Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục

Thứ ba, 17/10/2017 10:05

Thời gian qua, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục tiếp tục đổi mới, các giải pháp phát huy nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đã đạt được những kết quả rất quan trọng, góp phần duy trì đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục các nhà trường. Tuy nhiên, hiện nay công tác kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên xuất hiện những hạn chế, bất cập. Những vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại Hội thảo về quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục diễn ra ở Đà Nẵng ngày 16-10, do Cục Quản lý chất lượng, Dự án phát triển giáo dục THPT giai đoạn 2 (Bộ GD-ĐT) phối hợp tổ chức.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga phát biểu chỉ đạo hội thảo.    Ảnh: K.MINH

Xuất hiện nhiều hạn chế, bất cập

Theo báo cáo công tác kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên giai đoạn 2015-2017 của Cục Quản lý chất lượng, tính đến ngày 31-5-2017, toàn ngành có 15.896/43.896 trường/trung tâm đã được đánh giá ngoài (chiếm 36,2%), trong đó cơ sở giáo dục mầm non: 40,6%, tiểu học 34,4%, THPT 29,8%, trung tâm GDTX là 11,00%. số trường/trung tâm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng là 15.732/15.896 trường/trung tâm đã được đánh giá ngoài (chiếm 98,9%).

Theo ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, thời gian qua, công tác kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên xuất hiện những hạn chế, bất cập. Bên cạnh các địa phương triển khai hiệu quả, còn có các địa phương triển khai hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục chưa tốt. Hoạt động đánh giá ngoài do 63 Sở GD-ĐT tiến hành, vì thế khó có thể bảo đảm tất cả các trường tại các địa phương được đánh giá như nhau, tạo nên sự bất cập trên phạm vi vĩ mô. Việc được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục chưa có ý nghĩa thực sự đối với các nhà trường…

Ông Mai Văn Trinh nhìn nhận: Các nhà trường vẫn còn tư tưởng ngại khó, ngại tiếp cận với vấn đề mới vẫn là vật cản đối với hoạt động công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Các trường chưa thấy được quyền lợi của mình nên hoặc không thực hiện đúng kế hoạch, hoặc thực hiện một cách hình thức. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục chưa thành nhu cầu tự thân, nên nhiều nhà trường không tự giác đăng ký đánh giá ngoài. Bệnh thành tích vẫn đang tác động không tốt đến hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục…

Công tác kiểm định chất lượng giáo dục cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên xuất hiện những hạn chế, bất cập (ảnh minh họa).    Ảnh: K.MINH

Tạo một thước đo chung trong toàn hệ thống

Kiểm định chất lượng giáo dục đã được Bộ GD-ĐT xác định là một giải pháp quản lý giáo dục quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục, đánh giá hiện trạng, xác định chính xác các điểm mạnh, điểm yếu của các cơ sở giáo dục. Từ đó xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường.

Theo GS.TSKH Bùi Văn Ga – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, trước yêu cầu mới về thực hiện Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, tiến tới thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng ta cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hoạt động công tác tổ chức thi và kiểm định chất lượng giáo dục. Với tinh thần “vừa làm, vừa học”, các địa phương cần có sự chia sẻ những kinh nghiệm hay và thống nhất phương thức vận hành tổ chức các kỳ thi và kiểm định chất lượng giáo dục một cách hiệu quả nhất.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Từ khi có Luật Giáo dục ra đời năm 2005 và sửa đổi năm 2009, vấn đề kiểm định chất lượng được ngành GD-ĐT đặc biệt quan tâm, nhất là đối với bậc giáo dục đại học. Cùng với việc triển khai hoạt động kiểm định chất lượng bậc đại học, hoạt động kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên đã được Bộ GD-ĐT chỉ đạo triển khai gần 10 năm qua và có những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn có những giới hạn nhất định. Hiện nay, Bộ đã có chỉ đạo Cục Quản lý chất lượng thực hiện rà soát lại các hệ thống văn bản về kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông và mầm non. Dự thảo về kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông và mầm non cũng đang trong giai đoạn cuối. Trong nội dung Dự thảo về kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông và mầm non lần này có những sự đổi mới nhất định, được thực hiện theo nguyên tắc thẩm định, được các tổ chức độc lập thực hiện, được đánh giá một cách khách quan nhằm tạo một thước đo chung trong toàn hệ thống.

“Trong thời gian qua, khi thực hiện các nhiệm vụ về đổi mới các kỳ thi và kiểm định chất lượng giáo dục, các địa phương đã hết sức quyết tâm cùng Bộ GD-ĐT thực hiện hoàn thành nhiệm vụ. Qua theo dõi công tác tổ chức hoạt động các kỳ thi, Bộ GD-ĐT đánh giá rất cao sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của các Sở GD-ĐT. Mặc dù các địa phương đã có bề dày kinh nghiệm về công tác thi và kiểm định chất lượng giáo dục, nhưng trong thời gian đến, trước những yêu cầu mới, chúng ta cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hoạt động công tác tổ chức thi và kiểm định chất lượng giáo dục. Với tinh thần “vừa làm, vừa học”, các địa phương cần có sự chia sẻ những kinh nghiệm hay và thống nhất phương thức vận hành tổ chức các kỳ thi và kiểm định chất lượng giáo dục một cách hiệu quả nhất; tổ chức đào tạo các kiểm định viên cho hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục ở bậc giáo dục phổ thông và mầm non”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.

KHẢI MINH