Nâng cao năng lực phòng chống khủng bố xuyên quốc gia khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
(Cadn.com.vn) - Từ ngày 23 đến 25-6, tại Đà Nẵng, Trung tâm hợp tác phòng chống khủng bố INTERPOL phối hợp cùng Bộ CA Việt Nam tổ chức cuộc họp nhóm làm việc dự án Pacific về phòng, chống các mối đe dọa khủng bố và xu hướng mới, đang nổi tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Tham gia sự kiện này, ngoài Việt Nam còn có lực lượng Cảnh sát các nước Australia, Brunei, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Hàn Quốc và nhiều chuyên gia về chống khủng bố quốc tế đến từ Mỹ, Pháp, Anh, Mexico, Rumani, Hồng Kông.
Các đại biểu, chuyên gia khẳng định không thể chống khủng bố một cách đơn lẻ mà các nước phải có sự hợp tác, chặt chẽ và toàn diện. |
Nhiều mối đe dọa khủng bố mới
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong những năm qua, các vụ tấn công khủng bố kể cả thành công lẫn thất bại là tín hiệu xấu về những mối đe dọa khủng bố mới đối với các nước khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Đầu tiên phải kể đến sự xuất hiện và bành trướng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria/Iraq. IS không những đẩy mạnh việc mở rộng vùng lãnh thổ kiểm soát tại Trung Đông bằng các hoạt động vũ trang mà còn mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra khắp các khu vực trên thế giới bằng cách lợi dụng CNTT, mạng xã hội.
Mối đe dọa từ các phần tử chiến binh ở nước ngoài tham chiến tại các khu vực xung đột hồi hương cũng ngày càng tăng. Đây là mối đe dọa thường trực ở mức cao, bởi số này hoàn toàn có khả năng tự lên kế hoạch và tiến hành các vụ khủng bố khi tổ chức phát đi thông điệp tấn công qua Internet hoặc mạng xã hội. Bên cạnh đó, thế giới thời gian qua cũng đã phải chứng kiến nhiều vụ tấn công quy mô nhỏ nhưng để lại hậu quả nghiêm trọng và gây tác động lớn với phương thức “con sói đơn độc” mà điển hình là vụ bắt cóc con tin tại quán cà-phê Lindt ở Sydney ngày 15-12-2014 khiến 3 người chết hay vụ xả súng vào triển lãm biếm họa về nhà tiên tri Hồi giáo Mohammed tại bang Texas (Mỹ) làm 2 người chết.
Trong bài phát biểu của mình, đại diện đoàn Việt Nam cho rằng, ở Đông Nam Á, một số nhóm đã công khai tuyên bố trung thành, ủng hộ hoặc liên kết với IS. Các tổ chức khủng bố Jemaah Islamiyah, “Chiến binh Đông Indonesia”, “Chiến binh Hồi giáo Tự do Bangmoso”... đã gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh mỗi quốc gia và cả khu vực. Ông Simon Ferman III- Quản lý Dự án Pacific thuộc Trung tâm hợp tác phòng, chống khủng bố INTERPOL trong phần giới thiệu khái quát về những mối đe dọa khủng bố và xu hướng tại Đông Nam Á đã đưa ra những con số cụ thể đáng báo động đối với các nước trong khu vực.
Các chuyên gia trao đổi về chương trình hợp tác phòng chống khủng bố xuyên quốc gia. |
Cần hợp tác chặt chẽ, toàn diện trong chống khủng bố
Theo các chuyên gia, bên cạnh các phương thức, thủ đoạn truyền thống, hiện nay các tổ chức khủng bố đã tiến đến sử dụng nhiều thủ đoạn mới như dùng trẻ em và gia súc mang bom, vũ khí hóa học... Đại diện Trung tâm dữ liệu bom Australia cho rằng, một trong những xu hướng đang nổi lên của khủng bố chính là việc sử dụng thiết bị nổ tự tạo.
* Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam liên tục đứng top 20 quốc gia trên thế giới có tốc độ phát triển Internet cao nhất với số người dùng (chiếm đến 30% dân số). Trong khi đó, việc quản lý Internet còn gặp nhiều khó khăn. Đây chính là kênh mà giới trẻ dễ bị lôi kéo, tác động bởi tư tưởng độc hại. Lực lượng chuyên môn thời gian qua đã phát hiện một số vụ gửi tài liệu từ nước ngoài qua đường bưu chính viễn thông vào trong nước có nội dung tuyên truyền cực đoan, hướng dẫn cách chế tạo thiết bị nổ để tấn công trụ sở các cơ quan công quyền. |
Trong đó, trẻ em bị lợi dụng nhiều là do tâm lý chưa phát triển ổn định, dễ dàng bị “tẩy não” và tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan, bạo lực. Còn theo ông Alexandru Caciuloiu- cán bộ Trung tâm tội phạm mạng INTERPOL, khủng bố cũng ngày càng triệt để lợi dụng mạng Internet, sử dụng tin tặc tiến hành các vụ tấn công mạng mà điển hình là vụ tấn công của IS ngày 9-4 vừa qua nhằm vào Đài truyền hình TV5 Monde của Pháp làm tê liệt hoạt động của 11 kênh truyền hình.
Kèm theo đó, chúng còn đưa ra thông điệp đe dọa tấn công các hãng truyền thông quốc tế lớn, các trang web và mạng xã hội. Nguy hiểm không kém là hoạt động khủng bố văn hóa. Với việc phá hủy các công trình, di sản văn hóa cổ tại Iraq và Syria, IS lộ rõ âm mưu hủy diệt sức sống và bản sắc dân tộc nhằm dễ dàng truyền bá tư tưởng cực đoan và tăng thu nhập từ hoạt động buôn bán cổ vật có giá trị.
Với những mối đe dọa mới, các phương thức, thủ đoạn tinh vi và cực kỳ nguy hiểm của các tổ chức khủng bố, chuyên gia INTERPOL và lực lượng cảnh sát phòng, chống khủng bố của các nước tham gia cuộc họp đều thống nhất rằng, không một quốc gia đơn lẻ nào có thể chiến thắng khủng bố. Ngược lại, các nước, các khu vực trên thế giới cần phải hợp tác chặt chẽ, toàn diện trong cuộc đấu tranh để loại trừ khủng bố ra khỏi đời sống nhân loại.
Với vai trò của mình, INTERPOL phải thúc đẩy hoạt động hợp tác hiệu quả giữa cơ quan chức năng các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực có liên quan hình thành mạng lưới để kịp thời phát hiện, phối hợp đấu tranh chống lại các mối đe dọa nguy hiểm. Cuộc họp nhóm lần này chính là dịp để INTERPOL có thể hỗ trợ các sáng kiến phòng chống khủng bố xuyên quốc gia, đặc biệt là sử dụng truy nã quốc tế để theo dõi hoạt động vượt biên của người bị tình nghi cho hoạt động điều tra, phòng chống khủng bố.
Công Khanh