Mỹ - Trung “mở đường” khôi phục hợp tác

Thứ sáu, 12/03/2021 11:13

Các quan chức Mỹ -Trung sẽ có cuộc gặp cấp cao trong hai ngày tại bang Alaska của Mỹ trong tuần tới. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa quan chức cấp cao hai nước kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.

Mỹ- Trung đang hướng tới việc giải quyết những bất đồng.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 10-3 cho biết, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan sẽ gặp Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ủy viên Quốc vụ, Ngoại trưởng Vương Nghị ngày 18-3 tại Alaska.

Theo Ngoại trưởng Blinken, hai bên sẽ thảo luận một loạt vấn đề bao gồm cả các lĩnh vực còn bất đồng. Nội dung thảo luận dự kiến sẽ bao gồm: đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, quan điểm của Trung Quốc đối với Hồng Kông và Đài Loan, và cấm vận kinh tế Trung Quốc áp đặt lên Australia. Cuộc gặp sẽ diễn ra sau khi Ngoại trưởng Blinken thăm Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh thân cận nhất của Mỹ trong khu vực.  

Mối quan hệ “cạnh tranh mạnh mẽ”

Cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục bế tắc và Mỹ coi Trung Quốc là thách thức địa chính trị lớn nhất thế kỷ XXI. Mối quan hệ Mỹ-Trung trở nên căng thẳng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Hai bên đã áp đặt các mức thuế quan vào hàng hóa của nhau. Ngoài ra, chính quyền ông Donald Trump đã sử dụng một loạt biện pháp khác với Trung Quốc, trong đó có lệnh cấm trong lĩnh vực công nghệ do lo ngại về an ninh quốc gia.

Hôm 22-2, Nhà Trắng tuyên bố, quan hệ của Mỹ với Trung Quốc là một trong những mối quan hệ “cạnh tranh mạnh mẽ” và chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ phối hợp chặt chẽ với các đối tác và đồng minh để đảm bảo rằng mối quan hệ này sẽ xuất phát từ một vị thế hùng mạnh. Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: “Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ làm việc với sự phối hợp chặt chẽ cùng các đối tác và đồng minh của chúng tôi trên toàn thế giới: Châu Âu, các đối tác khác trong khu vực, cũng như các đảng viên Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa trong Quốc hội. Và điều đó cũng có nghĩa là chúng tôi muốn làm việc ở nhà và tập trung làm công việc ở nhà, để đảm bảo rằng chúng tôi đạt được điều đó từ một vị thế hùng mạnh”.

Tuyên bố của Nhà Trắng được đưa ra một ngày sau khi Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị phát biểu về mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ và thúc giục Washington dỡ bỏ các lệnh trừng phạt thương mại với Bắc Kinh.

Ưu tiên giải quyết

Cuộc gặp cấp cao sắp tới sẽ là cuộc gặp mặt chính thức cấp cao đầu tiên giữa đại diện Chính phủ Trung Quốc và Mỹ kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức vào tháng 1. Ông Dương Khiết Trì và Vương Nghị là 2 nhà ngoại giao cấp cao nhất của Trung Quốc. Việc phái đoàn có sự tham dự của 2 nhân vật này cho thấy tầm quan trọng mà Bắc Kinh đặt ra trong việc xây dựng lại mối quan hệ Trung Quốc - Mỹ, mối quan hệ song phương được xem là quan trọng và thách thức nhất thế giới hiện nay.

Hồi tháng 2, ông Blinken và ông Dương Khiết Trì đã có cuộc điện đàm đầu tiên trao đổi về nhiều vấn đề. Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm vào đêm giao thừa Tết Nguyên đán, tức ngày 11-2, trong hơn 2 giờ. Hồi tháng 2, chính quyền ông Biden công bố một lực lượng đặc nhiệm mới của Bộ Quốc phòng Mỹ nhằm đánh giá chiến lược đối với Trung Quốc của quân đội Mỹ.

Các động thái trên cho thấy chính quyền tổng thống Biden ưu tiên giải quyết căng thẳng trong mối quan hệ với Trung Quốc. Theo một báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ và Rhodium Group, nước Mỹ có thể thiệt hại 1.000 tỷ USD và chứng kiến khả năng cạnh tranh toàn cầu suy giảm trong dài hạn nếu Nhà Trắng tiếp tục duy trì chính sách cứng rắn với Trung Quốc. Báo cáo ước tính về lĩnh vực thương mại, nếu mở rộng biểu thuế 25% đối với toàn bộ hoạt động thương mại hai chiều, GDP của Mỹ sẽ mất 190 tỷ USD/năm vào năm 2025. Mức thiệt hại thậm chí có thể nặng nề hơn khi tính đến tác động từ việc Mỹ mất quyền tiếp cận thị trường ở Trung Quốc đối với doanh thu và thị trường việc làm, trong khi ngân sách cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và khả năng cạnh tranh đều giảm. Về đầu tư, nếu lập trường cứng rắn được duy trì và dẫn đến việc bán một nửa lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Mỹ tại Trung Quốc, các nhà đầu tư Mỹ sẽ mất 25 tỷ USD lợi nhuận mỗi năm và GDP thiệt hại 500 tỷ USD.

Báo cáo cảnh báo việc cắt đứt hoàn toàn các doanh nghiệp Mỹ khỏi thị trường Trung Quốc có thể sẽ gây ra những hậu quả lớn hơn cho vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ trong dài hạn.

AN BÌNH