Nặng lòng với những "vầng trăng khuyết"
"Nhiều người hỏi: Đã bao giờ anh có ý định bỏ cuộc chưa? đều nhận được câu trả lời duy nhất từ tôi: Không bao giờ. Hơn một thập kỷ gắn bó với những đứa trẻ bất hạnh nên tình cảm tôi dành cho các cháu không gì đong đếm được. Tôi đã và đang hạnh phúc thật sự với những gì mình làm", thầy Nguyễn Xuân Việt (34 tuổi, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng), mở đầu câu chuyện như vậy khi nhận lời chia sẻ với tôi về công việc nuôi dạy những đứa trẻ đặc biệt.
Thầy Việt (thứ 4 từ trái qua) được Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương vì những cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. |
Tôi biết đến thầy Việt khi thầy được chọn là gương mặt đại diện cho giáo viên Đà Nẵng vinh danh trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" do Bộ GD&ĐT phối hợp cùng nhiều đơn vị khác tổ chức cuối năm 2018. Thầy Việt còn được xem là người cha thứ hai của những đứa trẻ kém may mắn. Năm 2009, tốt nghiệp ngành Sư phạm giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, thầy xin về công tác tại Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (nay là Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng). Từ đó đến nay, thầy Việt đã dạy dỗ cho hàng trăm đứa trẻ kém may mắn, mang trong mình nhiều căn bệnh như: tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật ngôn ngữ, rối loạn thần kinh, nhận thức kém… "Ngày đầu mới vào trường là khoảng thời gian vô cùng đáng nhớ. Bởi, dù biết trước những gì mình phải đối mặt nhưng thực tế nó nằm ngoài sức tưởng tượng. Dạy những đứa trẻ đặc biệt không hề dễ dàng như mọi người nghĩ là học kỹ năng sư phạm là áp dụng được. Mà trên hết, người thầy, cô giáo phải tự đặt mình vào vị trí là những người cha, người mẹ của trẻ", thầy Việt chia sẻ.
Cũng theo thầy Việt, dạy những đứa trẻ đặc biệt cần có những "giáo án" đặc biệt. Đó là không nằm trong khuôn khổ nào cả mà là tự thầy nghĩ ra những phương pháp dạy phù hợp với từng học trò. Có những giờ học, thầy chỉ dành toàn bộ thời gian để dỗ dành hay đấm bóp, áp dụng các bài tập vật lý trị liệu để giúp trẻ quên đi nỗi đau thể xác, cảm nhận được sự yêu thương từ mọi người xung quanh. Cũng có những giờ học thầy chỉ dạy đọc một chữ duy nhất nhưng học trò vẫn học trước quên sau nhưng thầy vẫn nở nụ cười hiền. "Một trong những "bí kíp" dạy trẻ đặc biệt như thế này là tập tính kiên nhẫn. Có kiên nhẫn, có yêu thương, có quan tâm thì chúng ta mới có thể giúp trẻ phát triển được. Mục đích cuối cùng của việc dạy học cũng là để cho các em có cảm giác được vui chơi, thư giãn. Qua đó mới có thể kích thích, thu hút được trẻ vào câu chuyện mình muốn truyền tải", thầy Việt bộc bạch.
Lãnh đạo Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng cho biết, thầy Việt là giáo viên nam hiếm hoi gắn bó với việc nuôi dạy trẻ, mà còn là những đứa trẻ đặc biệt. Tôi hỏi thầy nghĩ như thế nào?, thì thầy đáp: Nếu nói ngay từ ban đầu tôi đã yêu công việc này là không chính xác mà đúng hơn phải là một cơ duyên được sắp đặt từ trước. Tôi là một trong những học viên đầu tiên theo học ngành Sư phạm giáo dục đặc biệt nên cũng mơ hồ công việc sau này của mình sẽ ra sao. Song, khi ra trường, đi làm, có thời gian gắn bó, gần gũi với những đứa trẻ bất hạnh tình yêu trong tôi mới lớn dần lên từng ngày. "Nhìn những đứa trẻ lên 6, lên 10 nhưng trí lực cứ như đứa trẻ lên 3. Rồi những đứa trẻ không biết cười, không biết khóc, suốt ngày cứ lầm lũi trong một thế giới riêng biệt khiến tôi không thể nào cầm lòng được. Chúng ta may mắn hơn nên phải biết chia sẻ điều đó với những đứa trẻ bất hạnh kia bằng sự quan tâm, động viên chân thành nhất", thầy Việt xúc động nói. Đoạn rồi thầy chỉ rõ cho chúng tôi về hoàn cảnh từng trẻ kém may mắn như thế. Kể đến như em Đ.B.T (2011) mắc bệnh động kinh. Bố mẹ T. đưa đi khắp nơi chạy chữa, qua nhiều ca phẫu thuật nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Hơn 9 tuổi nhưng sức khỏe T. rất yếu, thường co giật và nhận thức cũng rất kém. Hay như em T.C.H (2010), đúng ra đã học lớp 3 nhưng vì mắc chứng chậm nhớ mau quên nên bố mẹ H. phải đưa đến cho thầy Việt dạy dỗ…
Hiện tại, thầy Việt đang đứng lớp dạy giáo dục cá nhân (một thầy - một trò). Tuy vậy, không vì thế mà công việc của thầy nhẹ nhàng đi. Có mặt tại một buổi dạy của thầy tôi mới cảm nhận được sự tận tâm, những cống hiến lặng thầm và tình cảm đặc biệt mà thầy dành cho những đứa trẻ kém may mắn. Từng cái ôm nhẹ nhàng, rồi cái cầm tay uốn từng nét chữ hay như từng lời động viên, khích lệ khi trẻ hoàn thành tốt bài học mới hiểu được động lực nào không phải tình cảm bao la, chân thành để thầy gắn bó với công việc hơn một thập kỷ qua. Ngoài hoàn tất chuyên môn, thầy còn thường xuyên tổ chức các hoạt động vui chơi, giao lưu. Bên cạnh đó, kết nối với các đơn vị tìm hướng hỗ trợ, định hướng phát triển tốt nhất cho trẻ. "Nhiều học trò của tôi có tiến triển tốt đã được hòa nhập với cộng đồng, xã hội. Có những em có thể theo bạn bè cùng trang lứa đến trường, cũng có những em tìm được một nghề phù hợp theo học để có tương lai tươi sáng hơn. Tôi vô cùng hạnh phúc vì điều đó và nhủ lòng mình phải nỗ lực cống hiến nhiều hơn nữa vì vẫn còn những cô, cậu học trò đang cần tôi ở chặng đường phía trước", thầy Việt tâm sự.
THÀNH DANH
Với những cống hiến của mình, ngoài là gương mặt đại diện cho giáo viên Đà Nẵng được vinh danh trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô", thầy Việt còn được vinh danh là một trong 35 gương mặt tiêu biểu của thành phố trong chương trình "Tôi yêu Đà Nẵng" năm 2018, Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng tặng bằng khen vì sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, Bộ GD&ĐT tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. |