Nam giới nói không với bạo lực phụ nữ

Thứ sáu, 25/11/2016 10:03

(Cadn.com.vn) - Ngày 24-11, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng phối hợp với Cơ quan Liên hiệp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN WOMEN) tổ chức tổng kết dự án "Nam giới tiên phong trong phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái". Không ít phái mạnh ở Đà Nẵng đã thay đổi khi tham gia dự án này.

Một thành viên câu lạc bộ nam giới phòng chống bạo lực với phụ nữ
và trẻ em gái P. Hòa Cường Bắc phát biểu tại hội thảo.

 “Tôi đã thay đổi rất nhiều" - ông T.Q.H. (xã Hòa Phong, Hòa Vang) tâm sự như vậy, sau một thời gian tham gia dự án phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Bây giờ ông H. đã biết phụ vợ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, chứ không như trước đây, mọi việc trong nhà đều để vợ gánh vác. "Nói thật trước đây, tôi vẫn khá nặng nề chuyện giới, mặc định đàn ông chỉ lo làm kiếm tiền, còn việc quét nhà, nấu cơm là của vợ, hay có hành vi đánh vợ mới là bạo lực gia đình. Từ khi tham gia dự án này, tôi mới biết lâu nay mình làm nhiều điều sai với vợ mà không nhận ra" - anh H. chia sẻ. Cũng giống như anh H., nhiều nam giới khác khi được hỏi cũng có nhận thức sai lệch khi nói đến bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Phần lớn nam giới cho rằng bạo lực chỉ là khi đánh đập, ít khi làm việc nội trợ vì cho đó là việc của phụ nữ, không chịu nhường nhịn và hay áp đặt lên phụ nữ... Con số thống kê cho thấy, tình hình bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam là điều rất phổ biến, khi có 58% phụ nữ đã từng kết hôn trải qua một hình thức bạo lực, 54% phụ nữ bị bạo lực về tinh thần, 32% bị bạo lực về thể chất, trong đó có 10% phụ nữ bị bạo lực tình dục... Chính vì vậy dự án Nam giới tiên phong trong phòng chống bạo lực phụ nữ, trẻ em gái do UN WOMEN tài trợ thực hiện ở xã Hòa Phong (Hòa Vang) và P. Hòa Cường Bắc (Q. Hải Châu) đã tác động đến nhận thức của không ít nam giới ở Đà Nẵng. Anh Nguyễn Nhỏ (xã Hòa Phong) cho biết hiện xã Hòa Phong có 25 thành viên là nam giới tham gia dự án Nam giới tiên phong trong phòng chống bạo lực phụ nữ, trẻ em gái. "Thông qua các buổi tập huấn và trao đổi, các thành viên trong câu lạc bộ đã thay đổi nhận thức. Bản thân tôi khi tham gia CLB cũng thế, nếu mình không đi tiên phong thì sẽ không thể khuyên người khác cùng phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái", anh Nhỏ tâm sự.  Còn chị Lê Huyền Trâm, Phó Chủ tịch Hội LHPN H. Hòa Vang nói: "Cùng với dự án Nam giới tiên phong phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em thì Hội LHPN huyện cũng có nhiều mô hình khác tiếp cận, giúp đỡ những trường hợp bị bạo lực gia đình. Vì vậy so với trước đây số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn huyện đã giảm rất nhiều. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp dai dẳng, diễn biến phức tạp. Vì vậy việc thay đổi nhận thức, tham gia của nam giới để ngăn ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái có ý nghĩa rất lớn".

Bà Kathy Taylor - Giám đốc chương trình Đối tác Phòng ngừa bạo lực với phụ nữ trẻ em gái (Khu vực Châu Á, Thái Bình Dường) cho biết, không riêng gì Việt Nam, tình trạng bạo lực với phụ nữ khá phổ biến trên toàn thế giới, mà khu vực Châu Á, Thái Bình Dương có tỷ lệ vi phạm cao nhất. Để ngăn ngừa tình trạng này thì không thể thiếu vai trò của nam giới. Dự án "Huy động cộng đồng phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại thành phố Đà Nẵng" ra đời nhằm giải quyết nguyên nhân gốc rễ, nâng cao năng lực cho nam giới để thể hiện nam tính theo cách không bạo lực và bình đẳng giới... "Mô hình câu lạc bộ nam giới tiên phong trong phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái tại Đà Nẵng đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc giúp thay đổi thái độ, hành vi của nam giới. Ngăn chặn được tình trạng bạo lực với phụ nữ đòi hỏi phải có một quá trình nỗ lực liên tục, tôi hy vọng mô hình đang được thực hiện ở Đà Nẵng sẽ được duy trì và nhân rộng ở nhiều địa phương khác", bà Kathy Taylor chia sẻ.

H. Anh