“Nàng dâu vàng” của thể thao Đà Nẵng

Thứ ba, 06/02/2024 11:15
Sinh tại Quảng Bình, tập luyện ở Hải Phòng, lấy chồng và thi đấu cho đội tuyển đua thuyền Đà Nẵng, Phạm Thị Huệ nhiều lần bước lên bục cao nhất, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành địa phương có phong trào đua thuyền mạnh của cả nước.
Phạm Thị Huệ luôn nhận được sự hậu thuẫn của gia đình.
Phạm Thị Huệ và con gái đầu Đặng Ánh Dương, “của để dành” của đua thuyền trẻ Đà Nẵng.

Cả nhà cùng đua

Phạm Thị Huệ sinh năm 1990, trong một gia đình thuần nông ở Bố Trạch (Quảng Bình). Thờig nhỏ, ngoài giờ học ở trường, Huệ thường phải phụ bố mẹ làm ruộng, đi xúc cát thuê. Lao động vất vả mang lại cho cô học trò thôn quê một sức khỏe khá dẻo dai và ý chí kiên cường.

Huệ kể, những năm học phổ thông cô thường xuyên có mặt trong đội dự thi Hội khỏe Phù Đổng các cấp với môn điền kinh. Từ niềm vui, sự yêu thích, nhen lên trong Huệ niềm khao khát theo đuổi sự nghiệp thể thao.

Năm 2008, vừa tốt nghiệp THPT, Huệ được giới thiệu, tuyển chọn vào đội tuyển đua thuyền, tập luyện và thi đấu môn Rowing cho Quảng Bình. Đến với thể thao chuyên nghiệp khá muộn nhưng nhờ có năng khiếu bẩm sinh, cộng với ý chí nỗ lực vượt khó, chỉ sau 1 năm ăn ở huấn luyện tập trung, được các thầy giỏi “truyền nghề”, Huệ tiếp cận thành tích đỉnh cao, đoạt HCB giải vô địch quốc gia và sau đó liên tục có tên trong bảng vàng.

Năm 2010, Huệ kết hôn với chàng trai quê gốc Đà Nẵng là Đặng Minh Huy cùng đội tuyển quốc gia. Từ ngày về làm dâu Đà Nẵng, Huệ thi đấu bùng nổ, đoạt nhiều huy chương trong nước lẫn quốc tế, trong đó ấn tượng nhất là 1 HCV và 1 HCB SEA Games 26, năm 2011 tại Indonesia.

Giọt nước mắt hạnh phúc của Phạm Thị Huệ khi đoạt HCV cùng đồng đội.

Huệ kể, điều may mắn nhất trong sự nghiệp là có người bạn đời cùng nghề, lại được hai bên gia đình nội ngoại hỗ trợ nên yên tâm tập luyện, cống hiến. Từ ngày lấy chồng, sinh con đến nay, quanh năm suốt tháng Huệ tập luyện, thi đấu xa nhà. Đằng sau những tấm huy chương là nỗi vất vả, sự kiên trì, chịu đựng và nỗ lực đến cùng cực của Huệ và rất nhiều người thân. Những lúc con ốm, bản thân làm mẹ mà không có bên cạnh chăm sóc, nỗi nhớ con phải luôn kìm nén trong lòng.

Trong số các huy chương đạt được, Huệ nhớ nhất là năm 2011, lần đầu tham dự SEA Games 26 đoạt HCV cũng là thời điểm Huệ mang thai con gái đầu lòng Đặng Ánh Dương. Không biết có phải cùng theo mẹ trên đường đua rồi lên bục nhận huy chương hay không mà càng lớn, Dương càng yêu thích môn Rowing và đã được chấm làm “của để dành” cho tuyển trẻ Đà Nẵng. Đến nay, Ánh Dương 12 tuổi, có chiều cao 1,68m, cơ địa phát triển rất tốt, được Huệ truyền dạy cho những kỹ năng cơ bản của môn Rowing để sau này viết tiếp ước mơ cho bố mẹ.

Phạm Thị Huệ luôn nhận được sự hậu thuẫn của gia đình.

Gừng càng già càng cay

Giai đoạn chính thức đầu quân, thi đấu cho đội tuyển đua thuyền Đà Nẵng (2015) Huệ thi đấu bùng nổ nhất, giành rất nhiều huy chương về cho quê chồng, được ví von là “nàng dâu vàng” của thể thao Đà Nẵng.

Ngoài hàng chục HCV giải trong nước ở cự ly thi đấu sở trường dành cho nội dung đơn và đôi, Huệ còn đoạt 2 HCB ASIAD 18, 2 HCV SEA Games 28, 1 HCB SEA Games 30, 3 HCV SEA Games 31, 2HCĐ ASIAD 19 và 2 lần giành vé đến Olympic các năm 2016 và 2021. Tháng 11-2023, Huệ khép lại một năm “đại thành công” với 3 HCV giải VĐQG, góp công lớn đưa đội thuyền đua Đà Nẵng vào tốp 3 dẫn đầu cả nước.

Nói về hành trình đến với sân chơi Olympic, Phạm Thị Huệ không khỏi tiếc nuối cho biết, tại vòng loại Olympic Rio 2016 khu vực châu Á - Thái Bình Dương ở Hàn Quốc, Huệ xếp hạng 4 chung cuộc nội dung thuyền đơn hạng nhẹ. Theo luật, việc đạt chuẩn (5 vị trí đầu tiên) đương nhiên giành vé dự Olympic. Nhưng quy định của nhà tổ chức lại chỉ cho phép mỗi quốc gia chỉ được tối đa 1 suất cho VĐV nữ. Mà ở vòng loại đó, Việt Nam lại có bộ đôi Phạm Thị Thảo - Tạ Thị Huyền cũng đạt chuẩn ở nội dung thuyền đôi hạng nhẹ. Tình thế ấy buộc phải chọn một trong hai và ưu thế về số lượng đã khiến Huệ phải ở nhà. Tiếp đến, tại vòng loại Olympic ở Nhật Bản diễn ra từ ngày 30-4 đến 7-5-2021, Huệ cũng đã giành vé dự Olympic Tokyo 2021 khi nội dung thuyền đơn hạng nhẹ Huệ xếp thứ 4/14. Và cũng như lần trước, việc chỉ cho 1 suất nữ khiến Huệ lại phải ở nhà để dành suất cho bộ đôi Lường Thị Thảo - Đinh Thị Hảo ở nội dung thuyền đôi, cũng đạt chuẩn ở vòng loại.

2 lần lỡ hẹn với Olympic nhưng Huệ không nản chí, quyết tâm tập luyện, chuẩn bị cho vòng loại sân chơi này trong đầu năm 2024. Nhận xét về Phạm Thị Huệ, HLV trưởng bộ môn đua thuyền Đà Nẵng Tống Hữu Dũng chia sẻ: “Tuy là thành viên lớn tuổi nhất trong đội tuyển Rowing quốc gia, cũng như đội tuyển Rowing thành phố nhưng Huệ luôn yêu nghề, phấn đấu không ngừng nghỉ. Hiện nay, có rất nhiều VĐV trẻ đang phát triển nhưng vẫn chưa có VĐV nào về mặt cá nhân có thể vượt Huệ và thi đấu ở những hội thao mang tầm quốc gia và quốc tế. Huệ vừa tốt nghiệp xong Đại học TDTT và đã vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Bản thân tôi thấy Huệ là một VĐV tuyệt vời và là tấm gương cho các VĐV trẻ phấn đấu theo”.

Với những thành tích thi đấu xuất sắc, năm 2022, “nàng dâu vàng” Đà Nẵng Phạm Thị Huệ vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và nhiều lần nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

ĐINH NGA