Nâng cao chất lượng bắt đầu từ những sân chơi

Thứ năm, 05/11/2020 18:46

Trong bối cảnh diễn ra dịch Covid-19, những người làm chuyên môn càng thấm thía về việc cần thiết phải có nhiều sân chơi, dù là sân chơi quốc nội, cho các VĐV. Đặc biệt, công tác đào tạo trẻ càng cần đến những sân chơi để VĐV nhanh chóng trưởng thành. So với nhiều môn khác, bóng chuyền Việt Nam đang có những cải tiến trong hệ thống thi đấu trẻ.

Thể thao Việt Nam cần nhiều sân chơi hơn nữa để cọ xát.

Tăng giải đấu, tăng cơ hội cọ xát

Hệ thống thi đấu của nhiều môn trong làng thể thao Việt Nam thực sự nghèo nàn, chỉ có từ 1-2 giải trẻ trong một năm. Với những VĐV tập luyện quanh năm nhưng chỉ thi đấu ngần ấy giải trong hệ thống thi đấu quốc gia thì thật khó để nâng trình độ theo đúng lộ trình mong muốn. Trong khi đó, việc thi đấu tại các giải đấu trẻ nước ngoài cũng là chuyện xa xỉ với nhiều câu lạc bộ. Cho nên, việc “tập nhiều, thi đấu ít” là chuyện thường ngày trong làng thể thao Việt Nam.

Thực tế, phía Tổng cục TDTT hay các liên đoàn thể thao quốc gia cũng mong muốn nâng số giải trẻ trong hệ thống thi đấu quốc gia ở tất cả bộ môn. Nhưng để làm được lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có kinh phí hay tìm được địa phương đăng cai. Đôi khi, một địa phương chỉ muốn đăng cai một giải một năm. Còn nguồn kinh phí lại để đăng cai môn khác. Hay chuyện đi thi đấu cũng ngốn một khoản kinh phí của các đội trẻ trong khi nguồn tiền cho các đội lại không dư dả. Nhiều cái khó cứ chằng chịt khiến việc tổ chức và thi đấu giải trẻ tưởng đơn giản mà lại không đơn giản.

Bóng chuyền Việt Nam cũng từng chỉ có 2 giải trẻ trong một năm là Giải Bóng chuyền trẻ toàn quốc và Giải Bóng chuyền trẻ Cúp các câu lạc bộ. Số giải đấu này thực sự ít ỏi, khó đáp ứng yêu cầu nâng tầm thông qua cọ xát của các đội trẻ. Cũng vì vậy, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam mới quyết định tổ chức thêm Giải Bóng chuyền U23 toàn quốc vào tháng 11 này. Giải đấu lần đầu tiên này dành cho lứa tuổi U23 được coi như nỗ lực để tạo cơ hội thi đấu, cọ xát cho các VĐV trẻ của các câu lạc bộ.

Ông Bùi Đình Lợi – Phụ trách bộ môn bóng chuyền (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) kể: “Các VĐV trẻ luôn cần nhiều sân chơi để nhanh chóng vỡ vạc, tích lũy kinh nghiệm. Ở Hà Nội, dù có điều kiện về tập luyện nhưng về điều kiện để cọ xát thi đấu lại thiếu. Vì vậy, hệ thống thi đấu quốc gia càng nhiều giải đấu trẻ thì càng tốt cho VĐV, giúp chúng tôi kịp điều chỉnh những vấn đề của VĐV trong quá trình huấn luyện”.

Cũng theo ông Bùi Đình Lợi, những giải đấu như giải U23 toàn quốc thực sự cần thiết với các hệ thống đào tạo trẻ bởi đây là lứa tuổi sắp bước vào giai đoạn đỉnh cao, có thể quyết định chất lượng của đội tuyển quốc gia trong giai đoạn sau đó. Cũng không ngẫu nhiên ma phía Hà Nội hào hứng với giải đấu khi đăng ký cả đội nam và nữ dự giải.

Phía sau các giải đấu

Như thế, so với nhiều môn khác, bóng chuyền cũng vào nhóm đầu về số lượng giải đấu trong hệ thống thi đấu quốc gia cho các đội trẻ. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường như hiện nay, việc có thêm giải đấu quốc nội càng trở nên cần thiết với các đội, các VĐV. Vấn đề ở đây nằm ở những nhà quản lý có thực sự muốn đổi mới cách làm hay vẫn theo nếp cũ là bằng lòng với việc có 1-2 giải trẻ trong một năm là đủ. Thực tế, nếu muốn tạo ra thêm sân chơi thì sẽ có nhiều cách, trong đó phải phát huy tối đa vai trò của Liên đoàn Thể thao quốc gia. Đấy cũng là hướng đi của bóng chuyền Việt Nam để từ đó hình thành nên giải U23 toàn quốc.Và cũng nhờ có vậy mới chia sẻ được gánh nặng với cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời giúp các nhà chuyên môn nhận ra những vấn đề trong hệ thống đào tạo trẻ hiện nay.

Như ở hai giải trẻ diễn ra trong tháng 7 và tháng 10 vừa qua, sự chênh lệch về chất lượng của các lò đào tạo trẻ vẫn là điều dễ thấy nhất. Những lò đào tạo như Thông tin LienVietPostBank, VTV Bình Điền Long An (nữ), Biên Phòng, Thể Công (nam) hay phần nào là Ngân hàng Công thương Việt Nam, Kinh Bắc Bắc Ninh, Hóa chất Đức Giang Hà Nội (nữ) đã tạo sự chênh lệch đáng kể với phần còn lại. Không có sự đồng đều, tính cạnh tranh không cao đương nhiên sẽ ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển chung của bóng chuyền Việt Nam.

Đấy cũng là điều trăn trở với chất lượng đào tạo trẻ ở nhiều câu lạc bộ. Bởi rõ ràng, đầu tư cho hệ thống đào tạo trẻ đã là tốt nhưng sẽ tốt hơn nếu chất lượng đào tạo mang đến những VĐV có thể phát triển tiếp trong tương lai. Rõ nhất là ở Giải Bóng chuyền Cúp các CLB trẻ năm 2020 vào tháng 10 vừa qua, nhiều đội tận dụng tối đa Điều lệ giải khi “mượn” tối đa 2 người từ nơi khác, bổ sung tối đa 2 VĐV quá tuổi so với điều lệ nhưng vẫn lép vế trước những CLB có truyền thống về đào tạo trẻ, chỉ sử dụng “cây nhà lá vườn”.

Rồi ngay như Giải Bóng chuyền U23 toàn quốc sắp tới cũng chỉ có 6 đội nam, 6 đội nữ tham dự trong khi hệ thống thi đấu bóng chuyền quốc gia có hơn 20 đội nam, 20 đội nữ. Điều đó tiếp tục cho thấy sự thiếu hụt về lực lượng trong hệ thống đào tạo trẻ ở nhiều câu lạc bộ khiến họ không thể dự giải. Vì thế, vẫn còn không ít nỗi lo về cái "gốc" - khâu đào tạo trẻ của bóng chuyền Việt Nam.

Rõ ràng, khâu đào tạo trẻ của các câu lạc bộ bóng chuyền Việt Nam đã được quan tâm nhiều hơn hẳn so với khoảng chục năm trước. Các nhà quản lý cũng đã cố gắng tạo ra sân chơi để các câu lạc bộ có nhiều cơ hội nâng tầm cho lớp trẻ. Quan trọng là các câu lạc bộ phải tận dụng cơ hội để tham gia những sân chơi này đồng thời phải tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt hơn ở ngay các giải đấu. 

P.V