Nam Sudan chìm trong xung đột

Thứ ba, 12/07/2016 10:11

(Cadn.com.vn) - Nhật, Mỹ và nhiều nước khác quyết định sơ tán nhân viên viện trợ nhân đạo ra khỏi Nam Sudan do chiến sự leo thang ở thủ đô Juba vốn khiến hàng trăm người thiệt mạng, trong đó có 2 binh sĩ gìn giữ hòa bình LHQ (UNMISS) của Trung Quốc.

Ngày 11-7, những cuộc xung đột bạo lực đẫm máu tiếp tục nổ ra ở Nam Sudan giữa các lực lượng trung thành với tổng thống và phó tổng thống, chỉ vài giờ sau khi HĐBA LHQ ra lời kêu gọi các bên kiềm chế.

AFP dẫn các nguồn tin cho biết, gần 300 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh vốn bùng nổ từ hôm 8-7 ở Nam Sudan. Tuy nhiên, theo CNN, hiện không thể xác minh số người thiệt mạng.

Ít nhất 10.000 người đã phải di dời do bùng nổ xung đột ở Juba, Nam Sudan. Ảnh: CNN

Chiến sự leo thang

Một phóng viên của BBC có mặt tại Juba cho biết đã nghe những tiếng súng và tiếng nổ lớn khắp thủ đô. Theo phóng viên này, pháo binh hạng nặng đã được sử dụng. Thậm chí, máy bay trực thăng cũng được nhìn thấy trên bầu trời, và xe tăng chạy ầm ầm qua các đường phố.

Các vụ đụng độ bạo lực mới nhất bùng nổ chỉ vài giờ sau khi HĐBA LHQ kêu gọi các phe phái ở Nam Sudan ngừng chiến đấu. Trong tuyên bố  đưa ra sau phiên họp khẩn cấp, HĐBA LHQ lên án mạnh mẽ chiến sự leo thang tại Juba, đồng thời bày tỏ “sốc và phẫn nộ” trước các cuộc tấn công vào trụ sở của LHQ và việc bảo vệ các cơ sở dân sự tại Juba. Theo thông báo của LHQ, một số binh sĩ Trung Quốc và Rwanda thuộc Phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ bị thương vong trong các vụ tấn công tại thủ đô Juba. Trong khi đó, giới truyền thông Trung Quốc xác nhận, 2 binh sĩ gìn giữ hòa bình LHQ của Trung Quốc đã thiệt mạng ở Juba.

Những cuộc đụng độ mới nhất nổ ra khi quân đội trung thành với Tổng thống Salva Kiir và Phó Tổng thống Riek Machar bắt đầu bắn vào nhau trên đường phố Juba từ hôm 8-7. Lực lượng hai bên từng chìm trong cuộc nội chiến đẫm máu vào năm 2013 trước khi đạt thỏa thuận hòa bình vào năm 2015. Tuy nhiên, bất chấp thỏa thuận này, hai bên vẫn duy trì khả năng quân sự và cáo buộc nhau gây chiến.

Các nước sơ tán công dân

Giới chức Nam Sudan cho biết, chính phủ đang “kiểm soát đầy đủ” tình hình ở thủ đô Juba. Tuy nhiên, LHQ cảnh báo tình hình bạo lực chết người ở quốc gia non trẻ này đang ngày càng nghiêm trọng. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết tình hình an ninh ở thủ đô Juba đang “suy giảm đột ngột và trở nên nghiêm trọng” do các cuộc đụng độ giữa chính phủ và phe đối lập.

Trước tình hình bất ổn như thế này, Nhật, Mỹ và nhiều nước khác đã quyết định sơ tán công dân ra khỏi quốc gia non trẻ nhất Châu Phi này. Trong ngày 11-7, Mỹ tiến hành sơ tán nhiều nhân viên ra khỏi Đại sứ quán tại Nam Sudan. Nhật cũng sơ tán những nhân viên viện trợ nhân đạo chính phủ khỏi Nam Sudan. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Tokyo, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nêu rõ, 47 nhân viên Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản rời khỏi Nam Sudan trên một chuyến bay bằng máy bay thuê. Theo ông Suga, máy bay vận tải AC -130 sẽ được triển khai và túc trực tại căn cứ của Lực lượng phòng vệ Nhật ở Djibouti, cách thủ đô Juba khoảng 3.000km về phía đông.

Tại Kenya, Hãng hàng không Kenya Airways, vốn có 2 chuyến bay một ngày đến Juba, đã đình chỉ tất cả các chuyến bay đến thành phố vì “tình hình bất ổn”. Trong khi Văn phòng Ngoại giao Anh khuyến cáo công dân không nên đến Nam Sudan, Đại sứ quán Ấn Độ ở Nam Sudan khuyên công dân “không nên hoảng sợ” và phải ở trong nhà.

Khả Anh

* THÁNG 7-2011 - Nam Sudan trở thành quốc gia độc lập sau hơn 20 năm nội chiến với Sudan, cướp đi mạng sống của ít nhất 1,5 triệu người và khiến hơn 4 triệu người di dời.

* THÁNG 12-2013 - Nội chiến nổ ra sau khi Tổng thống Salva Kiir sa thải nội các và cáo buộc Phó Tổng thống Riek Machar âm mưu đảo chính.

* THÁNG 8-2015 - Tổng thống Kiir ký thỏa thuận hòa bình với phiến quân sau đe dọa trừng phạt của LHQ.

* THÁNG 4-2016 - Ông Machar trở về Nam Sudan đảm nhận chức Phó Tổng thống thứ nhất trong một chính phủ đoàn kết mới do Tổng thống Kiir đứng đầu.