Nâng cao chất lượng dạy nghề, đảm bảo nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội

Thứ sáu, 29/11/2019 20:00

Theo ông Nguyễn Văn An - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, mục tiêu đặt ra trong năm 2019-2020 là: hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) toàn thành phố tuyển mới 55.000 học sinh sinh viên (HSSV) bao gồm cả trình độ cao đẳng, trung cấp nghề, trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng; phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 55%.

HSSV Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng thực tập tại xưởng của trường.

Để hoàn thành mục tiêu đó, ngay từ đầu năm, các cơ sở GDNN đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp tuyển sinh ở các cấp trình độ; liên thông, liên kết, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Việc tổ chức liên thông, liên kết đào tạo cũng được các trường chú trọng và tập trung triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ cho người học cũng như thu hút HSSV tham gia học tại trường. Trong đó, Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng đã tổ chức liên thông đào tạo 4 nghề từ cao đẳng lên đại học và 2 nghề từ trung cấp lên đại học; Trường Cao đẳng Phương Đông liên thông 2 nghề từ cao đẳng lên đại học và 5 nghề liên thông từ trung cấp lên cao đẳng theo hình thức vừa học vừa làm. Ngoài ra, hầu hết các trường cũng đã chủ động tổ chức liên kết hơn 500 lượt doanh nghiệp trong việc tham gia xây dựng chương trình đào tạo; hỗ trợ giáo viên, sinh viên thực tập, trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm... Chỉ riêng trong năm 2019, các cơ sở GDNN đã đầu tư hơn 44,5 tỷ đồng xây dựng cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị giảng dạy cho 48 lượt nghề nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng dạy nghề, trong đó có 16 nghề cấp độ quốc tế, 11 nghề cấp độ ASEAN và 11 nghề cấp độ quốc gia.

Ông Phan Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cho biết: "Từ năm 2018 đến nay, trường đã xây dựng nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo để tạo uy tín nhằm thu hút người học, tiếp tục đổi mới trong công tác tuyển sinh. Đặc biệt việc đổi mới truyền thông của nhà trường đến với HS của các trường THCS, THPT; mở rộng các định hướng giáo dục nghề nghiệp và chọn nghề cũng được chú trọng đúng mức. Chính nhờ đó mà năm học 2018-2019, số lượng tuyển sinh của trường đã đạt và vượt so với tổng chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra". Ông Sơn cũng thông tin thêm, trong năm học vừa qua, nhà trường đã gắn kết đào tạo với doanh nghiệp và đã có mối quan hệ với hơn 100 doanh nghiệp. Trong đó có 40 doanh nghiệp gắn kết ở các công việc xây dựng chương trình và chuẩn đầu ra, tuyển sinh và tuyển dụng, tham gia cùng đào tạo. "Chính nhờ đó mà trong năm học vừa qua, sau khi tốt nghiệp đã có 100% HSSV có việc làm. Nhiều HSSV làm việc cho các công ty nước ngoài với mức lương cao như TTTI Nhật Bản, UAC của Mỹ...", ông Sơn khẳng định.

Trong khi đó, Trường Cao đẳng Phương Đông cũng rất chú trọng đến việc gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm, hợp tác quốc tế để nâng tầm chất lượng đào tạo và hỗ trợ người học tìm cơ hội việc làm có thu nhập tốt. Nhà trường cũng đã ký hợp đồng với Tập đoàn Ô-tô Trường Hải (Thaco) để SV được thực hành trên dây chuyền công nghệ hiện đại; mời kỹ sư, công nhân bậc cao của Thaco hướng dẫn thực hành. SV được bố trí thực tập tại Khu phức hợp ô-tô Trường Hải. "Những sự gắn kết trên đã giúp nhà trường tận dụng được ưu thế của doanh nghiệp về công nghệ, thiết bị hiện đại; tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư, mua sắm trang thiết bị" - một lãnh đạo trường này cho biết.

Theo thống kê của Trường Trung cấp Ý - Việt, trong những năm gần đây, nhà trường đã tiếp nhận số lượng các em đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học nhưng quay lại đăng ký học trung cấp nghề tăng lên rõ rệt qua từng năm. Riêng trong năm 2019, tính đến đầu tháng 11 nhà trường đã tuyển được 92 em học sơ cấp và 535 em học trung cấp nghề. Riêng Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng có nhiệm vụ đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động đặc thù trên địa bàn thành phố. Năm 2019, Trung tâm đã trực tiếp đào tạo cho 1.430 người với nhiều ngành nghề cho đối tượng lao động nông nghiệp giúp họ chuyển đổi ngành nghề, tạo công ăn việc làm, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Số lượng học viên học nghề tại Trung tâm sau khi tốt nghiệp có trên 85% đã có việc làm.

 Đáng chú ý là một số địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp từ quy hoạch sản xuất, thu hút các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ vốn sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, điển hình như: Hòa Xuân, Hòa Phát, Hòa An, Khuê Trung (Q.Cẩm Lệ); Hòa Liên, Hòa Nhơn, Hòa Phước, Hòa Ninh và Hòa Phong (H.Hòa Vang). Th.s Lê Tấn Thanh Tùng - Phó Tổng Giám đốc Cty CP Du lịch Việt Nam Vitours chia sẻ: "Trung tâm Đào tạo Du lịch Việt Nam Vitours mới thành lập nên đang trong quá trình kiện toàn cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như đội ngũ nhân sự. Mặt khác, khó khăn mà Trung tâm gặp phải là không thể đẩy mạnh đào tạo các nghề Cty có thế mạnh như hướng dẫn viên, lữ hành... do Luật Du lịch quy định những chứng chỉ đào tạo nghề có điều kiện phải do hệ cao đẳng trở lên cấp mới có giá trị pháp lý cấp thẻ hành nghề. Hiện nay, định kiến xã hội và ý thức học nghề của xã hội ở một số nghề (lưu trú, nhà hàng...) rất thấp. Đa phần HS chọn các nghề học theo xu hướng (lễ tân, bếp, bartender...) nên nguồn tuyển rất hạn chế trong khi nhu cầu tuyển dụng các vị trí trên từ doanh nghiệp lại rất nhiều nên rất khó khăn cho công tác tuyển dụng".

Liên quan đến hoạt động GDNN, ông Nguyễn Văn An nhìn nhận: "Một bộ phận người dân đã thay đổi nhận thức để tham gia học nghề, giải quyết việc làm, tỷ lệ HSSV học nghề ra trường có việc làm trên 70%. Trong đó, một số nghề về dịch vụ du lịch, công nghệ thông tin, cơ khí, công nghệ ô-tô tỷ lệ việc làm đạt từ 90-100%. Điều đó cho thấy, mạng lưới cơ sở GDNN phát triển và từng bước củng cố, nâng dần chất lượng, đào tạo theo hướng chuyển từ đào tạo theo khả năng hiện có của cơ sở sang đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Nguồn lực xã hội hóa được huy động và đã có những kết quả nhất định".

PHƯƠNG KIẾM