Mỹ và nỗi ám ảnh tấn công Đại sứ quán
(Cadn.com.vn) - Mỹ ngày 5-8 thông báo, 19 đại sứ quán và lãnh sự quán của nước này ở Trung Đông và Châu Phi sẽ bị đóng cửa đến hết ngày 10-8 do những lo ngại khủng bố. Danh sách này bao gồm 15 đại sứ quán, lãnh sự quán và 4 cơ quan khác được bổ sung thêm. Ít nhất 25 văn phòng đại sứ quán và lãnh sự quán của Mỹ ban đầu bị yêu cầu phải đóng cửa trong ngày 4-8 để đối phó với mối đe dọa khủng bố, động thái mà các nghị sĩ nước này cho rằng những thông tin thu thập được cho thấy các điệp viên cao cấp của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đang có dấu hiệu tiến hành một vụ tấn công lớn.
Không những Mỹ, nhiều nước khác ban hành một lệnh cảnh báo trên toàn thế giới vì một mối đe dọa chưa xác định từ Al-Qaeda. Khu vực bị đe dọa “đặc biệt là ở Trung Đông và Bắc Phi, và có thể xảy ra tại bán đảo Arab”. Nhiều nước cũng đóng cửa đại sứ quán, lãnh sự quán trong ngày 4-8. Có thể thấy, đây là một “ngày đặc biệt”, bởi trong lịch sử, đã từng xảy ra nhiều vụ tấn công Đại sứ quán trong ngày này.
Ngày 4-8 cũng là ngày thứ 27 của tháng Ramadan và một ngày đặc biệt đối với người Hồi giáo trên thế giới. Đây được xem là “Đêm của Sức mạnh” khi câu đầu tiên của kinh Koran được tiết lộ cho nhà tiên tri Mohammed. Ngày này cũng được Al-Qaeda xem là ngày tử vì đạo và là một ngày cực tốt lành để chết. Ở nước Mỹ, ngày này cũng có ý nghĩa quan trọng khi là ngày sinh của Tổng thống Barack Obama.
Lịch sử các vụ tấn công
Vào “Đêm của Sức mạnh” năm 2000, ngày 3-1, các chiến binh Al-Qaeda phát động một cuộc tấn công tự sát nhằm vào tàu chiến Mỹ USS The Sullivans ngoài khơi bờ biển Yemen bằng một chiếc thuyền chứa đầy bom.
Cuộc tấn công thất bại, nhưng cùng một nhóm chiến binh tấn công tàu USS Cole 10 vài tháng sau đó, một lần nữa cũng bằng chiến thuật một chiếc thuyền chất đầy bom. Cuộc tấn công lần này thành công, khiến 17 thủy thủ Mỹ thiệt mạng. 1 ngày sau “Đêm của Sức mạnh” năm 2001, trùm khủng bố Osama bin Laden ký di chúc khi lo sợ bị máy bay ném bom Mỹ tiêu diệt trong trận chiến tại Tora Bora ở miền đông Afghanistan.
Trong lịch sử, Al-Qaeda và các nhóm phiến quân khác thực hiện nhiều vụ tấn công các Đại sứ quán và Lãnh sự quán Mỹ. Năm 1998, các vụ đánh bom nhằm váo các Đại sứ quán tại Tanzania và Kenya, làm hơn 200 người thiệt mạng. Gần đây nhất là vụ “làm mưa làm gió” Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya nhân dịp kỷ niệm 11 năm vụ khủng bố 11-9. Đối với Al-Qaeda, các cơ quan ngoại giao là những mục tiêu hấp dẫn vì chúng tượng trưng cho sức mạnh của Mỹ và vị trí thuận lợi. Thật vậy, một số Đại sứ quán và Lãnh sự quán bị đóng cửa vào ngày 4-8 đã từng bị Al-Qaeda và các nhóm phiến quân có liên quan tấn công trước đây. Ở Saudi Arabia, các phần tử khủng bố Al-Qaeda tấn công vào Đại sứ quán Mỹ tại Riyadh vào ngày 12-5-2003, giết chết 36 người...
Hiện trường cuộc tấn công khủng bố bên ngoài Lãnh sự quán Mỹ ở Peshawar, |
Kéo dài lệnh đóng cửa
Mặc dù các quan chức Mỹ không khẳng định cụ thể Đại sứ quán nào sẽ là mục tiêu, nhưng các tòa nhà của Mỹ tại Cairo (Ai Cập) là những nơi được quan tâm.
Hồi tháng 5, các quan chức Ai Cập bắt giữ 3 người đàn ông lập kế hoạch tấn công các Đại sứ quán, phát hiện gần 10kg nhôm nitrat, sách hướng dẫn cách chế tạo bom, và các tài liệu do Al-Qaeda Hồi giáo Bắc Phi phát hành. Một yếu tố khác khiến Mỹ phải ban bố lệnh đóng cửa các Đại sứ quán là do trong 2 tuần qua, Al-Qaeda thực hiện nhiều vụ tấn công nhà tù quy mô lớn ở Iraq và Libya, giúp hơn 1.000 tù nhân, trong đó có những nhân vật quan trọng, trốn thoát. Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad, Iraq, và Tripoli, Libya, cũng là một trong những nơi có nguy cơ rất cao.
Cảnh báo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ, Al-Qaeda và các chân rết của tổ chức này có thể sẽ tiến hành các cuộc tấn công ở Trung Đông - Bắc Phi và một số nơi khác trong thời gian từ nay đến hết tháng 8. Các nhà lập pháp Mỹ và cựu giới chức cao cấp cho rằng, việc quyết định đóng cửa các cơ quan đại diện ngoại giao và đưa ra cảnh báo đi lại là một biện pháp đặc biệt. Nhà Trắng cũng tổ chức các cuộc họp liên ngành trong hai ngày cuối tuần để đánh giá về các nguy cơ an ninh có thể xảy ra. Nhiều nước khác như Anh, Đức và Pháp cũng có hành động tương tự và Tổ chức Cảnh sát Quốc tế (Interpol) đưa ra cảnh báo về an ninh của riêng cơ quan này.
Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẽ tiếp tục đóng cửa 22 cơ sở ngoại giao cho đến ngày 10-8 song khẳng định việc gia hạn đóng cửa là vì thận trọng chứ không phải để phản ứng với một nguy cơ mới.
An Bình
(Theo CNN, AP)