Myanmar với bài toán nan giải về người Rohingya
LHQ ngày 5-9 thông báo, gần 124.000 người tị nạn, phần lớn là người Hồi giáo Rohingya, đã chạy sang Bangladesh sau khi bạo lực nổ ra tại nước láng giềng Myanmar từ hôm 25-8.
Một gia đình người Hồi giáo Rohingya đến biên giới Bangladesh. Ảnh: AFP |
Giới lãnh đạo Myanmar đang chịu sức ép từ các nước có đông người Hồi giáo sinh sống về việc chấm dứt bạo lực chống người Hồi giáo Rohingya sau khi ít nhất 400 người thiệt mạng và gần 125.000 người chạy đến Bangladesh trong cuộc giao tranh bạo lực chết chóc nhất nhằm vào cộng đồng người thiểu số này trong nhiều thập kỷ qua.
Trong báo cáo công bố ngày 5-9, LHQ thông báo, gần 124.000 người tị nạn, phần lớn là người Hồi giáo Rohingya, đã chạy sang Bangladesh sau khi bạo lực nổ ra tại nước láng giềng Myanmar từ hôm 25-8. Khoảng 37.000 người đã đến Bangladesh trong vòng 24 giờ qua, con số cao nhất trong 1 ngày kể từ khi xảy ra xung đột.
Các phóng viên của Reuters cho biết đã thấy hàng trăm người Rohingya nhồi nhét trên những con thuyền đến gần làng Shamlapur ở Bangladesh, gần biên giới Myanmar. Ngôi làng này, đối mặt với vịnh Bengal, dường như đã trở thành điểm tiếp nhận mới nhất cho người tị nạn sau khi các nhà chức trách giải tán những kẻ buôn người ở một phần khác của bán đảo Teknaf.
Các nước cũng đang nỗ lực giúp đỡ Myanmar giải quyết vấn đề này. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đến Myanmar trong ngày 5-9 và gặp các quan chức hàng đầu nước chủ nhà, trong đó có Cố vấn Nhà nước kiêm Ngoại trưởng nước chủ nhà Suu Kyi, nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar. Ngoại trưởng Indonesia, ông Retno Marsudi, cũng có mặt tại thủ đô Dhaka, thủ đô Bangladesh hôm 5-9 sau khi gặp nhân vật đoạt giải Nobel Hòa bình và chỉ huy quân đội Min Aung Hlaing để thúc giục Myanmar ngăn chặn cuộc đổ máu. Theo nguồn tin Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 5-9, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu sẽ đến Bangladesh vào tối 6-9 để tổ chức các cuộc họp về giao tranh ở tây bắc Myanmar.
Trong khi đó, chính quyền Malaysia đã triệu Đại sứ Myanmar tại nước này để phản đối tình hình bạo lực tại bang Rakhine của Myanmar. Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman nhấn mạnh, tình hình bạo lực gần đây tại bang Rakhine cho thấy, chính phủ Myanmar gần như không đạt được tiến triển nào trong việc tìm ra một giải pháp hòa bình cho vấn đề cộng đồng người Rohingya. Malaysia, quốc gia có người Hồi giáo chiếm đa số, thường xuyên thẳng thắn bày tỏ quan ngại trước tình hình khó khăn của cộng đồng người Rohingya.
Trong ngày 5-9, Indonesia cấm biểu tình chống Myanmar tại ngôi chùa Phật giáo lớn nhất thế giới Borobudur ở đảo Java để phản đối vấn đề người Hồi giáo Rohingya. Các nhóm Hồi giáo cho biết họ đã lên kế hoạch biểu tình gần ngôi chùa này và kêu gọi chấm dứt bạo lực chống lại những tôn giáo và dân tộc thiểu số ở Myanmar. Indonesia có nhiều biện pháp để khuyến khích chính phủ Myanmar ngay lập tức khôi phục an ninh và ổn định tại bang Rakhine. Tuy nhiên, đây là bài toán khó đối với Myanamar hiện nay.
Làn sóng bạo lực gần đây bùng phát ở bang Rakhine, tây bắc Myanmar vào ngày 25-8, khi những người Hồi giáo nổi dậy Rohingya tấn công hàng chục trụ sở cảnh sát và một căn cứ quân đội. Các cuộc đụng độ tiếp sau đó và cuộc phản công quân sự đã khiến ít nhất 400 người thiệt mạng và gây ra cuộc di cư lớn đến Bangladesh.
Myanmar không công nhận người Rohingya là một trong các dân tộc thiểu số của nước mình, và gọi họ là người Bengalis - hay người nhập cư bất hợp pháp từ nước Bangladesh láng giềng. Vì vậy, với Myanmar, việc đối xử với khoảng 1,1 triệu người Hồi giáo Rohingya là thách thức lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua.
KHẢ ANH