Myanmar vẫn “nóng” hừng hực
Bạo lực leo thang ở Myanmar khi các nhà chức trách trấn áp các cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính ngày 1-2 đang làm gia tăng áp lực yêu cầu thêm các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền hiện do quân đội nắm giữ.
Binh sĩ Myanmar trấn áp biểu tình tại Yangon. Ảnh: Reuters |
Vẫn nghe tiếng súng nổ
Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ sau khi quân đội bắt giữ và lật đổ nhà lãnh đạo Đảng LND được nhân dân bầu - bà Aung San Suu Kyi cùng nhiều quan chức cấp cao cầm quyền hôm 1-2, kéo theo các cuộc biểu tình và đình công ngày càng lan rộng.
Theo thống kê của LHQ, hơn 50 người biểu tình đã thiệt mạng, trong đó, ngày 3-3 được gọi là “ngày đẫm máu”, với ít nhất 38 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình trên khắp Myanmar. Những người biểu tình yêu cầu trả tự do cho bà Suu Kyi và tôn trọng kết quả bầu cử tháng 11 năm ngoái - mà quân đội cáo buộc là gian lận. Trong ngày 7-3, làn sóng biểu tình tiếp tục bùng nổ. Các nhân chứng cho biết đã nghe thấy tiếng súng nổ ở thành phố Yangon và cảnh sát lẫn quân đội đã đổ bộ xuống nhiều khu vực của thành phố lớn nhất Myanmar vào lúc sáng sớm.
Reuters dẫn lời dân địa phương cho biết đã có 3 người bị bắt nhưng chưa rõ có liên quan lý do gì. Họ cũng cho biết đã nghe tiếng súng nổ. Lực lượng an ninh Myanmar được cho là đã thực hiện cuộc đột kích trong đêm 6-3 tại nhiều điểm ở Yangon. Trước đó, lực lượng an ninh Myanmar đã bẻ gãy các cuộc biểu tình bằng hơi cay và lựu đạn gây choáng. Cảnh sát đã dùng hơi cay và lựu đạn gây choáng ở thị trấn Lashio phía Bắc Myanmar, theo video trực tiếp được đăng trên Facebook. Một nhân chứng cho biết cảnh sát nổ súng để giải tán một cuộc biểu tình ở thị trấn Bagan, nhưng không rõ họ sử dụng đạn cao su hay đạn thật.
Tuy nhiên, theo Reuters, các cuộc biểu tình lại tiếp tục được lên kế hoạch trong ngày Chủ nhật, bất chấp cảnh báo của chính quyền quân sự là sẽ bắt giữ người biểu tình. Hiện chưa có báo cáo về thương vong. Các cuộc biểu tình ở khoảng 6 thành phố khác diễn ra trong hòa bình. Cuộc biểu tình lớn nhất là ở thành phố Mandalay, nơi những người biểu tình dành 2 phút im lặng để tưởng nhớ những người đã thiệt mạng.
Trừng phạt như thế nào?
Bài toán trừng phạt càng trở nên khó khăn gấp bội bởi lo ngại gây hại cho dân thường, những người vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ suy thoái kinh tế, nhưng lại bất chấp rủi ro bị bắt hay bị thương để lên tiếng phản đối việc quân đội lên nắm quyền. Tuy nhiên, các nhà hoạt động và chuyên gia cho rằng vẫn còn nhiều biện pháp gây áp lực lên quân đội Myanmar, như cắt nguồn tài trợ và tiếp cận đối với các công cụ trấn áp khác.
Đặc phái viên của LHQ Christine Schraner Burgener hồi cuối tuần thúc giục HĐBA hành động để dập tắt bạo lực của quân đội và thúc giục cần có hành động tập thể để ngăn chặn quân đội Myanmar. Tuy nhiên, AP dẫn lời các chuyên gia cho rằng, một hành động phối hợp của LHQ rất khó đạt được. Hiện một số hành động riêng lẻ đã được thực hiện. Mỹ, Anh và Canada đã thắt chặt các hạn chế khác nhau đối với quân đội Myanmar, các thành viên gia đình và các lãnh đạo cấp cao khác của quân đội. Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận đã chặn một nỗ lực của quân đội Myanmar nhằm tiếp cận hơn 1 tỷ USD trong quỹ ngân hàng trung ương đang được giữ ở Mỹ.
Nhưng hầu hết các lợi ích kinh tế của quân đội vẫn “không bị thách thức gì”. Không rõ liệu các biện pháp trừng phạt được áp dụng cho đến nay, mặc dù có ý nghĩa về mặt biểu tượng, sẽ có nhiều tác động hay không. Bà Burgener nói với các phóng viên LHQ rằng, quân đội Myanmar đã không mấy quan tâm đến cảnh báo về “các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ khổng lồ” có thể xảy ra chống lại cuộc đảo chính khi họ trả lời rằng: “Chúng tôi đã quen với các lệnh trừng phạt và chúng tôi đã sống sót sau các lệnh trừng phạt đó trong quá khứ”.
Nhiều chuyên gia và nhà hoạt động nhân quyền khác đang kêu gọi cấm giao dịch với nhiều Cty Myanmar liên kết với quân đội và cấm vận vũ khí, công nghệ, các sản phẩm và dịch vụ có thể được chính quyền sử dụng để giám sát và phục vụ bạo lực. Nhóm hoạt động “Công lý cho Myanmar” đã đưa ra danh sách hàng chục Cty nước ngoài mà họ cho rằng đã cung cấp các công cụ đàn áp tiềm năng như vậy cho chính phủ, hiện hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội.
Hạn chế giao dịch với các tập đoàn quân sự thống trị bao gồm Myanmar Economic Corp., Myanmar Economic Holdings Ltd. và Myanmar Oil and Gas Enterprise cũng có thể tạo ra nhiều “cú đấm” hơn, với tác động tối thiểu đến các Cty tư nhân và cá nhân nhỏ. Dầu và khí đốt là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Myanmar và là nguồn ngoại hối quan trọng cần thiết để thanh toán cho hàng nhập khẩu. Các ngành công nghiệp khai thác và dầu khí trị giá 1,4 tỷ USD của nước này chiếm hơn 1/3 kim ngạch xuất khẩu và một phần lớn doanh thu từ thuế. “Nguồn cung tiền phải bị cắt. Đó là ưu tiên cấp bách nhất và là bước đi trực tiếp nhất có thể được thực hiện”, chuyên gia Sidoti nhận định và nói rằng: “Nhưng thật không may, các biện pháp như vậy có thể đòi hỏi cam kết và thời gian, và “thời gian không đứng về phía người dân Myanmar vào thời điểm hiện nay”.
KHẢ ANH