Nạn trục lợi bảo hiểm ngày càng gia tăng và phức tạp

Thứ bảy, 05/08/2017 11:34

Ngày 4-8, tại TT-Huế, Tổng cục Cảnh sát Bộ CA và Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT.... giai đoạn 2012-2017 và tiếp tục ký kết quy chế phối hợp trong 5 năm tiếp theo. Báo cáo tại hội nghị cho thấy các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT và BHTN ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Ký kết quy chế phối hợp giữa Tổng cục Cảnh sát Bộ CA và BHXH Việt Nam.

Năm 2012, số người tham gia BHXH, BHYT là 60,6 triệu người và đến năm 2016, tăng lên 76 triệu người. Năm 2012 tổng số nợ đọng BHYT, BHXH, BHTN  hơn 8 ngàn tỷ đồng và đến tháng 4- 2017, số nợ đọng hơn 17 ngàn tỷ đồng. Trung tướng Trần Văn Vệ- quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ CA nhấn mạnh: Thực tế, thời gian qua các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN có dấu hiệu ngày càng gia tăng và diễn biến hết sức phức tạp. Ngoài các hành vi né tránh nghĩa vụ trích nộp BHXH, BHYT, nợ quỹ BHXH tiếp tục tái diễn, còn phát sinh nhiều hiện tượng vi phạm pháp luật khác như: các doanh nghiệp di chuyển khỏi nơi trú đóng hoặc doanh nghiệp có giấy phép kinh doanh nhưng không tồn tại đúng với địa chỉ trên giấy phép, tình trạng doanh nghiệp cho người lao động tăng lương đột biến, sau đó, lợi dụng các kẽ hở chính sách về BHXH để lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, quỹ BHYT; các đối tượng còn lợi dụng chính sách khám chữa bệnh BHYT để lập khống hồ sơ khám, chữa bệnh... để tuồn thuốc trong diện BHYT đem ra ngoài bán thu lợi bất chính, lập khống hồ sơ BHTN, bảo hiểm thai sản để chiếm đoạt tiền của cơ quan BHXH, dẫn đến tình trạng bội chi, mất cân đối quỹ BHXH, BHYT ở nhiều địa phương.

Trong 5 năm qua, lực lượng Cảnh sát kinh tế (CSKT) các địa phương đã phát hiện, điều tra, xử lý 70 vụ việc. Kết quả: khởi tố điều tra 46 vụ, với gần 130 bị can, với tổng thiệt hại khoảng 70 tỷ đồng; đã xử lý hành chính 18 vụ. Lãnh đạo Phòng CSKT CATP Hải Phòng cho biết, qua điều tra, CATP Hải Phòng xác định, 2 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) ngoài công lập Nguyễn Bỉnh Khiêm ở X. Tân Tiến, H.An Dương và cơ sở Quang Thanh ở X. Quốc Tuấn, H.An Lão có dấu hiệu trục lợi bảo hiểm để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại cơ quan điều tra, chủ 2 cơ sở KCB khai nhận, do nhận thấy việc giám định hồ sơ thanh toán tiền BHYT của cơ quan BHXH còn nhiều sơ hở nên đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền thanh toán BHYT bằng cách làm giả hồ sơ KCB xen kẽ vào các hồ sơ KCB thật, lập khống hồ sơ, bảng kê chi phí KCB, ký giả tên người bệnh... để chiếm đoạt số tiền gần 20 tỷ đồng của nhà nước. Điều đáng nói, một ngày nhân viên tiếp đón của 2 cơ sở nói trên đã lập khống từ 100- 150 tờ bảng kê chi phí KCB ngoại trú để làm giả mà không bị cơ quan BHXH phát hiện. Liên quan đến sai phạm tại 2 cơ sở KCB nói trên, CATP Hải Phòng đã khởi tố 10 bị can.

Nói về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng trục lợi bảo hiểm ở địa bàn TP Hồ Chí Minh, Thượng tá Vũ Như Hà- Trưởng Phòng CSKT CATP chỉ ra rằng, lợi dụng kẽ hở trong việc KCB BHYT để lập khống hồ sơ bệnh án (không nằm viện nhưng lập hồ sơ nằm viện; nằm viện ít ngày nhưng kê khống thêm nhiều ngày...). Thủ đoạn của các đối tượng là tập hợp các loại thẻ BHYT của người nhà, người quen, công nhân rồi móc nối với các bác sĩ khám bệnh để kê toa khống nhận thuốc BHYT nhằm chiếm đoạt thuốc đưa ra thị trường. Nhân viên BHXH cấu kết với Ban lãnh đạo BHXH và các đối tượng ngoài xã hội mua sổ BHXH của các công nhân tại các doanh nghiệp khi nghỉ việc chưa nhận sổ BHXH. Rất nhiều trường hợp làm giả giấy CMND, sổ hộ khẩu để cùng lúc mua thẻ BHYT tại nhiều quận, huyện trên địa bàn; lợi dụng KCB BHYT thông tuyến nhiều bệnh viện để lấy thuốc BHYT...

Từ năm 2012 đến nay, CATP Hồ Chí Minh đã phát hiện, điều tra xử lý 9 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT và khởi tố 4 vụ gồm 15 bị can, trong đó nghiêm trọng nhất là vụ tham ô và lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Hay tại Quảng Ninh, cơ quan CA đã khởi tố 4 bị can trong 1 đơn vị về hành vi "Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản" làm giả giấy chứng sinh, giấy khai sinh bản sao, lập 2 bảng chấm công và bảng lương để trục lợi BHXH. Ở tỉnh Hải Dương, nhân viên nhân sự của BHXH và kế toán của 1 đơn vị câu kết lập khống 36 hồ sơ , làm giả 44 hồ sơ thanh, quyết toán chế độ thai sản chiếm đoạt gần 900 triệu đồng...

Trung tướng Trần Văn Vệ cho rằng, qua các vụ án liên quan đến sai phạm trong bảo hiểm, cần rút ra một số nguyên nhân do sơ hở, thiếu sót như: quy định của pháp luật, chuyên môn liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm còn nhiều sơ hở thiếu sót, không đầy đủ, không khoa học nên rất khó xử lý, quy trách nhiệm; các chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT còn thấp, tính chất răn đe chưa cao; công tác giám định còn rất yếu và thiếu; một số BHXH tỉnh, thành phố chưa thực sự quan tâm, chú trọng trong chỉ đạo phối hợp thanh tra, kiểm tra về BHXH, BHYT... Thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm, Trung tướng Trần Văn Vệ lưu ý cần tập trung thực hiện một số nội dung: Lực lượng CSKT các cấp phải xác định, công tác phối hợp với cơ quan bảo hiểm để phòng ngừa, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN là trách nhiệm, là việc làm thường xuyên, liên tục và cùng với cơ quan bảo hiểm góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN để mọi người dân hiểu rõ và thực hiện tốt; Lực lượng CSND nói chung và lực lượng CSKT nói riêng phải chủ động triển khai các biện pháp công tác công an, phối hợp với các đơn vị, địa phương làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản để phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với các hành vi, vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; Giữa lực lượng CSKT và cơ quan bảo hiểm các cấp phải thường xuyên cung cấp, trao đổi kịp thời các thông tin liên quan đến các hành vi vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực bảo hiểm...

H.LAN