Năm Công nghệ thông tin nhìn từ Đà Nẵng

Thứ năm, 11/12/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Năm học 2008-2009 được Bộ GD-ĐT chọn là “Năm Công nghệ thông tin” (CNTT). Nhưng ngay từ những năm 2000, ngành GD-ĐT TP Đà Nẵng đã đẩy mạnh đầu tư và ứng dụng CNTT với mục tiêu hướng tới một nền giáo dục điện tử trên cơ sở xây dựng mô hình “trường học điện tử” ở mỗi cấp học.

Mô hình trường học điện tử

Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn là minh chứng sống động nhất trong việc “điện tử hóa” môi trường giáo dục của Đà Nẵng. Hệ thống CNTT của trường được chia thành các phân hệ: phân hệ cáp và phụ kiện cáp, phân hệ internet và phân hệ ứng dụng. Các phòng học đều được trang bị máy tính và màn hình Plasma monitor 42, với các thiết bị đầu cuối cho phép kết nối internet tốc độ cao ADSL. Các phòng thực hành CNTT, multimedia, thư viện điện tử đều có hệ thống máy tính kết nối ADSL. Bên cạnh đó, trường còn được trang bị các máy chiếu projector, projection monitor, máy tính xách tay, hệ thống truy cập internet không dây, hệ thống camera quan sát phục vụ công tác quản lý và dạy học.

Các quá trình giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục của nhà trường cũng đã được số hóa. Học sinh (HS) ngoài việc học trực tiếp trên lớp với giáo viên (GV) còn phải học trên thư viện điện tử, học qua mạng, làm bài và thuyết trình trên đa phương tiện. Hiện nhà trường có một website thông tin điều hành; một hệ thống email để cán bộ, GV, HS nhận và gửi thông tin, thông báo; một website thông tin...

Được hưởng lợi từ dự án THCS của Bộ GD-ĐT trong việc trang bị các thiết bị đồ dùng dạy học, cách đây hơn 5 năm, Trường THCS Nguyễn Trãi cũng đã đầu tư thêm bộ kết nối CPU với màn hình lớn, máy in laser và máy vi tính để phát triển theo hướng ứng dụng CNTT tại các phòng học bộ môn. Theo đó, các môn học từ Mỹ thuật, Âm nhạc đến Lịch sử, Tiếng Anh, Địa lý, Toán... và các môn khoa học thực nghiệm đều được GV dạy tại các phòng bộ môn rất hiệu quả nhờ khai thác và ứng dụng CNTT theo hướng sử dụng các phim được cung cấp hoặc GV tự làm hằng năm theo từng môn, từng khối lớp. Các tiết học thực nghiệm của nhà trường nhờ thế trở nên sinh động, thu hút HS hơn bởi GV chuẩn bị bài giảng bằng chương trình PowerPoint với nội dung cô đọng, kèm theo các thiết bị, đồ dùng dạy học như bộ đồ mổ, sử dụng máy camera phóng đại với kính hiển vi, sau đó đưa lên màn hình lớn (LG 53”) để HS quan sát...

Ở bậc TCCN, Trường Công Kỹ nghệ Việt Tiến ngay từ khi mới thành lập đã có sự đầu tư mạnh mẽ trong ứng dụng CNTT. Trường hiện có hơn 400 máy tính kết nối internet tốc độ cao, các phòng học lý thuyết đều được trang bị máy tính, âm thanh, hệ thống multi VGA. Hệ thống máy chủ của trường gồm: 1 file server, 1 webserver, 1 mail server và 7 máy chủ cho 6 phòng thực hành. Các nghiệp vụ quản lý nhà trường đều được máy tính hóa. Thông qua hệ thống email, nhà trường lấy thông tin đánh giá phản hồi từ HS đối với chất lượng giảng dạy của thầy cô giáo..., từ đó để đánh giá mức độ quan tâm của HS đối với từng môn học, chất lượng giảng dạy của từng thầy cô giáo. Hệ thống email nội bộ cũng giúp nhà trường quản lý HS trong quá trình thực tập tốt nghiệp. Hằng tuần, HS phải báo cáo tiến độ thực tập cho GV hướng dẫn, đồng thời gửi các bài báo cáo từng phần để tham khảo ý kiến GV mà không cần phải liên lạc trực tiếp. Ngoài ra, Trường TCCN Công Kỹ nghệ Việt Tiến còn có những chương trình ứng dụng khác do GV tự xây dựng như: chương trình kiểm tra kết quả gõ 10 ngón; tự thu âm lại bài giảng multimedia để đưa lên mạng cho HS nghe lại bài giảng trong phòng tự thực hành...

 Bộ GD-ĐT tổ chức tập huấn CNTT cho các Sở GD-ĐT khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: P.T

Cần những quy định về tiêu chuẩn học liệu CNTT

Đến đầu năm học 2008-2009, 100% trường THPT, TCCN trên địa bàn TP Đà Nẵng đã có hơn 2 phòng máy vi tính nối mạng (tối thiểu 25 máy/phòng), 80% trường THCS và 40% trường tiểu học có phòng máy tính. Tất cả các trường THCS, THPT, TCCN, trung tâm giáo dục thường xuyên và khoảng 50% trường tiểu học kết nối internet ADSL, chỉ còn một số ít trường kết nối bằng modem quay số. Thông qua việc các đơn vị, trường học tăng cường bồi dưỡng trình độ ứng dụng CNTT cho cán bộ, GV và đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT ngay trong hè 2008, đến nay, Đà Nẵng đã có 77,86% cán bộ quản lý và 81,43% GV tham gia Chương trình khóa học khởi đầu của Intel; có 3/7 phòng GD-ĐT có website riêng phục vụ công tác quản lý, điều hành.

Sở GD-ĐT Đà Nẵng cũng đang đẩy mạnh việc xây dựng và sưu tập các học liệu, bài giảng điện tử, tham mưu UBNDTP hỗ trợ để triển khai phần mềm mã nguồn mở và nghiên cứu xây dựng mô hình “trường học điện tử”, triển khai hệ thống email quản lý giáo dục thống nhất trong các đơn vị, trường học, khuyến khích các đơn vị, trường học xây dựng website quản lý, dạy học... Đà Nẵng dự kiến tổ chức Ngày hội CNTT vào ngày 10-1-2009 với các nội dung: các hội thi về ứng dụng CNTT trong dạy học, trong quản lý giáo dục; thi sản phẩm ứng dụng CNTT của HS và GV; hướng nghiệp CNTT; giới thiệu sản phẩm CNTT phục vụ dạy học và các hoạt động giáo dục.

Qua gần 8 năm ứng dụng CNTT vào công tác giáo dục tại Đà Nẵng, có thể thấy đây là một hướng đi rất cần thiết và kịp thời, góp phần thay đổi nội dung, phương pháp, hình thức dạy học và quản lý giáo dục, tạo nên sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội... Tuy nhiên, có một thực tế là việc trang bị các phần mềm dạy học, chuẩn hóa các tài liệu giảng dạy, học tập dạng số còn gặp nhiều khó khăn do chưa có những quy định cụ thể về tiêu chuẩn của các học liệu này. Hiện nay, việc ứng dụng CNTT trong các đơn vị, trường học ngày càng được đẩy mạnh nhưng chưa có một quy định nào mang tính đột phá về nhân sự cũng như chính sách cho cán bộ phụ trách CNTT của các đơn vị, trường học (chế độ kiêm nhiệm của cán bộ phòng máy vẫn là 4 tiết/tuần). Thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT cần sớm ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng e-learning trong dạy học để các Sở GD-ĐT có cơ sở để triển khai; cung cấp phần mềm quản lý trường học với sự đồng bộ dữ liệu từ Bộ GD-ĐT đến Sở và đến các trường học.

Nguyên Hà