Nâng chất lượng giáo dục vùng khó từ chương trình SEQAP
(Cadn.com.vn) - 6 năm qua, nhờ được thụ hưởng Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP), các trường học trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã dần thay đổi diện mạo. Tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng được hạn chế, hệ thống cơ sở vật chất được đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, hiện đại. Chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng được nâng cao. Năm học 2016-2017, cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Nam tỏ ra phấn khởi khi nhiều trường học tiếp tục được thụ hưởng chương trình SEQAP.
Tạo nền tảng phát triển cho các trường vùng khó
Từ khi được thu hưởng chương trình SEQAP, các trường học trên địa bàn H. Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) đã chuyển từ dạy học một buổi sang cả ngày. Nhờ đó, giáo viên có thời gian để tăng cường kỹ năng tiếng Việt cho học sinh (HS) dân tộc thiểu số. Được ăn ở tại trường nên HS được lồng ghép tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ. Chất lượng giáo dục được nâng cao một cách rõ rệt. Nói về hiệu quả chương trình SEQAP đối với giáo dục địa phương, bà Võ Thị Lệ - Phó phòng GD-ĐT, Phó Ban quản lý SEQAP H. Phước Sơn, cho hay: Trong 6 năm qua, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự đồng thuận của giáo viên, phụ huynh HS, cùng với sự chủ động thực hiện của các trường, chương trình SEQAP đã góp phần tạo dựng một diện mạo mới cho sự nghiệp giáo dục địa phương. Đến năm học 2016-2017, toàn H. Phước Sơn có 6/6 trường tham gia chương trình SEQAP đúng theo lộ trình đề ra.
Bà Võ Thị Lệ cho biết thêm: Nhằm tiếp tục đảm bảo chất lượng giáo dục của chương trình, hiện nay, ngành GD-ĐT Phước Sơn đang tiếp tục tập trung xây dựng kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn các trường tiểu học triển khai thực hiện mô hình dạy học cả ngày và mở rộng đối với những trường ngoài chương trình hội đủ điều kiện tổ chức dạy học cả ngày từ năm học 2016-2017. Trong đó tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản như: Sử dụng hiệu quả bộ tài liệu đã được SEQAP xây dựng để HS đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng môn Toán, tiếng Việt một cách vững chắc; tăng cường năng lực tiếng Việt cho HS bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú; tổ chức cho HS tham gia các hoạt động xã hội, trải nghiệm sáng tạo trong và ngoài nhà trường; tăng cường các hoạt động dự giờ và đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo hướng lấy HS làm trung tâm...
Trong khi đó, Nam Giang là một trong những huyện nghèo, dân cư thưa thớt, phân tán nhỏ lẻ nên mạng lưới trường lớp không tập trung. Điều kiện miền núi nên HS nơi đây chủ yếu học 1 buổi/ngày. Vì vậy, chất lượng dạy và học không cao. Tuy nhiên, từ khi được thụ hưởng chương trình SEQAP, các trường học trên địa bàn có bước phát triển vượt bậc. Theo ông Nguyễn Văn Bình – Trưởng phòng GD-ĐT H. Nam Giang, từ năm 2010, chương trình SEQAP đến với 6 trường tiểu học của huyện với tổng số HS gần 1.900 em như một làn gió mới cho công tác nâng cao chất lượng, đầu tư cơ sở vật chất, hướng đến xây dựng trường chuẩn quốc gia. Từ nguồn kinh phí của SEQAP đã đầu tư xây dựng được 9 phòng học, 5 công trình vệ sinh, 1 nhà đa năng, giúp các trường đạt chuẩn quốc gia và hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học cấp độ 3.
Sau 6 năm thực hiện chương trình SEQAP đã giúp hơn 6.300 HS tỉnh Quảng Nam được hỗ trợ bữa ăn trưa bán trú tại trường. |
Tiếp tục mở rộng chương trình
Ở Quảng Nam, chương trình SEQAP bắt đầu được triển khai từ năm 2010 tại 11 trường tiểu học, đến nay mở rộng ra 48 trường của 8 huyện miền núi gồm Nam Trà My, Bắc Trà My, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Nông Sơn và Hiệp Đức. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Quảng Nam, trong 6 năm qua, SEQAP đã hỗ trợ hơn 92 tỷ đồng cho các địa phương đầu tư xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, tổ chức cho HS ăn trưa bán trú tại trường. Cạnh đó, còn có hơn 3 tỷ đồng nguồn vốn đối ứng của tỉnh, huyện.
Có thể thấy rằng, chương trình SEQAP đã góp phần hình thành những kỹ năng ban đầu và tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện cho HS tiểu học miền núi. Chất lượng giáo dục giữa nhà trường với các trường học ở vùng thuận lợi được rút ngắn khoảng cách chênh lệch. Đánh giá hiệu quả của SEQAP, ông Nguyễn Tấn Từ - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Quảng Nam) cho biết: Sau 6 năm triển khai thực hiện đã giúp cho giáo dục miền núi của tỉnh giảm khá nhiều tỷ lệ HS bỏ học do hoàn cảnh khó khăn. Hơn 6.300 HS nghèo, xa nhà được hỗ trợ bữa ăn trưa bán trú tại trường. Đặc biệt, với việc chuyển sang dạy học cả ngày, chất lượng giáo dục tiểu học miền núi, vùng dân tộc thiểu số có nhiều chuyển biến rõ nét.
Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam, chương trình SEQAP mang đầy tính nhân văn đối với học trò miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Chất lượng giáo dục thấp và tình trạng bỏ học giữa chừng là những vấn đề nan giải lâu nay của giáo dục miền núi, vùng khó khăn. SEQAP là chương trình giúp ngành GD-ĐT địa phương tháo gỡ những tồn tại đó và thực tế đã làm cho công tác giáo dục vùng dân tộc thiểu số đạt được những thành quả nhất định, chất lượng giáo dục nâng cao một cách bền vững. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho cộng đồng và phụ huynh đối với việc học tập của con em cũng như xây dựng trường chuẩn quốc gia.
Khải Minh