Mỹ - Triều nối lại đàm phán hạt nhân

Thứ tư, 02/10/2019 10:15

Triều Tiên và Mỹ nhất trí nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân vào cuối tuần này sau thời gian dài bế tắc xung quanh việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đổi lấy một thỏa thuận, một nhà ngoại giao cấp cao của Triều Tiên cho biết hôm 1-10.

Mỹ và Triều Tiên xác nhận nối lại đàm phán hạt nhân trong tuần này. Ảnh: AP

Hy vọng cho cuộc gặp thượng đỉnh lần 3?

AP dẫn lời ông Choe Son Hui, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao của Triều Tiên, cho biết, hai nước sẽ có liên lạc sơ bộ vào ngày 4-10 trước khi tổ chức các cuộc hội đàm cấp chuyên viên một ngày sau đó.

Trong tuyên bố do hãng thông tấn trung ương chính thức của Triều Tiên, (KCNA) đăng tải,  ông Choe bày tỏ sự lạc quan về kết quả nhưng không nói rõ địa điểm diễn ra cuộc hội đàm. “Tôi kỳ vọng các cuộc đàm phán ở cấp độ chuyên viên sẽ thúc đẩy mối quan hệ Mỹ - Triều”, ông Choe nhấn mạnh. Mỹ ngay sau đó cũng đã xác nhận thông tin này. Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus tuyên bố: “Tôi có thể khẳng định rằng các quan chức Mỹ và Triều Tiên sẽ gặp nhau trong tuần này” nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết về cuộc gặp này.

Thực ra thông tin về khả năng nối lại đàm phán này đã được nói đến nhiều sau khi Đại sứ Triều Tiên tại LHQ Kim Song - phát biểu tại bữa tiệc tối của Diễn đàn Hòa bình toàn cầu 2019 diễn ra Đại học Columbia, New York - nói rằng, ông “lạc quan về triển vọng này”. Tuy nhiên, Đại sứ Kim Song đã từ chối bình luận về việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 3, cho rằng “đây là vấn đề tôi chưa thể nói gì lúc này”.

Cơ hội cho hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

Các cuộc đàm phán hạt nhân bế tắc trong nhiều tháng sau thất bại tại hội nghị thượng đỉnh giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Donald Trump hồi tháng 2. Các cuộc đàm phán bị phá vỡ sau khi Washington bác bỏ yêu cầu của Bình Nhưỡng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc từ bỏ một phần khả năng hạt nhân của nước này.

Theo sau hội nghị thượng đỉnh này là “những lời hoa mỹ hiếu chiến” và một loạt các thử nghiệm vũ khí tầm ngắn của Triều Tiên, động thái được xem như là nỗ lực để đạt được đòn bẩy của Bình Nhưỡng trước khi có thể nối lại đàm phán với Washington. Đã nhiều lần hai bên bàn về việc nối lại đàm phán nhưng vẫn bế tắc vì nhiều lý do, trong đó có nguyên nhân quan trọng là những phàn nàn của Triều Tiên về vai trò của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton - nhân vật mà Bình Nhưỡng cáo buộc là “người cuồng chiến tranh”.

Ông Bolton là người ủng hộ mạnh mẽ mô hình “phi hạt nhân hóa theo kiểu Libya”, tức phi hạt nhân hóa trước để nhận lấy sự bù đắp sau, cho vấn đề Triều Tiên. Trong khi đó, lập trường của người đứng đầu Nhà Trắng là không nóng vội trong đàm phán, đồng thời đề cập đến “phương pháp mới”.Vì vậy, con đường đàm phán rộng mở hơn bao giờ hết sau khi Tổng thống Trump sa thải ông Bolton, quyết định mà Triều Tiên tuyên bố “rất ủng hộ”. Ông Bolton cũng thường xuyên có những tuyên bố phản đối chính sách Triều Tiên của Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều nghi ngại về khả năng Bình Nhưỡng giải giáp vũ khí hạt nhân. Chính ông Bolton nói đến điều này trong lần xuất hiện công khai đầu tiên kể từ khi rời Nhà Trắng. Ông Bolton đưa ra một tương lai bi quan đặc trưng về triển vọng đàm phán hạt nhân với Triều Tiên. Đây là lần đầu tiên kể từ sau khi bị cách chức, ông Bolton đưa ra phát ngôn công khai. Mặc dù không đề cập trực tiếp tới Tổng thống Trump, nhưng cựu cố vấn an ninh Mỹ vẫn giữ vững lập trường cứng rắn về “phương án phi hạt nhân hóa theo kiểu Libya”, một trong những nguyên nhân khiến ông bị cách chức.

KHẢ ANH