Nâng cao công tác phòng cháy ở doanh nghiệp "3 tại chỗ"

Thứ tư, 29/09/2021 17:54

Lối thoát nạn bị hàng hóa che kín.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 kéo dài, công tác kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) định kỳ tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở TP Đà Nẵng đều phải tạm dừng. Tuy nhiên, thời gian qua, Công an TP Đà Nẵng vẫn có những biện pháp để đảm bảo an toàn PCCC, nhất là trong thời gian các doanh nghiệp dừng hoạt động hoặc tổ chức sản xuất "3 tại chỗ".

Trong điều kiện tổ chức cho công nhân sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ ngơi tại chỗ, công tác PCCC càng phải được chủ doanh nghiệp quan tâm, đặt lên hàng đầu. Theo chân đoàn công tác nắm tình hình thực hiện an toàn PCCC ở một số công ty, doanh nghiệp đang thực hiện "3 tại chỗ" mới thấy, dù chủ sơ sở rất quan tâm nhưng vẫn còn một số tồn tại nhất định. Tại Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu (chuyên cung cấp thùng carton cho các công ty xuất khẩu), hiện đang thực hiện "3 tại chỗ" hơn 70 ngày với khoảng 300 công nhân làm việc. Hiện việc nghỉ ngơi của công nhân được diễn ra ngay tại khu sản xuất. Mặc dù rất quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn PCCC và thoát hiểm như đầu tư đồng bộ hệ thống chữa cháy vách tường, hệ thống chữa cháy tự động ở tất cả nhà xưởng và kho chứa hàng… tuy nhiên, do hàng hóa tồn đọng vì chưa thể xuất kho nên đã lấn chiếm sang hành lang an toàn, lối thoát hiểm. Đại úy Nguyễn Bảo Cường, cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP cho hay, việc để hàng hóa lấn chiếm hành lang lối thoát nạn là vi phạm quy định về an toàn PCCC. Khi không may có sự cố, việc thoát nạn sẽ không được đảm bảo, công nhân hoảng loạn dẫm đạp lên nhau là điều không thể tránh khỏi.

Khi được nhắc nhở, công ty đã khẩn trương cho người bốc xếp hàng hóa đến nơi khác. Ông Hà Ngọc Thống- Giám đốc công ty này cho hay, do ảnh hưởng dịch bệnh nên chuỗi cung ứng hàng hóa cũng bị đứt gãy. Ngoài việc hàng hóa tồn kho trước đây thì số không thể xuất đi được do đối tác tạm dừng hoạt động vì dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng đến việc bố trí, bảo quản. Là công ty in ấn, cung cấp thùng các-tông xuất khẩu, có nguy cơ cháy cao nên đơn vị luôn coi trọng công tác PCCC. Công nhân thực hiện "3 tại chỗ" phải đảm bảo các yêu cầu riêng như không được phép mang các thiết bị điện, các thiết bị có nguy cơ làm phát sinh nguồn điện vào bên trong. Vì tập trung sản xuất và chống dịch hiệu quả nên công ty không thể nhận ra được một số tồn tại liên quan đến công tác PCCC. Rất may được lực lượng Cảnh sát PCCC quan tâm, kiến nghị kịp thời.

Hệ thống chữa cháy tự động được đầu tư đồng bộ tại nhà xưởng.

Thực tế trong thời gian dịch bệnh, tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Theo thống kê trong tháng 8, toàn quốc xảy ra 431 vụ cháy và sự cố cháy làm chết 6 người, bị thương 21 người, thiệt hại về tài sản ước tính 11,6 tỷ đồng và 94,94 ha rừng. Nhiều vụ cháy cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các KCN gây thiệt hại lớn. Đơn cử như vào ngày 22-9, một vụ cháy lớn xảy ra tại công ty sản xuất mút xốp ở Bình Dương, thiêu rụi hơn 3.000m2 nhà xưởng. Đây là công ty đang thực hiện sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ". Thời điểm xảy ra vụ hỏa hoạn có khoảng 60 công nhân đang làm việc, một số người bị ngất xỉu vì ngạt khói. Hay mới đây tại Đà Nẵng, đám cháy tại xưởng thi công nội thất gỗ tại đường số 4A, KCN Liên Chiểu đã thiêu rụi một ô-tô và một phần xưởng chứa gỗ sản xuất, gây thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng.

Theo Thượng tá Trần Văn Hướng- Phó phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Đà Nẵng, hiện nay do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài, hầu hết các doanh nghiệp trên thành phố đều gặp khó khăn, vì vậy, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, lực lượng Cảnh sát PCCC thường gia hạn cho cơ sở có thời gian khắc phục các tồn tại, thiếu sót về PCCC, đồng thời yêu cầu cơ sở cam kết về thời hạn khắc phục. Nếu sau thời hạn đã cam kết mà cơ sở chưa khắc phục dẫn đến cháy nổ... thì sẽ tiến hành xử lý theo quy định. "Với những khó khăn về mọi mặt của các doanh nghiệp hiện nay, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH TP Đà Nẵng luôn đồng hành và chia sẻ, đặc biệt hết lòng phục vụ, hướng dẫn cơ sở, doanh nghiệp về công tác an toàn PCCC. Đơn vị thường xuyên cử cán bộ phụ trách nắm tình hình, gửi các văn bản chuyên ngành về hướng dẫn an toàn PCCC cho các công ty, yêu cầu tự diễn tập, tự kiểm tra định kỳ các thiết bị PCCC", Thượng tá Hướng nêu rõ.

Tình hình dịch bệnh trên thành phố diễn biến phức tạp, toàn lực lượng Công an TP tham gia tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH vừa chống dịch, vừa chống "giặc lửa". Ngoài tăng cường đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ sở sản xuất thực hiện "3 tại chỗ", lực lượng Cảnh sát PCCC còn quan tâm đặc biệt đến các vùng cách ly, bệnh viện dã chiến. Đảm bảo sẵn sàng triển khai xử lý khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, luôn tổ chức lực lượng, phương tiện nghiêm túc sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ 24/24 giờ.

MAI VINH