Mỹ và chiến lược chống IS

Thứ hai, 25/05/2015 10:36

(Cadn.com.vn) - Bất chấp những thắng lợi của IS ở Iraq và Syria, Mỹ vẫn kiên quyết không thay đổi chiến lược trong cuộc chiến chống tổ chức Hồi giáo cực đoan này.

Đường lối ngăn chặn đà tiến quân của nhóm Hồi giáo cực đoan IS tại Iraq và Syria của Tổng thống Barack Obama đang chứng kiến nhiều thất bại.

Máy bay trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ được  triển khai tại Hạm đội 5, hỗ trợ các cuộc không kích ở Iraq và Syria chống IS. Ảnh: AFP

Sau khi chiếm được Ramadi và mới đây nhất là Palmyra, hôm 24-5, IS lại chiếm cửa khẩu quan trọng bên phía Iraq, giáp Syria sau khi các lực lượng chính quyền Baghdad bị bao vây rút khỏi khu vực này. AFP dẫn lời một sĩ quan cảnh sát và một quan chức cấp tỉnh ở Iraq xác nhận: “Daesh 9 - tên gọi khác của IS - sáng 24-5 kiểm soát cửa khẩu Al-Walid trên biên giới Iraq - Syria sau khi quân đội và cảnh sát biên phòng Iraq rút khỏi đây”. Hiện, các lực lượng của Iraq rút về cửa khẩu Trebil gần đó, giáp giới Jordan.

Việc chiếm được cửa khẩu quan trọng này tiếp tục đánh dấu chiến thắng liên tiếp của IS trong những ngày qua, bất chấp những cuộc không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu. Chỉ 3 ngày trước, IS chiếm khu vực cửa khẩu Al-Tanaf bên phía Syria, đẩy các lực lượng Iraq đang bảo vệ khu vực tiền đồn hẻo lánh của tỉnh Anbar này vào tình thế rất nguy hiểm.

Nhiều người chỉ trích cho rằng, sự sụp đổ liên tiếp của các lực lượng Iraq và Syria cho thấy những điểm giới hạn trong chiến lược của ông Obama. Tuy nhiên, bất chấp những thắng lợi của IS, Tổng thống Obama dường như vẫn không muốn thay đổi chiến lược chiến tranh lần này dù giới phân tích cho rằng, chính những điểm giới hạn này làm nổi bật chia rẽ bè phái trong xã hội Iraq, tạo lợi thế để các nhóm IS khai thác triệt để.

Ông chủ Nhà Trắng vẫn bảo vệ cách tiếp cận của mình và khẳng định sự sụp đổ ở Ramadi chỉ đơn thuần là “bước lùi chiến thuật”. “Tôi không nghĩ rằng chúng ta đang bị thua”, ông Obama nói khi trả lời phỏng vấn của báo The Atlantic. Ông Obama cho biết, câu hỏi đặt ra không phải là liệu quân đội Mỹ có điều bộ binh đến Iraq hay Syria hay không mà vấn đề là “làm thế nào để chúng tôi tìm ra đối tác hiệu quả” có thể đánh bại những kẻ cực đoan ở Iraq và Syria.

Nhưng, ngay cả bên trong Nhà Trắng, thất bại ở Ramadi được xem là gây tổn hại cho cả chính phủ Iraq và liên minh do Mỹ dẫn đầu, vốn bắt đầu các cuộc không kích chống IS từ cuối năm ngoái. Chỉ vài ngày sau khi Ramadi thất thủ, các chiến binh thánh chiến cũng chiếm giữ thành phố cổ Palmyra ở Syria cũng như một cửa khẩu biên giới quan trọng. Vì vậy, cần nhìn nhận thực tế rằng, việc IS vẫn mạnh mẽ sau khi hứng chịu hơn 4.000 cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu trong 9 tháng ở Iraq và Syria và chính quyền cần có “cái nhìn cứng hơn” về chiến lược của mình. Có cần thêm các cuộc không kích? Hay phải mở cuộc chiến trên bộ?

Nhiều người chỉ trích Tổng thống Obama quá thận trọng. Và hiện ông chủ Nhà Trắng đang đối mặt với những lời kêu gọi phải có cuộc cải tổ mạnh mẽ về chiến dịch không kích này. Thượng nghị sĩ John McCain và nhiều nghị sĩ khác kêu gọi ông Obama nên triển khai lực lượng đặc biệt và mở nhiều cuộc tấn công hơn nhằm vào IS. Các lực lượng đặc biệt tinh nhuệ có thể được “triển khai” trên khắp các chiến trường để hỗ trợ trong cuộc không kích, hỗ trợ quân đội Iraq và săn lùng chỉ huy nhóm phiến quân này. Các nhà phê bình cũng thúc giục Washington có một lập trường ngoại giao mạnh mẽ hơn để ngăn chặn các phần tử thánh chiến lợi dụng sự chia rẽ bên trong liên minh quốc tế và sự tha hóa của người Sunni ở Iraq.

Mối lo IS càng tăng cao khi Tư lệnh các lực lượng quốc tế tại Afghanistan, tướng Mỹ John F. Campbell cảnh báo, nhóm cực đoan này đang ráo riết tuyển quân tại Afghanistan, dù chưa triển khai hoạt động tại quốc gia Tây Nam Á này.

Khả Anh