Mỹ tranh cãi tổ chức tưởng niệm 11-9 trong thời “Covid-19”

Thứ sáu, 11/09/2020 09:44

Trong một năm mà đại dịch Covid-19 đã định hình lại vô số nghi lễ của người Mỹ, ngay cả việc tưởng niệm ngày 11-9 cũng không thể tránh được sự thay đổi này.

Một người dân đến tưởng nhớ các nạn nhân tại Đài tưởng niệm Quốc gia Chuyến bay 93 ở Shanksville. ẢNH: AP

Hôm nay (11-9), nước Mỹ đánh dấu lễ tưởng niệm 19 năm ngày xảy ra vụ khủng bố kinh hoàng vốn đã cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người. Đúng vào ngày 11-9-2001, nhóm khủng bố Al-Qaeda chiếm quyền điều khiển 4 máy bay và phối hợp tấn công liều chết nhằm vào tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới (WTC) ở New York, cùng Lầu Năm Góc ở thủ đô Washington. Không người Mỹ nào có thể quên được hình ảnh tòa tháp đôi - biểu tượng quyền lực của họ - bị cháy rụi.

Đã 19 năm trôi qua, thương vong vẫn không ngừng gia tăng. Nỗi đau vẫn còn hằn sâu. Mỗi năm, 11-9 trở thành sự kiện tưởng niệm quy mô lớn của người Mỹ dành cho 3.000 nạn nhân thiệt mạng. Một buổi lễ tưởng niệm, như thông lệ hàng năm, bắt đầu lúc 8 giờ 46 tại Đài tưởng niệm ngày 11-9 tại WTC ở New York. Đây là thời khắc đánh dấu chuyến bay số hiệu 11 của American Airlines đã rơi vào tay không tặc và đâm vào tòa nhà phía bắc của WTC. Mọi người cùng tập trung mặc niệm đúng thời khắc tòa tháp đôi bị tấn công và sụp đổ. Các nạn nhân của cả hai cuộc tấn công năm 1993 và 2001 sẽ được đọc tên trong buổi lễ này. Bảo tàng Tưởng niệm 11-9 trong khuôn viên này sẽ mở cửa cả ngày để phục vụ người dân. Các hoạt động quy mô khác cũng được tổ chức tại thủ đô Washington và thành phố Shanksville, tiểu bang Pennsylvania.

Lời hứa “không bao giờ quên” đang mờ dần?

Tuy nhiên, năm nay, trong một năm mà đại dịch Covid-19 đã định hình lại vô số nghi lễ của người Mỹ, ngay cả việc tưởng niệm ngày 11-9 cũng không thể tránh được sự thay đổi này.

AP dẫn các nguồn tin cho biết, Tổng thống Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden dự định tham dự một buổi lễ ngắn gọn tại Đài tưởng niệm Quốc gia Chuyến bay 93 ở Pennsylvania trong khi Phó Tổng thống Mike Pence dự kiến sẽ có mặt tại cả hai lễ tưởng niệm ngắn gọn ở New York. Ở New York, kế hoạch chiếu sáng hình ảnh gợi lên tòa tháp đôi đã sụp đổ gần như bị hủy bỏ vì lý do an toàn trong đại dịch. Sở Cứu hỏa đã viện dẫn mối lo dịch bệnh để kêu gọi các thành viên tránh xa những cuộc tụ tập tưởng niệm vụ tấn công năm 2001 khiến gần 3.000 người thiệt mạng, trong số đó có gần 350 lính cứu hỏa.

Một số người thân của nạn nhân nói rằng, họ hiểu việc tổ chức lễ tưởng niệm sự kiện này phải thay đổi trong một năm có quá nhiều sự cố. Tuy nhiên, những người khác lo sợ đại dịch đang làm rõ những gì họ lo sợ sẽ xảy ra  nhưng không nói thành lời rằng: lời hứa “không bao giờ quên” đang mờ dần. Jim Riches, người đã mất con trai Jimmy – là một lính cứu hỏa, nói: “Đó là một cái tát nữa vào mặt chúng ta”. Người cha này sẽ phải lần đầu tiên ở nhà trong năm nay vì không muốn đối mặt nguy cơ bị mắc Covid-19 sau lần bị bệnh nặng trước đó. Nhưng ông cảm thấy những người khác nên chọn cách đọc tên những người đã chết trên quảng trường tưởng niệm, thay vì nghe qua đoạn băng ghi âm.

Các lãnh đạo khu tưởng niệm cho biết họ muốn tránh sự tiếp xúc gần gũi giữa những người tham dự. Nhưng đối với Riches, một trưởng tiểu đoàn cứu hỏa đã nghỉ hưu, quyết định này giống như một cái cớ để loại bỏ vai trò của các gia đình trong việc tưởng niệm ngày 11-9. “Tôi ước gì họ sẽ không quên, nhưng họ đang cố gắng”, ông nói. “Trong 1 năm khi nhiều sự kiện đã bị hoãn, “sự kiện này không bị hủy bỏ, nó chỉ được thay đổi theo cách mà chúng ta vẫn có thể tri ân những người thân yêu của mình một cách tôn trọng và an toàn”, cô Katsimatides, người nhà nạn nhân có tên trên bảng tưởng niệm, cho biết. Cô nói rằng, sự thay đổi này là điều bất khả kháng do nguy cơ khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. “Ai mong đợi Covid-19?... Nó hoàn toàn không lường trước được. Cũng như ngày 11-9”, cô nói.

Nhiều kế hoạch bị hủy

Các kế hoạch tưởng niệm của năm nay được tổ chức theo cách nỗ lực cân bằng các hoạt động tại các địa điểm bị tấn công vào ngày 11-9-2001: New York, Lầu Năm Góc và một cánh đồng gần Shanksville, Pennsylvania. Đài tưởng niệm Chuyến bay 93 gần Shanksville quyết định cắt bỏ buổi lễ kéo dài 90 phút. Phát ngôn viên của đài tưởng niệm Katherine Cordek cho biết, tên của 40 người thiệt mạng sẽ được đọc, nhưng bởi một người thay vì nhiều thành viên trong gia đình như trước đây. Lầu Năm Góc vẫn chưa có chi tiết kế hoạch cho lễ kỷ niệm.

Tại New York - nơi đầu tiên có số người tử vong vì Covid-19 nhiều nhất nước Mỹ và sau đó đã kiểm soát khá tốt - các nhà lãnh đạo của Bảo tàng và Đài tưởng niệm Quốc gia 11-9 cho biết, họ có kế hoạch tổ chức buổi lễ nhỏ và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Nhưng một tổ chức khác có liên quan đến ngày 11-9, “Stephen Stiller Tunnel to Towers”, đã nhanh chóng sắp xếp buổi lễ đồng thời của riêng họ cách đó vài dãy nhà, nói rằng, người thân có thể đọc tên các nạn nhân trong khi giữ khoảng cách an toàn. “Chúng ta cần tiếp tục cho nước Mỹ biết những gì đã xảy ra 19 năm trước. Và họ cần xem cảm xúc đó trong ngày đó chứ không phải bản ghi âm”, Chủ tịch tổ chức Frank Siller nói. Trong khi đó, Ủy viên Phòng cháy chữa cháy Daniel Nigro đã nói với các nhân viên cứu hỏa trong một bản ghi nhớ vào tháng trước rằng, Bộ “khuyến cáo đặc biệt” các thành viên không tham gia vào các lễ tưởng niệm 11-9. Bộ đã tổ chức riêng một buổi lễ với số lượng người tham dự hạn chế.

Căng thẳng về các kế hoạch tổ chức lễ tưởng niệm bùng lên một lần nữa khi tháng trước, Đài tưởng niệm 11-9 công bố sẽ chiếu sáng bầu trời đêm ở Manhattan để gợi lên hình ảnh gợi lên tòa tháp đôi đã sụp đổ. Mặc dù không tổ chức buổi lễ quy mô chính thức nào để người dân có thể đến xem việc chiếu sáng này, nhưng theo các nguồn tin, kế hoạch này gần như bị hủy bỏ vì lý do an toàn trong đại dịch.  Việc hủy bỏ đã gây phẫn nộ cho một số người thân của nạn nhân, cảnh sát và hiệp hội cứu hỏa và các chính trị gia, những người lưu ý rằng các địa điểm xây dựng xung quanh thành phố được coi là an toàn để mở cửa trở lại vài tháng trước.

KHẢ ANH

>> Những hình ảnh gây sốc về thảm kịch khủng bố 11/9