Nan giải tình trạng học sinh bỏ học sau Tết

Thứ tư, 11/03/2015 11:45

(Cadn.com.vn) - Sau thời gian nghỉ Tết "dài hơi", ở nhiều địa phương miền núi, tình trạng học sinh (HS) không đến lớp hoặc bỏ học đã xảy ra, có những địa phương ở vùng biên giới, tỷ lệ học sinh bỏ học đã là vấn đề báo động...

Bài toán khó

Theo quy định của Sở GD-ĐT Quảng Nam, Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 vừa qua, học sinh các cấp trên toàn tỉnh được nghỉ từ ngày 24-2 đến 2-3, nhiều hơn các địa phương khác 1 tuần.  

Thầy Đinh Văn Tư - Hiệu trưởng Trường THPT  H. Tây Giang cho biết, sau thời gian nghỉ Tết, có tới 69 HS không có mặt, qua công tác vận động, tới ngày 5-3 vẫn còn 47 em không chịu tới trường. Nhà trường đã lập danh sách,  có văn bản cụ thể, báo cáo UBND huyện  để có kế hoạch cùng các ban ngành, đoàn thể triển khai thông báo về các địa phương, về từng gia đình có HS, tìm hiểu nguyên nhân, vận động các em tới trường.

Năm học 2014-2015, Trường PTTH Tây Giang có 875 học sinh, với 21 lớp. Với đặc  thù là địa phương miền núi biên giới, trường có 561 học sinh ở nội trú tại trường, theo Quyết định 12 và 36 năm 2013 của Chính phủ về việc hỗ trợ cho học sinh các địa phương có điều kiện kinh tế -xã hội khó khăn và Quyết định 15 của UBND tỉnh Quảng Nam, mỗi em học sinh nội trú được hỗ trợ 560.000 đồng và 15 kg gạo mỗi tháng, còn lại do gia đình chu cấp. Tình trạng học sinh không đến trường sau Tết không chỉ năm nay mà năm nào cũng xảy ra, dù nhà trường đã có các biện pháp cùng địa phương ngăn chặn.

 Qua tìm hiểu được biết, nhiều em không đến trường là do còn đi chơi. Theo thầy Tư, có một nguyên nhân khác mà có lẽ là thực tế hơn cả, số lượng học sinh có học lực yếu, không nắm bắt được kiến thức, không theo kịp chương trình học tập, từ lâu đã có tâm lý chán nản, nay nhân dịp nghỉ Tết, có ý định bỏ học luôn. Một vấn đề nữa, liên quan đến kinh tế, văn hóa-xã hội của các địa phương miền núi.

Theo thầy Đinh Văn Tư, học sinh miền núi không chỉ nắm bắt kiến thức yếu, mà còn thiếu động cơ, động lực để học tập. Tỷ lệ học sinh miền núi tốt nghiệp THPT vào ĐH, CĐ, trường nghề rất ít, nhưng ra trường có việc làm rất chật vật, thì số em mới chỉ tốt nghiệp THPT kiếm được công ăn việc làm lại càng vô cùng khó khăn, khi mà nền kinh tế miền núi hầu như chỉ phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp làm rẫy, làm ruộng với trình độ kỹ năng canh tác còn sơ đẳng. Điều đó tạo ra tâm lý đối với học sinh miền núi "học để làm gì, có cần phải tiếp tục học cao nữa hay không...!?". Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực trạng này diễn ra ở hầu hết các địa phương miền núi tỉnh Quảng Nam.

Trước thực trạng trên, ông Bling Mia - Chủ tịch UBND H. Tây Giang cho biết, huyện đã chỉ đạo ngành Giáo dục, các ban ngành, đoàn thể phối hợp cùng các địa phương đến tận từng gia đình tìm hiểu, phân loại rõ, những học sinh bỏ học đó là con em các gia đình thuộc thành phần nào để có biện pháp vận động, tuyên truyền..., thậm chí  là bằng hình thức kiểm điểm, nếu là con em cán bộ, đảng viên.

 Lớp 10C3, Trường THPT Tây Giang còn nhiều chỗ trống do HS chưa trở lại sau Tết. Ảnh: Đ.KHẢI

 Cùng vào cuộc

Các điểm trường ở những huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi cũng đối mặt với tình trạng HS bỏ học sau Tết. Hơn ai hết, các thầy cô giáo chính là những người trăn trở nhất. Bởi thế, dù vẫn còn thời gian nghỉ Tết 2 ngày nhưng cán bộ, giáo viên đang công tác tại địa bàn miền núi Quảng Ngãi đã trở lại trường. Sau buổi gặp mặt chung đầu năm, các giáo viên Trường TH&THCS số 2 Trà Phong (H. Tây Trà) tỏa đến các điểm trường nơi mình phụ trách, vào từng nhà dân hỏi thăm tình hình sức khỏe HS, nhắc nhở HS về thời gian biểu học tập.

Theo thầy Vũ Tiến Lâm - Hiệu trưởng Trường TH&THCS số 2 Trà Phong, mấy năm học trở lại đây, nhà trường đã thực hiện nhiều giải pháp tích cực, nhằm huy động trẻ ra lớp và đảm bảo sĩ số học sinh. Việc giáo viên trở lại trường sớm sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán cũng như vào thời gian nghỉ hè là một cách làm hiệu quả để vận động học sinh trở lại trường học, tránh tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng theo quán tính.

Cũng như ở tỉnh Quảng Ngãi, Kon Tum là nơi có tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm phần lớn, tình trạng học sinh nghỉ học dài kéo dài sau Tết rồi dẫn đến bỏ học đang là nỗi lo chung của nhà trường và chính quyền địa phương. Theo thầy Nguyễn Văn Danh - Phó Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Văn Cừ (xã vùng cao Đăk Pxi, H. Đăk Hà, Kon Tum) cho hay, nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng trong những năm qua, đặc biệt là vào thời gian sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là do thói quen, tập quán trong suy nghĩ còn hạn chế về việc học, cũng như sự thiếu quan tâm của người dân đến chuyện học của con em mình. Hơn nữa, do địa bàn miền núi quá rộng, phức tạp, công tác vận động học sinh đến lớp của nhà trường gặp nhiều khó khăn.

Với sự quyết tâm ngăn chặn tình trạng này, ngành GD địa phương đã triển khai nhiều giải pháp mang tính căn cơ, huy động toàn thể lực lượng từ chính quyền đến các cơ quan, ban ngành xã hội chung tay vào cuộc. Đi đầu là đội ngũ cán bộ, giáo viên khi tích cực bám sát HS, gần gũi gia đình HS, thực hiện công tác tuyên truyền, vận động học sinh đến lớp.

Một giải pháp khác mà nhiều trường học đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện là tổ chức trường học bán trú. Nhiều cán bộ quản lý cho rằng, tổ chức trường học bán trú sẽ đem lại những thay đổi hết sức to lớn, từ vệ sinh, sinh hoạt cá nhân đến kỹ năng sống, từ đó mới thay đổi nhận thức của các em. Chính vì vậy, trong những năm học gần đây, tỷ lệ HS bỏ học giữa chừng không chỉ giảm hẳn mà chất lượng giáo dục HS dân tộc được nâng lên rõ rệt.

H. Thanh - Đại khải