Năm 2018, Đà Nẵng chính thức đưa sàn thương mại điện tử vào hoạt động

Thứ ba, 02/01/2018 15:10

Qua khảo sát 200 doanh nghiệp (DN) tại Đà Nẵng trong năm 2017, có 100% DN trang bị máy tính với tổng số gần 5.600 máy (trung bình mỗi DN khoảng 28 máy), hơn 100% DN có kết nối Internet. Năm 2017, theo chỉ tiêu về số lao động chuyên trách về công nghệ thông tin (CNTT) và thương mại điện tử (TMĐT)/bình quân mỗi DN đã có sự chuyển biến theo chiều hướng đón nhận TMĐT đã thành công cụ hữu hiệu trong việc kinh doanh trực tuyến của DN khi có 2.363/7.684 lao động biết về CNTT và chuyên trách về CNTT tương đương tỉ lệ là 11,76%.

Thương mại điện tử ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp.   Ảnh: NGUYỄN LÊ

Đối với sử dụng tiện ích hỗ trợ người tiêu dùng tham gia TMĐT loại hình DN với người tiêu dùng, gần 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 50% các dịch vụ điện nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán phí dịch vụ của các hộ gia đình qua phương tiện điện tử (thanh toán trực tuyến qua ngân hàng); 43% cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực thương mại dịch vụ như vận tải, văn hóa, thể thao và du lịch phát triển các kênh giao dịch điện tử phục vụ người tiêu dùng; các lĩnh vực như vận tải- logistics (giao nhận, tour du lịch...), nhà hàng, khách sạn, các khu vui chơi đều triển khai các hoạt động TMĐT như: xây dựng website quảng bá, đặt hàng trực tuyến, thanh toán thẻ thay cho tiền mặt và nhiều hình thức dịch vụ thanh toán khác. Đặc biệt gần đây, các DN đã mạnh dạn khai thác, ứng dụng giải pháp công nghệ hiện nay như: Smartphone, các trang mạng xã hội: facebook, google, zalo,... sử dụng các ứng dụng trên nền thiết bị di động (mobile application) để phục vụ bán hàng.

Trong hoạt động giao dịch và trao đổi thông tin, 100% DN sử dụng thư điện tử, trong đó có 32% DN thường xuyên sử dụng email trong giao kết hợp đồng mua bán; có khoảng 46,8% DN chỉ sử dụng email trong thông báo thông tin, trao đổi liên hệ và liên kết chăm sóc khách hàng; 141 DN đã có website, chiếm tỉ lệ 69,46%; 51 DN chưa có website, chiếm tỉ lệ 25,12%; 9 DN sẽ xây dựng website trong năm 2018, chiếm tỉ lệ 4,43%, trong đó số DN có mức độ quan tâm, cập nhật thông tin thường xuyên hàng ngày chiếm 17,7%, hàng tuần chiếm 49,64% và hàng tháng chiếm 32,62%.

Trong tổng số DN có website thì website có phiên bản di động chiếm 37,81%; DN tham gia sàn TMĐT, chiếm tỉ lệ 16,42%, DN có bán hàng trên các mạng xã hội chiếm 32,02%.

Ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, trong những năm gần đây, TMĐT đang ngày càng thu hút sự quan tâm của nhiều DN. Đây cũng là một xu hướng phát triển kinh doanh tất yếu; mang lại lợi ích cho cộng đồng DN và người tiêu dùng. Phát triển TMĐT sẽ giúp DN mở ra nhiều cơ hội bán hàng, giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch, tiếp thị, tìm kiếm đối tác; góp phần không nhỏ vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Cuối năm 2017, Sở Công Thương triển khai xây dựng Sàn TMĐT Đà Nẵng nhằm hỗ trợ các DN thành phố giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên môi trường trực tuyến và sẽ đưa vào hoạt động vào đầu năm 2018, đồng thời khuyến khích hỗ trợ DN tham gia sàn TMĐT.

XUÂN ĐƯƠNG