Mỹ trước nguy cơ “chảy máu tài năng”

Thứ sáu, 03/03/2017 12:09

(Cadn.com.vn) - Theo các nguồn tin lĩnh vực an ninh mạng và giới chức đương nhiệm cũng như các cựu quan chức Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA), cơ quan tình báo này đứng trước nguy cơ chảy máu tài năng tin tặc và điệp viên không gian mạng. Nguyên nhân là do sự tái cơ cấu bừa bãi và mối lo ngại về quan hệ căng thẳng giữa cộng đồng tình báo và tân Tổng thống Donald Trump.

Theo một số lãnh đạo trong ngành an ninh mạng, số quan chức tình báo và các nhà thầu Chính phủ Mỹ tìm kiếm công việc trong khu vực tư nhân gia tăng kể từ khi ông Trump nhậm chức hôm 20-1. Theo một lãnh đạo giấu tên, đây là những người rất có năng lực. Họ đến từ nhiều cơ quan tình báo chính phủ và thực thi pháp luật khác nhau, và mối quan tâm đến các Cty tư nhân của họ xuất phát từ quan ngại về hướng đi của các cơ quan tình báo Mỹ dưới thời ông Trump.

Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) ở Fort Meade, Maryland. Ảnh: VOA

Kế hoạch tái cơ cấu 2 năm

Vấn đề này đặc biệt nan giải ở NSA do chương trình tái cơ cấu mang tên NSA21, bắt đầu từ năm ngoái với mục tiêu sáp nhập các hoạt động nghe lén với mảng an ninh mạng nội địa.

Kế hoạch đại tu 2 năm bao gồm việc mở rộng các bộ phận của NSA liên quan đến quản lý và nguồn lực con người và đặt chúng ngang hàng với vấn đề nghiên cứu và kỹ thuật. Mục đích là “đảm bảo rằng chúng tôi đang sử dụng tất cả các nguồn lực một cách tối đa để hoàn thành sứ mệnh”, Giám đốc NSA, Mike Rogers, cho biết. Những thay đổi về cơ cấu quản lý mới khiến một số nhân viên không chắc chắn về nhiệm vụ và triển vọng của họ. Các cựu nhân viên cho rằng, NSA đã thất bại trong việc giải quyết mối quan ngại rằng cơ quan này đang tụt lại phía sau trong việc khai thác những đột phá công nghệ.

Những khó khăn về ngân sách đồng nghĩa với việc không có tiền để tạo động lực phát triển. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các nhân viên trẻ, những người đôi khi phải làm hai công việc để kiếm sống. NSA và các cơ quan tình báo khác từ lâu đã gặp nhiều khó khăn trong việc ngăn cản các nhân viên tốt nhất chạy theo mức lương hậu hĩnh ở Thung lũng Silicon hay các khu vực tư nhân khác.

Chỉ trích của ông Trump

Khi được hỏi về nguy cơ chảy máu tài năng tại NSA và các cơ quan tình báo khác, người phát ngôn Nhà Trắng Michael Anton nói rằng Tổng thống Trump đã nỗ lực trấn an cộng đồng tình báo bằng chuyến thăm trụ sở Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) trong ngày đầu tiên tại vị. Ông Anton cũng chỉ ra rằng, tân Tổng thống đã gia tăng chi tiêu quân sự trong đề xuất ngân sách hôm 27-2. Tuy nhiên, theo giới chức tình báo, chỉ một chuyến thăm CIA sẽ là không đủ để hàn gắn quan hệ với cộng đồng tình báo.

Ông Trump từng chỉ trích kết quả phát hiện của cộng đồng tình báo về việc Nga đánh cắp thư điện tử của đảng Dân chủ trong chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 . Hồi tháng 1 ông Trump lại cáo buộc các cơ quan tình báo làm rò rỉ thông tin sai và cho rằng hành động này gợi nhớ tới chiến thuật được sử dụng thời phát-xít Đức.

Ông Rogers thừa nhận, chỉ trích của ông Trump đối với cộng đồng tình báo có thể tạo ra “một tình huống mà lực lượng lao động của chúng tôi quyết định rời bỏ”. Theo bà Susan Hennessey, một cựu luật sư tại NSA hiện đang làm cho Viện Brookings, động thái của ông Trump đã làm trầm trọng thêm những căng thẳng gây ra bởi việc tái cơ cấu NSA.

Mất bao nhiêu nhân tài?

Rất khó xác định số nhân viên đã chuyển khỏi NSA và các cơ quan tình báo khác. Theo ông Rogers, tỷ lệ nhân viên rời khỏi NSA trong năm 2015 ở mức là 3,3%.

Khi được yêu cầu bình luận về việc tỷ lệ nhân viên rời khỏi NSA tăng lên, một phát ngôn viên của cơ quan này cho rằng, việc các nhân viên nhảy việc là điều bình thường trong bối cảnh “nền kinh tế đã phục hồi từ cuộc suy thoái , tỷ lệ thất nghiệp giảm và nhu cầu đối với nguồn nhân lực kỹ thuật có tay nghề cao tăng lên”. Trong một tuyên bố, Kathy Hutson, giám đốc nhân lực NSA, cho biết cơ quan này tiếp tục “thu hút tài năng để thực hiện các nhiệm vụ an ninh cần thiết”.

An Bình (Theo Reuters)