát động các cuộc không kích chiến lược nhắm các mục tiêu IS... Nói theo cách khác, chính phủ mới Iraq mang đến “cơ hội thật sự” cho Mỹ trong chiến lược xây dựng liên minh lần này.

Để chống ISIS, Nhà Trắng chắc chắn sẽ thúc giục chính phủ Thủ tướng Al-Abadi thực hiện chương trình quốc gia trao thêm quyền tự chủ và chịu trách nhiệm về an ninh cho các tỉnh địa phương, nhất là đảm bảo công bằng cho người Sunni - vốn cảm thấy bị phân biệt đối xử dưới thời Thủ tướng Al-Maliki.

Các chiến binh IS phô trương lực lượng ở Raqqa, Syria. Ảnh: AP

...VÀ THÁCH THỨC

Baghdad là chặng dừng chân đầu tiên của ông Kerry trên con đường đi tìm sự hỗ trợ của các nước Arab trong liên minh toàn cầu để đánh bại IS. Sau Baghdad, ông Kerry sẽ đến Jordan, Saudi Arabia và các quốc gia Arab khác để tranh thủ sự ủng hộ về “câu chuyện IS”.

“Hầu hết mỗi quốc gia trên Trái đất này đều có vai trò trong việc loại bỏ các mối đe dọa IS và cái ác mà nhóm này đại diện”, Ngoại trưởng Kerry tuyên bố. “Đây sẽ là con đường dài và rất khó khăn”, một quan chức Bộ Ngoại giao đi cùng với ông Kerry thừa nhận. Tuy nhiên, Thủ lĩnh ngoại giao Mỹ đặt quyết tâm “lắp ráp” liên minh vững chắc dù có phải nỗ lực “nhiều tháng, nhiều năm”.

Cuối tuần qua, 9 quốc gia, hầu hết đều là các nước Châu Âu, nằm trong danh sách nhóm cốt lõi của “liên minh” mà Tổng thống Barack Obama tuyên bố sẽ có thể tiêu diệt IS. Mỹ cũng đề nghị Trung Quốc ủng hộ các nỗ lực thành lập liên minh này, được Cố vấn An ninh quốc gia Susan Rice đưa ra khi đến Bắc Kinh chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của ông chủ Nhà Trắng.

Phía Washington cho biết, các quan chức Trung Quốc cũng thể hiện sự quan tâm tới đề xuất này vì Bắc Kinh cũng đang quan ngại về sự lớn mạnh của chủ nghĩa khủng bố ở trong và ngoài nước, đặc biệt là sau khi có tin một chiến binh IS người Trung Quốc bị bắt. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận cụ thể về vấn đề này.

Khi ông Kerry rời Iraq, Tổng thống Obama sẽ có bài phát biểu quan trọng trước người dân Mỹ về chiến lược chống lại các chiến binh được mô tả là tàn bạo hơn cả Al-Qaeda này. Lầu Năm Góc mở gần 150 cuộc không kích chống lại các mục tiêu IS ở Iraq. Mỹ cũng liên tục triển khai quân đến quốc gia Nam Á này nhưng các lực lượng quân đội chỉ giới hạn trong nhiệm vụ “bảo vệ lợi ích của Mỹ” và “giúp đỡ để ngăn chặn thảm họa nhân đạo” và vẫn loại trừ khả năng gửi bộ binh đến Iraq.

Nhưng các đoạn băng chiếu cảnh chặt đầu hai nhà báo Mỹ làm bùng nổ những tranh cãi về việc cần đẩy mạnh nhiệm vụ chống khủng bố rộng lớn hơn, bao gồm cả các cuộc không kích có thể ở Syria, nơi trú ẩn an toàn của IS. Tuy nhiên, bản thân ông chủ Nhà Trắng tỏ ra miễn cưỡng về hành động quân sự chống lại nhóm IS ở Syria, vì lo ngại có thể gián tiếp giúp chế độ Tổng thống Bashar Al-Assad.

Khả Anh