Nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu
(Cadn.com.vn) - Ngày 7-6, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Nhóm “Sáng kiến Việt Nam” (Hoa Kỳ) phối hợp tổ chức Diễn đàn chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 với chủ đề “Nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu”.
Diễn đàn thu hút sự tham gia của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ và khoảng hơn 100 đại biểu trong và ngoài nước; trong đó, có các chuyên gia kinh tế, tài chính, luật, hành chính công là người Việt Nam đang làm việc tại các trường đại học của Mỹ, Pháp, Úc, Nhật; Ngân hàng Thế giới (WB) như: GS Nguyễn Đức Khương (Pháp), GS Nguyễn Quốc Vọng (Úc), GS Trần Văn Thọ (Nhật), các GS Trần Ngọc Anh, Ngô Vĩnh Long, Ngô Bảo Châu (Mỹ)...
GS Nguyễn Quốc Vọng cho rằng, để đột phá nông nghiệp Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất là áp dụng chính sách nông nghiệp, đất đai vì nông dân, xây dựng chuỗi ngành hàng, tích cực hỗ trợ việc đổi mới công nghệ và đưa công nghệ cao vào nông nghiệp. |
Phát huy nguồn lực từ trí thức kiều bào
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: Sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đã có nhiều thành công toàn diện trên các lĩnh vực, đồng thời cũng đã bộc lộ những khiếm khuyết dẫn đến năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế còn yếu. Những khiếm khuyết này cần được nghiên cứu và hoàn thiện từ cơ chế, chính sách đến các điều kiện đảm bảo, để Việt Nam phát triển đúng định hướng đã chọn, hội nhập thành công khi mà nguồn vốn tri thức đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực cơ bản để phát triển đất nước. Diễn đàn có ý nghĩa quan trọng diễn ra trước thềm Đại hội XII của Đảng.
Phó Chủ tịch nước khẳng định: Chiếm 10% trong 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có nhiều chuyên gia, nhà khoa học làm việc ở các trường đại học lớn, các viện nghiên cứu, các công ty xuyên quốc gia, Liên hợp quốc, các tổ chức tài chính lớn, trí thức Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận vô cùng quan trọng không chỉ đối với người Việt Nam ở nước ngoài mà còn là của cả dân tộc Việt Nam. Những kiến thức, kinh nghiệm quý báu, những kỹ năng, trí tuệ của các nhà khoa học đã và đang đóng góp, tạo thêm động lực quan trọng, nâng cao chất lượng phát triển đất nước, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Diễn đàn “Chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với phát triển kinh tế và hội nhập của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020” là một hoạt động thiết thực để thực hiện Nghị quyết 36 - NQ/TW và Chỉ thị 45 - CT/TW của Bộ Chính trị; lắng nghe, tiếp thu ý kiến trong quá trình thảo luận, hoàn thiện Dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng. Những ý kiến của các chuyên gia quốc tế, trí thức người Việt Nam tại nước ngoài cùng các trao đổi, thảo luận trong Diễn đàn này là những căn cứ để tham mưu cho Đảng và Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian tới.
Tại Diễn đàn này, các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước, lãnh đạo các ban, bộ, ngành tập trung thảo luận về các nội dung: đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế; công nghiệp hóa, hiện đại hóa; phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.
Phải biết cách quản lý rủi ro
Phân tích các vấn đề chủ yếu của hệ thống tài chính Việt Nam, GS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội khoa học và chuyên gia Việt Nam tại Pháp cho rằng: “Khi đặt Việt Nam trong sự vận động chung của hệ thống tài chính quốc tế, chúng ta dễ dàng nhận thấy: Sự mất cân đối của thị trường vốn với sự chi phối gần như tuyệt đối của khu vực ngân hàng; thị trường chứng khoán, vẫn còn non trẻ và đang ở giai đoạn tiền mới nổi, chưa được doanh nghiệp trong nước coi như một nguồn vốn ổn định và hiệu quả.
Giáo sư Nguyễn Đức Khương nhấn mạnh, để có một thị trường tài chính ổn định, hấp dẫn đối với các chủ thể kinh tế và có khả năng “đề kháng” với những cú sốc đến nội bộ nền kinh tế và đến từ bên ngoài, đặc biệt trong điều kiện toàn cầu hóa tài chính như hiện nay, không có cách nào khác là phải tham gia vào cuộc chơi “có tính bắt buộc”của tự do hóa tài chính, đồng thời biết cách quản lý các rủi ro đến từ đó. Theo ông, các giải pháp có thể được chia làm 3 nhóm: Tạo dựng, củng cố lòng tin “lâu dài” của nhà đầu tư; xây dựng công cụ quản lý môi trường tài chính vĩ mô; văn hóa đầu tư và quản trị doanh nghiệp.
GS Khương đề xuất có thể xây dựng một bộ hướng dẫn về những kinh nghiệm và quy tắc tốt trong quản trị doanh nghiệp cho lĩnh vực công và tư nhân. Trong bộ hướng dẫn này có thể đưa ra định hướng mô hình doanh nghiệp trong tương lai, đặc biệt là khuyến khích các doanh nghiệp quan tâm đến phát triển bền vững và các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị. Đồng thời, là nâng cao chất lượng đào tạo tài chính trong các trường đại học; nghiên cứu tăng số lượng các sản phẩm và dịch vụ tài chính và môi trường pháp lý kèm theo để đáp ứng nhu cầu đầu tư và quản trị rủi ro cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu để phục vụ nghiên cứu và thông tin thị trường. Ông cho rằng các giải pháp nêu ở trên đều có thể thực hiện được trong ngắn và trung hạn. Với lợi thế là một quốc gia có tiềm năng về lương thực thực phẩm, chúng ta có thể nghiên cứu xây dựng một thị trường hàng hóa cấp khu vực. Đây cũng là một cách để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược ở nước ta.
Cải cách giáo dục, đào tạo nhân lực
Tham dự diễn đàn, TS Trần Hải Linh, Đại học Quốc gia Chonbuk, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Hàn Quốc nhận định: Nhìn tổng thể một cách khách quan, học sinh tốt nghiệp các trường Trung học phổ thông ở nước ta không thua kém với trình độ học sinh trung học các nước khác. Tuy nhiên, người tốt nghiệp đại học của Việt Nam còn có nhiều hạn chế về mảng kiến thức chuyên môn thực hành, kỹ năng mềm, tác phong làm việc so với sinh viên nước ngoài... Thực tế cho thấy rất rõ trong khoảng thời gian khá dài trong những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp rồi thất nghiệp và tỷ lệ sinh viên phải làm trái ngành nghề đào tạo ngày càng cao. Điều đó cho thấy giáo dục đại học là mảng cần nhiều sự thay đổi.
Tiến sĩ Trần Hải Linh nhấn mạnh: con đường tiến bộ cho giáo dục đại học ở Việt Nam chính là cần có sự tự chủ. Trong các quyền tự chủ của trường đại học, có tự chủ về tuyển sinh, tự chủ về đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên về giảng dạy và nghiên cứu, tự chủ về tài chính, về cả chương trình học cho sinh viên... Trong tình hình hiện tại của Việt Nam, trao quyền tự chủ cho các trường đại học có thể coi là một trong các biện pháp hữu hiệu để phát triển giáo dục đại học; giao trách nhiệm và trao niềm tin cho đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài; tạo các cơ hội để cho họ cống hiến và chứng minh khả năng trên quê hương mình.
Nông nghiệp cần tiến sâu vào hội nhập
GS Nguyễn Quốc Vọng, Trường Khoa học Ứng dụng, Đại học RMIT, Australia quan tâm đến việc sản xuất theo chuỗi ngành hàng và gia tăng giá trị nông sản để nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp nông nghiệp Việt Nam tiến sâu vào hội nhập. Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, bền vững của nông dân Australia, Giáo sư Nguyễn Quốc Vọng phân tích, việc đầu tư và phát triển không đồng bộ trong chuyển giao công nghệ vào chuỗi ngành hàng, những hạn chế trong thành phần sản xuất và tổ chức quản lý, đặc biệt hạn kỳ sử dụng đất và thủ tục giấy tờ rườm rà ở nông thôn đã và đang làm nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ yếu như lúa gạo, cà-phê, cao su, hạt điều, hạt tiêu, trà... không ứng dụng được công nghệ cao, làm chất lượng thấp, giá xuất khẩu chỉ đạt khoảng 50-60% giá trung bình thế giới.
GS Nguyễn Quốc Vọng nêu rõ, để đột phá nông nghiệp Việt Nam chỉ có một con đường duy nhất là áp dụng chính sách nông nghiệp, đất đai vì nông dân, xây dựng chuỗi ngành hàng, tích cực hỗ trợ việc đổi mới công nghệ và đưa công nghệ cao vào nông nghiệp. Theo ông, có như vậy mới tạo động lực để người nông dân và các doanh nghiệp linh hoạt điều chỉnh cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng với yêu cầu của thị trường và thích nghi với tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt của kỷ nguyên hội nhập. Sản xuất theo chuỗi ngành hàng và gia tăng giá trị để nông sản luôn có chất lượng cao. Đó là yếu tố then chốt giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa nông nghiệp tiến sâu vào hội nhập, làm giàu một cách bền vững cho nông dân và nông thôn Việt Nam.
Thu Thủy – TTXVN