Mỹ-Trung có sẵn sàng “đình chiến” thương mại?

Thứ hai, 22/11/2021 17:33

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Trung hồi đầu tuần qua giúp hai bên tránh nguy cơ căng thẳng bùng phát thành xung đột, nhưng chưa hóa giải thế cạnh tranh siêu cường kinh tế.

Màn hình chiếu cuộc họp trực tuyến Mỹ - Trung tại một nhà hàng ở Bắc Kinh hôm 16-11. Ảnh: Reuters

Sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hôm 16-11, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trấn an nhau về những “rào chắn” ngăn căng thẳng giữa hai quốc gia bùng phát thành xung đột, dù vô tình hay hữu ý. Tuy nhiên, kết quả khiêm tốn đó không xua tan được mối lo ngại về bóng ma chiến tranh thương mại.

Vì vậy, sau hội nghị, mọi con mắt lại đổ dồn vào cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước trong lương lai gần. Tuy nhiên, lại một thêm “gáo nước lạnh” nữa khi các nhà phân tích cho rằng, không có kỳ vọng cho việc cả hai sẽ tìm ra điểm chung cho các cuộc đàm phán trong tương lai.  Bởi vì ngay tại hội nghị được kỳ vọng trên, cả hai nhà lãnh đạo không đạt được được bước tiến đáng kể trong việc giải quyết những tranh chấp kéo dài trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Chen Fengying, một thành viên cấp cao của Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR), dự đoán rằng, thương mại hàng hóa Trung Quốc được thực hiện theo thỏa thuận giai đoạn 1, cùng với các vấn đề chuỗi cung ứng, có thể là chủ đề thảo luận chính trong tương lai, đặc biệt khi chính quyền Tổng thống Joe Biden nỗ lực giảm lạm phát ở trong nước.

Nếu các vấn đề này được giải quyết, Mỹ có thể hủy bỏ mức thuế 7,5% áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 120 tỷ USD và giảm 25% mức thuế đối với hàng hóa trị giá 250 tỷ USD, bà Chen nói. Theo bà, thỏa thuận giai đoạn 1, được ký kết hồi tháng 1-2020 và sẽ hết hạn vào ngày 31-12 tới được đánh giá là khá hiệu quả dù vẫn còn một số tranh cãi về quyền sở hữu trí tuệ và việc Trung Quốc mua hàng hóa Mỹ.

Trung Quốc cam kết sẽ mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ từ năm 2020-2021, so với mức của năm 2017, nhưng đang không đạt được mục tiêu đề ra. Trong khi quyền sở hữu trí tuệ và các giao dịch mua bán vẫn sẽ “ngáng đường” các cuộc đàm phán trong tương lai, Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Trung đặt nhiều kỳ vọng cho các vấn đề khác như việc tiếp cận thị trường bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc, nới lỏng các hạn chế đi lại, giải quyết trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc và nghĩa vụ của Bắc Kinh tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu vào năm 2018 dưới thời Tổng thống Donald Trump, theo đó cả hai nước đều tăng thuế nhập khẩu lên hàng hóa của nhau. Căng thẳng leo thang giữa hai nước gây gián đoạn chuỗi cung ứng, ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp và cá nhân trên toàn cầu.

Tháng 1-2020, ông Trump và ông Tập Cận Bình ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn một nhưng cho đến nay vẫn chưa thêm tiến triển trong vấn đề này.

KHẢ ANH