Nâng cao chất lượng điều trị ung thư
Ngày 26-4, tại TP Đà Nẵng, Bệnh viện (BV) Ung bướu Đà Nẵng phối hợp với Hội Ung thư Việt Nam, BV K Hà Nội và BV Ung bướu TP HCM tổ chức hội nghị phòng chống ung thư TP Đà Nẵng lần 3 năm 2019. Hội nghị thu hút hơn 500 đại biểu là chuyên gia đầu ngành, cán bộ y tế đến từ các BV, trường đại học trong và ngoài nước tham gia với gần 80 báo cáo khoa học hướng đến nâng cao chất lượng điều trị ung thư.
Bác sĩ BV Ung bướu Đà Nẵng cùng chuyên gia nước ngoài phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư. |
40% trường hợp mắc ung thư có thể phòng ngừa được
Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc và chết vì bệnh ung thư vẫn tiếp tục tăng. Nguyên nhân là do ô nhiễm môi trường, thực phẩm không an toàn, nhận thức của người dân về bệnh ung thư còn hạn chế, bệnh thường được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi mà các biện pháp điều trị đều gần như không còn hiệu quả. Bs.Ck 2 Ngô Thị Kim Yến - Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết, toàn cầu hiện có hơn 23 triệu người đang sống chung với căn bệnh ung thư, trong đó mỗi năm có khoảng 14 triệu người mắc mới và 8,2 triệu người tử vong. Theo Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế, năm 2012, Việt Nam phát hiện khoảng 125.000 ca ung thư mới và hơn 94.000 người tử vong, đến năm 2018 có hơn 164.600 ca mắc mới và gần 115.000 người tử vong. Như vậy trong vòng 6 năm, số bệnh nhân ung thư phát hiện mới tại Việt Nam tăng 31%. Số liệu từ điều tra toàn quốc về gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam cho thấy, 74,3% gánh nặng bệnh tật là do các bệnh không lây nhiễm, trong đó ung thư là một trong 10 nguyên nhân bệnh tật hàng đầu. Những con số này làm cho ung thư trở thành căn bệnh nguy hiểm và là nguyên nhân gây chết hàng đầu ở những nước đã phát triển và nguyên nhân đứng thứ hai ở những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Mặc dù chúng ta đã đạt nhiều tiến bộ trong việc chữa trị ung thư nhưng vì nhiều lí do khác nhau, số ca ung thư tại Việt Nam và trên thế giới vẫn đang tiếp tục gia tăng. Thực trạng này cho thấy cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư vẫn còn dài và đòi hỏi sự chung tay góp sức của toàn xã hội.
Theo các chuyên gia, tuy ung thư gây tử vong rất lớn nhưng có tới 40% trường hợp mắc ung thư có thể phòng ngừa được và một số các ung thư phổ biến nhất, kể cả ung thư vú, đại trực tràng và cổ tử cung có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm. Thậm chí đối với những ung thư giai đoạn muộn thì có thể chữa giảm đau cho người bệnh nâng cao chất lượng sống, làm chậm lại quá trình tiến triển bệnh. Điều đó có nghĩa, một kế hoạch kiểm soát căn bệnh ung thư muốn thành công thì nhất thiết cần phải có một chương trình phòng chống ung thư hiệu quả. Gs.Bs Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho rằng, cách phòng ung thư tốt nhất đó là ăn đúng, ăn lành, uống sạch, loại bỏ khói thuốc lá, cả hút chủ động và hút bị động, tránh uống rượu quá đà, phòng tránh bệnh truyền nhiễm; tập thể dục đều, giữ cân vừa phải. Ngày nay, người ta đã chỉ ra chế độ ăn uống không lành mạnh, thiếu vận động, béo phì đều gây bệnh tật đe dọa mạng sống như tim mạch, tiểu đường và ung thư... Gs.Bs Nguyễn Chấn Hùng nhấn mạnh: “Ung thư sẽ không còn đáng sợ nếu chúng ta có thể loại bỏ được các tác nhân gây bệnh. Vì thế mọi người hãy tránh xa những tác nhân đó, trừ những yếu tố về di truyền. Hiện nay chúng ta có tất cả các thiết bị, kỹ thuật hiện đại để điều trị như xạ trị, xạ phẫu, dao Gamma quay... Chúng ta cần chú ý đến tỷ lệ 40% bệnh ung thư có thể phòng ngừa được và phải tuyên truyền điều đó để phòng ngừa giảm nhẹ thay vì phải điều trị cho những bệnh nhân nặng”.
Ứng dụng những kỹ thuật mới trong điều trị
Bs.Ck2 Trần Tứ Quý - Phó Giám đốc phụ trách BV Ung bướu Đà Nẵng cho hay, hiện BV Ung bướu Đà Nẵng đã trở thành nơi khám, chữa bệnh cho hàng ngàn bệnh nhân trong cả nước. Theo thống kê, 33,2% số bệnh nhân là người dân Đà Nẵng, 66,8% còn lại là các bệnh nhân đến từ 62 tỉnh, thành trong cả nước. Trong năm 2018, gần 93.000 lượt bệnh nhân đến khám tại BV, trong đó có gần 27.500 bệnh nhân điều trị nội trú, hơn 13.500 bệnh nhân ngoại trú; giường kế hoạch của BV được phân bổ là 600 giường nhưng thực kê là 853 giường. Cũng trong năm qua, BV đã triển khai 19 kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị. Trong đó, có một số kỹ thuật lần đầu tiên được triển khai như: phẫu thuật đầu mặt cổ kết hợp phẫu thuật vi phẫu tạo hình, tạo hình thẩm mỹ trong ung thư vú, xét nghiệm đột biến gen EGFR trong ung thư phổi sử dụng hệ thống hiện đại Z480, xét nghiệm CD64, CD 11b chẩn đoán nhiễm trùng; kỹ thuật xạ trị áp sát vùng đầu cổ, kỹ thuật xạ trị điều biến thể cung tròn VMAT, kỹ thuật sinh thiết định vị... Đặc biệt, từ cuối năm 2016, BV đã gửi các nhân viên y tế vào BV Ung bướu TP HCM đào tạo theo kế hoạch đề án BV vệ tinh; đồng thời, các chuyên gia của BV Ung bướu TP HCM cũng ra BV để chuyển giao nhiều kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân ung bướu.
Theo Bs.Ck 2 Ngô Thị Kim Yến, hội nghị phòng chống ung thư TP Đà Nẵng lần thứ 3 năm 2019 là cơ hội cho cán bộ nhân viên ngành Y tế TP Đà Nẵng có dịp giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về các kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật với các đồng nghiệp trên toàn quốc và với các báo cáo viên quốc tế. Qua đó, thúc đẩy vai trò của khoa học - kỹ thuật, góp phần vào sự nghiệp phát triển của ngành Y tế TP. Đồng thời, các y bác sĩ trên địa bàn TP Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung sẽ có được những định hướng điều trị mới, nghiên cứu phù hợp cùng hợp tác nâng cao chất lượng điều trị bệnh ung thư.
LÊ HÙNG