Nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Thứ sáu, 10/03/2017 12:15

(Cadn.com.vn) - Ngày 9-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng BCĐ 389 đã chủ trì Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2016 và bàn phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017 của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389). Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh chủ trì tại điểm cầu Đà Nẵng.

Báo cáo của Thường trực BCĐ 389 quốc gia nêu rõ, trong năm 2016, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn cả nước diễn biến phức tạp. Các đối tượng buôn lậu hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức và manh động hơn nhằm đưa các loại hàng lậu vào nội địa tiêu thụ. Điều đó thể hiện khá rõ khi nhiều đại biểu đã nêu lên một thực trạng đang diễn ra hàng ngày ở nhiều địa phương.

Hiện nay, trên tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới chủ yếu xảy ra tại địa bàn các xã, huyện khu vực biên giới Việt Nam tiếp giáp với các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia; nhất là khu vực biên giới phía Bắc và Bắc miền Trung; khu vực biên giới miền Trung và Tây Nam Bộ. Đặc biệt, trên tuyến đường sắt liên vận quốc tế và tuyến đường sắt Bắc-Nam, tình trạng vận chuyển trái phép hàng lậu, hàng cấm diễn biến phức tạp với nhiều vụ việc nghiêm trọng đã được các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ.

Năm 2016, BCĐ 389 TP Đà Nẵng đã kiểm tra 11.724 vụ, qua đó xử lý 9.843 vụ (tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó xử lý: hàng cấm, hàng lậu: 374 vụ tăng 6,85% so với năm 2015; hàng giả, kém chất lượng, Sở hữu trí tuệ: 138 vụ giảm 13,2% so với cùng kỳ năm ngoái,  gian lận thương mại là: 9.331 vụ tăng 12,6 % so với cùng kỳ năm 2015; khởi tố 26 vụ/31 đối tượng liên quan đến hành vi buôn bán hàng cấm; và kinh doanh lâm sản trái phép tăng 36,84%  so với cùng kỳ năm 2015;  Tổng số tiền thu nộp NSNN, bán hàng tịch thu và truy thu thuế đạt gần 169 tỷ đồng tăng 27,77% so với năm 2015.

Trong khi đó, tuyến biển, cửa khẩu cảng biển, cảng sông quốc tế, hoạt động xuất lậu than, khoáng sản đã giảm so với những năm trước đây. Tuy nhiên, hoạt động buôn lậu xăng, dầu vẫn còn diễn ra phức tạp tại các luồng cảng biển quốc tế, vùng biển đặc quyền kinh tế Tây Nam và vùng biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Trà Vinh, Kiên Giang...

Riêng tại các cảng hàng không, bưu điện quốc tế, hàng hóa vi phạm vẫn chủ yếu tập trung vào các loại hàng cấm, hàng gọn nhẹ, có giá trị kinh tế cao và dễ cất giấu như: ma túy, sản phẩm từ động vật hoang dã quý hiếm, vàng, ngoại tệ, mỹ phẩm, tân dược, thực phẩm chức năng, thời trang cao cấp, thiết bị công nghệ, rượu ngoại, xì gà, thuốc lá điếu ngoại...

BCĐ 389 quốc gia cũng cho biết, trong năm 2016, cả nước phát hiện, xử lý 223.262 vụ việc vi phạm (tăng 8,23% so với năm 2015); số thu nộp ngân sách nhà nước từ tiền xử phạt VPHC, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt hơn 21.556 tỷ đồng (tăng 59,23% so với năm 2015); khởi tố 1.261 vụ đối với 1.863 đối tượng. Trong năm, BCĐ đã tiếp nhận hàng ngàn tin báo, qua đánh giá, phân loại đã chuyển 149 tin báo đến các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc thẩm quyền để xử lý.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ Trương Hòa Bình cho rằng, thời gian qua dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã cơ bản đạt được những kết quả khả quan, góp phần tăng thu ngân sách, bảo vệ môi trường kinh doanh, quyền lợi người tiêu dùng, thúc đẩy KT-XH phát triển, được nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng lưu ý, trong năm 2017, BCĐ 389 các Bộ, ngành và địa phương tập trung  chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các lực lượng chức năng từ Trung ương đến cơ sở nắm vững tình hình tại các địa bàn, tuyến, lĩnh vực được phân công phụ trách, đặc biệt là những nơi trọng điểm; tăng cường phối hợp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ kịp thời, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Phương Kiếm

Thu giữ số lượng lớn xăng dầu lậu tại kho hàng ở khu dân cư

Lúc 8 giờ 30 ngày 9-3, Cơ quan Cảnh sát điều tra CAQ Hải Châu, TP Đà Nẵng phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC số 1 tiến hành khám xét khẩn cấp kho hàng đóng tại số 06-Phan Đăng Lưu – là nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do Mai Đình Toàn (1992, thường trú tại nhà số 14 - Phan Đăng Lưu) làm chủ, thu giữ tang vật gồm nhiều thùng phuy, can nhựa với tổng số lượng 185 lít xăng Ron 92, 1.900 lít dầu Diesel không rõ nguồn gốc.

Cơ quan chức năng làm việc với Mai Đình Toàn.

Tại thời điểm cơ quan Công an tiến hành khám xét, Toàn vừa mới bán 4 can gồm 80 lít dầu cho ông Trương Đông Nhơn, trú P. Phước Mỹ, Q. Sơn Trà để về rửa phụ tùng xe máy. Đây là một trong những điểm mua xăng, dầu lậu mà các cánh sửa xe cũng như người bán xăng dầu lẻ thường lui tới mua, bởi mỗi lít xăng dầu được mua tại kho của Mai Đình Toàn sẽ rẻ hơn ngoài thị trường ít nhất là 2.000 đồng.

Cơ quan chức năng tiến hành thu giữ xăng, dầu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ban đầu, cơ quan chức năng xác định, kho hàng với tổng diện tích 324 m2 được Toàn thuê hoạt động buôn bán, mỗi ngày 400 lít xăng, dầu. Mặt hàng này được thu mua từ những tài xế vận chuyển xe bồn chở xăng dầu không rõ nguồn gốc, chất lượng từ các nơi đem đến bán lại cho Toàn. Mỗi lít xăng Toàn thu mua 15.500 đồng và bán lại với giá 17.800 đồng, ăn chênh lệch 2.300 đồng. Khi lực lượng chức năng kiểm tra, Toàn không xuất trình được bất kỳ được loại giấy tờ pháp lý có liên quan đến việc kinh doanh buôn bán xăng dầu và cơ sở không có giấy chứng nhận an toàn về PCCC.

Kim Thái – Việt Thành