Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015: Khởi đầu cho một công việc lâu dài
(Cadn.com.vn) - Phát động phong trào thi đua năm văn hóa, văn minh đô thị 2015 diễn ra sáng 15-1 tại nhà hát Trưng Vương, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Chủ tịch UBMTTQVN TP Đà Nẵng nhấn mạnh: Xây dựng kinh tế phát triển không khó bằng xây dựng con người Đà Nẵng có hành vi ứng xử văn hóa, lịch thiệp, nhân văn. Đây là nhiệm vụ khó khăn và năm 2015 là thời điểm để bắt đầu của công việc lâu dài này. Thành quả của năm văn hóa, văn minh đô thị chính là sản phẩm tinh thần quý giá mà mỗi người dân được thụ hưởng.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Trần Thọ phát biểu chỉ đạo triển khai |
Phải tạo chuyển biến tích cực
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí nói rằng văn hóa là lĩnh vực rộng, thẩm thấu sâu vào đời sống cư dân, là nguồn lực nội sinh mạnh mẽ tác động đến sự phát triển bền vững của xã hội. Ở Đà Nẵng, bên cạnh đầu tư phát triển kinh tế thì TP cũng dành nhiều nguồn lực đầu tư cho văn hóa qua đó đã đạt được những thành tích nổi bật. Tuy vậy, sự phát triển văn hóa vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng, người ta khen Đà Nẵng phát triển về kinh tế thì nhiều nhưng khen về văn hóa ít, thậm chí rất ít. Nguyên nhân có thể chỉ ra như đầu tư cho văn hóa chưa phát huy hết hiệu quả; đời sống kinh tế phát triển nhưng văn hóa, văn minh chưa theo kịp, nhiều hành vi thiếu văn hóa, kém văn minh vẫn xảy ra nơi công cộng. Chính điều này đã làm xấu đi rất nhiều hình ảnh đẹp của Đà Nẵng.
Có thể kể ra như tình trạng buôn gian bán lận; lấn chiếm vỉa hè gây lộn xộn, nhếch nhác; tội phạm, tệ nạn xã hội còn diễn ra phức tạp nhất là ma túy. Bên cạnh đó, Phó Bí thư Võ Công Trí cũng thẳng thắn kể ra nhiều hình ảnh xấu xí, gây bức xúc và nhức nhối với người dân, du khách. Đó là phát tờ rơi quảng cáo, rao vặt lem nhem trên các tuyến phố; là ăn xin biến tướng, chèo kéo khách du lịch; là xả rác bừa bãi nơi công cộng... Sở dĩ vẫn còn những hình ảnh xấu xí ấy là bởi ý thức người dân chưa cao, là công tác quản lý còn lỏng lẻo, là việc tuyên truyền chưa tạo chuyển biến về nhận thức.
Với thực trạng đó, Phó Bí thư Thành ủy Võ Công Trí cho biết Đà Nẵng đã quyết định chọn năm 2015 là năm văn hóa văn minh đô thị. Tất nhiên, thực hiện văn hóa, văn minh là công việc khó khăn, lâu dài không chỉ gói gọn trong một năm là giải quyết được. Vì vậy, đồng chí Võ Công Trí cũng lưu ý, công việc này phải được duy trì thường xuyên, quyết liệt. Ngay từ đầu năm, các cấp, ngành sẽ tiến hành tổng thể nhiều giải pháp với mục đích quyết tâm tạo chuyển biến tích cực về văn hóa, văn minh, từ đó tạo đà mạnh mẽ hướng tới mục tiêu lâu dài là phát triển Đà Nẵng thành thành phố môi trường, an bình, thân thiện, sống tốt.
Ngày 15-1, tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 43 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015” đã diễn ra lễ thành lập Tổ chuyên ngành 43. Đây là tổ liên ngành cấp thành phố được thành lập nhằm triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ xây dựng văn hóa, văn minh đô thị. Vào ngày 18-1 tới, tại các quận, huyện sẽ đồng loạt tổ chức ra quân triển khai thực hiện chỉ thị 43. |
Theo Phó Bí thư Thành ủy Võ Công Trí, để thực hiện có hiệu quả mục tiêu đó cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm về tuyên truyền, về đầu tư kết cấu hạ tầng, về quản lý trật tự đô thị, về đảm bảo an toàn giao thông, nếp sống văn minh... Cụ thể, việc tuyên truyền phải thường xuyên, nhắm tới đối tượng cụ thể như tuyên truyền về luật giao thông cho học sinh - sinh viên, tuyên truyền văn minh thương mại cho từng tiểu thương, tuyên truyền không lấn chiếm vỉa hè, bảo vệ cây xanh, không xả rác nơi công cộng cho mọi người... Việc tuyên truyền phải làm thay đổi nhận thức từ đó chuyển biến bằng hành động cụ thể. Trong điều kiện còn khó khăn song TP vẫn phải dành kinh phí để đầu tư các thiết chế văn hóa; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa đặc biệt là đầu tư thỏa đáng cho con người làm văn hóa.
Về quản lý trật tự đô thị và môi trường, theo Phó Bí thư Thành ủy Võ Công Trí đây là nhiệm vụ phức tạp nhất đòi hỏi phải làm thường xuyên, tổng lực, quyết liệt mới có hy vọng đạt các mục tiêu đề ra. Trong nhiệm vụ này phải giải quyết dứt điểm tình trạng phát tờ rơi, dán quảng cáo rao vặt trên tường, cột điện, cây xanh; giải quyết triệt để việc bu bám, chèo kéo du khách; giải quyết tận gốc tình trạng lang thang xin ăn. Ngoài ra tình trạng đậu đỗ ô-tô trước cổng trường học gây ùn tắc giao thông, tình trạng vi phạm luật giao thông trắng trợn hay việc tái diễn xe dù, bến cóc cũng được Phó Bí thư Võ Công Trí hết sức lưu ý, yêu cầu phải tập trung xử lý có hiệu quả.
Cần chung sức đồng lòng
Đại tá Nguyễn Văn Chính - Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng cho biết, để thực hiện Chỉ thị 43 của Thành ủy, Công an TP Đà Nẵng đã lên kế hoạch cụ thể, theo đó sẽ tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông, thiết lập trật tự vỉa hè, tăng cường đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, không để hình thành các tụ điểm phức tạp về ANTT. Đặc biệt CATP sẽ quán triệt tới từng CBCS chú trọng văn hóa giao tiếp, tinh thần vì nhân dân phục vụ; thực hiện ứng xử có văn hóa trong thực thi nhiệm vụ khi tiếp xúc với người dân, du khách để tạo ra hình ảnh thân thiện cho TP. |
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Trần Thọ chỉ đạo, chủ trương bàn kỹ rồi, nhiệm vụ cũng đã rõ, hơn nhau là ở chỗ tổ chức thực hiện, điều này quyết định sự thành bại của Chỉ thị 43. Để thực hiện hiệu quả thì các cấp, ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết cho mình, phải giải quyết được các câu hỏi như làm công việc gì, làm ở đâu, khi nào làm, ai chủ trì làm, bao giờ làm xong và làm như thế nào cho tốt. Theo Bí thư Trần Thọ, từng đơn vị phải phát động thi đua ngay trong nội bộ của mình; tùy từng điều kiện cụ thể, các địa phương có thể thành lập các tổ liên ngành như của TP. Tổ này có trách nhiệm giải thích chủ trương, vận động, thuyết phục, tham mưu để xử lý các vi phạm về văn hóa, văn minh đô thị ở cơ sở. Định kỳ trong giao ban tuần, tháng, quý đều phải có kế hoạch kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện chỉ thị để biểu dương việc làm tốt, nhắc nhở kịp thời những hạn chế. Cũng theo Bí thư Trần Thọ, đã làm thì phải quyết liệt, có hiệu quả, tránh bệnh hình thức, bệnh thành tích, tránh tình trạng đầu voi đuôi chuột, “phát thì nhiều mà động thì ít”. Xây dựng văn hóa, văn minh là công việc khó, nếu không nói là cực kỳ khó vì thế phải tạo chuyển biến thực chất chứ đừng để 95% danh hiệu gia đình văn hóa, gia đình kiểu mẫu mà ở đó nếp sống văn hóa, văn minh chậm hình thành.
Bí thư Trần Thọ cũng đặc biệt nhấn mạnh tới yếu tố chung sức đồng lòng của toàn người dân TP, trong đó sự gương mẫu của cán bộ rất quan trọng. Xây dựng văn hóa, văn minh đô thị chỉ thành công khi có yếu tố này. Người dân với vai trò vừa là chủ thể thực hiện văn hóa, văn minh đô thị song cũng là người trực tiếp hưởng thụ các giá trị tinh thần mà nó mang lại. Vì thế việc tuyên truyền, thay đổi nhận thức, hành động để từng người dân đều có trách nhiệm, chung sức, chung lòng thực hiện có vai trò quyết định. Thậm chí phải tuyên truyền cả cho du khách khi tới Đà Nẵng, rằng chúng tôi đang thực hiện năm văn hóa, văn minh đô thị để du khách cũng có trách nhiệm giữ gìn và xây dựng.
Hải Quỳnh