Năm học mới 2023 - 2024: Giáo dục phổ thông vượt khó để bứt tốc

Thứ sáu, 11/08/2023 08:10
Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 (CTGDPTM 2018) được thực hiện đồng bộ ở tất cả các cấp học là sự thay đổi lớn đối với toàn ngành giáo dục. Đây là lần đầu tiên CTGDPT được xây dựng một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả các môn học, hoạt động giáo dục ở các cấp học, lớp học theo tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh... Các địa phương, nhà trường đã rất nỗ lực triển khai chương trình trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy còn nhiều vấn đề cần khắc phục. 
Cô trò Đà Nẵng- Mỗi ngày đến trường là một ngày vui (ảnh minh họa).
Cô trò Đà Nẵng- Mỗi ngày đến trường là một ngày vui (ảnh minh họa).

Bước đầu còn lúng túng

Báo cáo tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 đối với giáo dục Trung học, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết: Về cơ bản, các địa phương đã thể hiện sự quyết tâm trong việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới (SGK). Các Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; việc lựa chọn SGK cơ bản bảo đảm theo quy định của Thông tư 25/2020 của Bộ GD-ĐT.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, một số địa phương còn gặp khó khăn trong việc triển khai thực hiện dạy học các môn học tích hợp như: môn Khoa học tự nhiên (KHTN), môn Lịch sử và Địa lý, Nội dung giáo dục địa phương… Việc vận dụng Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH để xây dựng Kế hoạch bài dạy ở một số cơ sở giáo dục còn cứng nhắc, chưa linh hoạt, dẫn đến Kế hoạch bài dạy còn dài, mang tính hình thức. Đề kiểm tra đánh giá vẫn chủ yếu theo lối cũ, chủ yếu là kiểm tra, đánh giá kiến thức, chưa có nhiều câu hỏi vận dụng kiến thức, kỹ năng để giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tiễn đời sống.

Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường ở một số cơ sở giáo dục còn chưa phù hợp dẫn tới hiệu quả thực hiện chương trình một số môn học, hoạt động giáo dục mới còn hạn chế, chưa bảo đảm thực hiện đúng theo yêu cầu của chương trình mới. Việc phân công giáo viên đảm nhận các nội dung trong chương trình và xây dựng kế hoạch giáo dục đối với môn KHTN, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương của một số địa phương, nhà trường còn lúng túng. Nhà trường chưa chủ động trong việc xây dựng phân phối chương trình các môn học theo tinh thần không nhất thiết phải chia đều số tiết/tuần, không nhất thiết phải dạy học ở tất cả các tuần nên gặp khó khăn trong việc bố trí giáo viên và xếp thời khóa biểu bảo đảm phù hợp với định mức giờ dạy/tuần của giáo viên. Một số cơ sở giáo dục còn cứng nhắc trong triển khai chương trình các môn học, hoạt động giáo dục mới, dẫn đến dư luận trong giáo viên không tốt.

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên còn chưa đồng bộ về cơ cấu đối với cấp THCS và cấp THPT, nhất là khi triển khai thực hiện CTGDPTM 2018 có một số môn học mới. Số lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục còn thừa thiếu cục bộ; đồng thời còn thiếu so với quy định, đặc biệt là cấp Tiểu học và môn Âm nhạc, môn Mỹ thuật ở cấp THPT. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục không đồng đều, nhất là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi. Việc tập huấn đội ngũ giáo viên triển khai Chương trình còn nhiều bất cập. Tình trạng thiếu trường, lớp còn tồn tại ở một số địa phương…

Chia sẻ về nguyên nhân của những khó khăn này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho rằng: Việc thay đổi quan niệm về vai trò tự chủ của nhà trường trong xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục; quan niệm về vai trò SGK từ chỗ lấy SGK làm chuẩn để dạy học và kiểm tra, đánh giá sang việc dạy học, kiểm tra, đánh giá theo nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình (SGK chỉ đóng vai trò là tài liệu dạy học chính) của giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ học sinh và xã hội còn chưa theo kịp yêu cầu mới. Không chỉ vậy, chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK lần đầu tiên được thực hiện, không có kinh nghiệm trong quá khứ. Đồng thời, đây là lần đầu tiên Luật Giáo dục 2019 quy định trách nhiệm phê duyệt danh mục SGK thuộc về UBND tỉnh trên cơ sở tham mưu, đề xuất của các cơ sở giáo dục và Hội đồng lựa chọn SGK cấp tỉnh. Trong quá trình triển khai chương trình, nhiều địa phương gặp khó do điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau, mức độ xã hội hóa không đồng đều, trong khi số lượng các cơ sở giáo dục trung học lớn. Hiện chỉ một số địa phương có chương trình, đề án tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục.

Bứt tốc đổi mới giáo dục phổ thông

Năm học mới 2023 - 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt trong tiến trình triển khai CTGDPTM 2018 khi vừa là năm nhìn lại kết quả 3 năm đã triển khai, đồng thời trực tiếp triển khai các lớp 4, 8, 11 và chuẩn bị các điều kiện triển khai các lớp cuối cùng.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: “Năm khởi động có cái khó riêng, năm tăng tốc có cái khó riêng, năm gói lại có cái khó riêng. Chúng ta đang đứng trước năm học với khối lượng công việc nhiều nhất trong toàn bộ chu trình đổi mới. Chúng ta đã tích lũy được một số năm, đã nhìn thấy ưu điểm, khuyết điểm để rút kinh nghiệm. Nếu năm nay không vượt qua được, khuyết điểm sẽ vẫn còn nguyên, khó khăn sẽ tích thêm và ảnh hưởng tới cả quá trình đổi mới giáo dục phổ thông”.

Bộ trưởng khẳng định, năm học 2023 - 2024 được coi là đoạn bứt tốc để chuẩn bị cho giai đoạn cuối của quá trình triển khai Chương trình mới. Vì vậy, sự chú ý, năng lượng, sự quan tâm, chính sách của năm nay cần tăng cường và có sự tập trung cao độ.

Trong năm học mới, Bộ GD-ĐT lưu ý các Sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường. Đặc biệt, để khắc phục các khó khăn khi triển khai môn KHTN, các nhà trường phân công giáo viên dạy học theo các mạch nội dung của chương trình, bảo đảm yêu cầu phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Xây dựng, phân phối chương trình trong đó linh hoạt bố trí thời gian, thời điểm dạy học các mạch nội dung trong từng học kỳ phù hợp với việc phân công giáo viên, bảo đảm tính khoa học, sư phạm và số tiết/tuần của giáo viên.

Đối với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, ưu tiên phân công giáo viên đảm nhận các nội dung phù hợp với chuyên môn được đào tạo. Khi tổ chức hoạt động có quy mô theo khối lớp hoặc toàn trường, Nhà trường phải phân công rõ người chủ trì, người phối hợp, từ đó xác định nhiệm vụ của từng giáo viên được phân công… Nhà trường phân định rõ thời lượng dành cho hoạt động chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp và các hoạt động giáo dục tập thể khác, bảo đảm không trùng với thời lượng thực hiện các nội dung theo chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Đối với việc tổ chức dạy học các môn học lựa chọn và các chuyên đề học tập lựa chọn cấp THPT, khuyến khích các nhà trường tổ chức xếp các lớp học với môn bắt buộc và lớp học riêng theo từng môn học lựa chọn để đáp ứng tối đa nguyện vọng của HS. Các trường phân công giáo viên và xây dựng thời khóa biểu đảm bảo khoa học, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên của nhà trường. Đồng thời, đẩy mạnh tổ chức tư vấn và cho học sinh đăng ký, lựa chọn các tổ hợp do nhà trường xây dựng đảm bảo công khai, minh bạch.

Nhìn nhận những điểm khó trong thực tiễn triển khai, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị các Sở GD-ĐT đã triển khai có hiệu quả, tổ chức nhóm hỗ trợ để sẵn sàng giải đáp, hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc cho đội ngũ giáo viên. Bên cạnh đó, dành sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn cho khối THCS; tăng cường hỗ trợ, chia sẻ, giám sát, dẫn dắt đội ngũ hiệu trưởng, bởi đây chính là “nhạc trưởng” của đổi mới ở cấp cơ sở.

Việt Hà