Nặng lòng với văn hóa đọc

Thứ năm, 16/04/2015 08:46

(Cadn.com.vn) - Trong khi nhiều bạn trẻ chẳng mặn mà gì chuyện đọc sách, thì có người lại đam mê, yêu sách và trăn trở về văn hóa đọc hiện nay.

Trong mắt nhiều người, anh Phạm Ngô Minh (P.An Hải Tây, Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng) là một người kỳ lạ, bởi anh  chỉ là người buôn bán thịt nhưng lại sở hữu rất nhiều sách, đạt giải nhì cả nước về tủ sách gia đình. Không chỉ vậy, anh còn viết sách và bảo: “Gia tài lớn nhất của tôi là sách”. Yêu và đam mê sách nên mấy chục năm qua, không ngày nào anh Minh không đọc sách. Mỗi ngày, sau khi phụ vợ giám sát việc mổ thịt heo cung cấp cho khách hàng, thời gian còn lại anh đều dành cho việc đọc và sưu tầm sách. Anh biết tất cả các nhà sách ở Đà Nẵng, giá cả những cuốn sách hay mới ra. Phạm Ngô Minh nói anh yêu sách từ  nhỏ, lúc đó gia đình nghèo, chẳng có tiền để mua sách nên phải đi mượn của người khác đọc.

Sau đó anh tích góp tiền để mua sách, để bây giờ anh có một kho sách đồ sộ, nhiều người hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cũng phải ghen tỵ.  “Sách mang lại cho tôi nhiều thứ lắm, không chỉ là kiến thức, sách giúp tôi sống tốt hơn và ý nghĩa hơn. Tôi thích đọc các thể loại sách văn học, lịch sử Việt Nam, càng đọc càng khám phá ra nhiều điều mới lạ và thấy sự trường tồn của Tổ quốc ta thật vĩ đại”–anh Minh tâm sự. Với nhiều người thì đọc sách chỉ để giải trí hoặc bổ sung thêm kiến thức, thì Phạm Ngô Minh còn tổng hợp những điều mình đọc, nghiên cứu được để viết sách. Đến bây giờ anh đã viết và chủ biên nhiều cuốn sách, nhưng ấn tượng nhất và được các nhà nghiên cứu đánh giá cao về tư liệu, tính chuyên nghiệp, phải kể đến hai cuốn Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập và Phạm Phú Thứ toàn tập.

Để viết được những cuốn sách này, anh Minh đã đọc rất nhiều bút ký, hồi ký, ký sự... của các tiền nhân, sau đó đối chiếu tư liệu, bổ sung thông tin. Cuốn Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập do Phạm Ngô Minh và Giáo sư Chương Thâu sưu tầm, biên soạn, dày 1.800 trang, cung cấp gần 100 bài thơ, những bài văn tuyển giai đoạn 1927-1936 của Huỳnh Thúc Kháng đăng trên báo Tiếng Dân. Những bài báo của cụ Huỳnh viết trong những năm 1936-1943 được các tác giả chia theo từng chủ đề.

Không chỉ thế, anh còn trích đăng một số văn bản, tác phẩm có bình luận về thơ văn của cụ Huỳnh, qua đó khẳng định và lý giải một số ý kiến chưa dứt khoát về Huỳnh Thúc Kháng. Đặc biệt, cuốn sách có phần tiểu dẫn từng vấn đề như sử học hay dịch thuật trước khi đi vào vấn đề chính. Điều này gây ấn tượng với bạn đọc, giúp người đọc hình dung, bao quát được vấn đề. Vì thế mà bộ sách đã đoạt giải Vàng sách hay năm 2011 do Hội Xuất bản Việt Nam trao tặng. Anh Minh tâm sự: “Tôi chỉ là người bán thịt heo, nhưng nhờ đọc và nghiên cứu sách mà đã viết được vài cuốn sách. Nói vậy để thấy rằng, sách mang lại cho ta nhiều điều. Nhưng đáng buồn là bây giờ nhiều người, nhất là các bạn trẻ hãy còn thờ ơ với sách”.

Các bạn trẻ đến Thư viện Tổng hợp thành phố Đà Nẵng để đọc sách, tìm tư liệu.

Nỗi trăn trở của Phạm Ngô Minh cũng là thực trạng diễn ra nhiều năm qua ở Việt Nam. Năm 2013, Bộ VH–TT&DL  thống kê bình quân mỗi năm, một người Việt chỉ đọc 0,8 quyển sách, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Đây quả thật là con số đáng buồn. Lý giải nguyên nhân thực trạng này, nhiều người cho rằng, thời buổi công nghệ thông tin, phương tiện nghe nhìn phát triển mạnh, nên chuyện lười đọc sách chẳng lạ. Hỏi chuyện về đọc sách, N. (SV một trường ở đại học ở Đà Nẵng) chia sẻ: “Em chỉ tìm đọc những loại sách chuyên ngành học của em thôi. Tuy nhiên đọc cũng không được nhiều, phần vì giá sách cao, phần phải lo hoàn thành các môn học nên không có nhiều thời gian đọc sách”. Nhiều SV cũng đưa ra rất nhiều lý do để lười đọc sách, mà đáng lẽ đây là lứa tuổi cần khám phá, tìm tòi kiến thức nhiều nhất. Dường như ý thức đọc sách để tích lũy tri thức đối với các bạn trẻ là điều không quan trọng.

Ông Phạm Hồng Thái–Giám đốc Thư viện Tổng hợp TP Đà Nẵng cho biết, tỷ lệ các bạn trẻ đến thư viện đọc sách không nhiều. Trong tổng số 7.000 thẻ bạn đọc mà thư viện phát ra, chỉ có hơn 45% là người trẻ. Dù là thực trạng buồn, nhưng ông Thái cho rằng không nên quá lo về chuyện giới trẻ ít đọc sách. “Công nghệ phát triển nên các bạn trẻ có thể đọc và tìm kiếm kiến thức với nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên, bây giờ tôi nhận thấy các bạn trẻ đang có xu thế quay lại với đọc sách truyền thống. Bởi qua thời gian tiếp cận với Internet, giới trẻ sẽ nhận ra đọc sách giúp mình có kiến thức sâu, rộng hơn, ghi nhớ lâu hơn”– ông Thái nói. Còn theo anh Phạm Ngô Minh: “Để xây dựng văn hóa đọc, không cần thiết có sách trong nhà, mà phải chịu đọc và biết đọc. Ngoài ra, cũng cần phải in và giới thiệu những cuốn sách có giá trị, hạn chế những cuốn sách kém. Bởi lâu nay, những cuốn sách có nội dung dung tục và câu khách, phần nào khiến người đọc quay lưng với sách”.

Như một “món ăn truyền thống” chịu ảnh hưởng của các phương tiện nghe nhìn hiện đại ngày nay, sách vẫn giữ những giá trị tuyệt vời của mình, nhưng không nhiều người nhận ra điều đó. Và hoạt động tổ chức Ngày sách hằng năm của Việt Nam, ngõ hầu để giữ gìn và phát huy “món ăn truyền thống” đó.

Hoàng Anh