"Nâng mức phạt để tăng tính răn đe, hạn chế lỗi vi phạm"
(Cadn.com.vn) - Cùng với cả nước, từ ngày 1-8, lực lượng CSGT CATP Đà Nẵng đã ra quân xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt theo Nghị định 46/2016 của Chính phủ trên tất cả các tuyến đường toàn TP. Thay thế cho Nghị định 171/2013 và Nghị định 107/2014, Nghị định mới sẽ tăng mức xử phạt đối với hơn 100 lỗi vi phạm. Trao đổi nhanh với PV Báo Công an TP Đà Nẵng, Đại tá Lê Ngọc, Trưởng phòng CSGT CATP cho hay:
Đại tá Lê Ngọc, Trưởng phòng CSGT. |
PV: Là địa bàn trọng điểm của khu vực miền Trung nói riêng, cả nước nói chung và cũng là địa phương có tốc độ phát triển phương tiện giao thông ngày càng cao, lực lượng CSGT CATP đã triển khai công tác thực hiện xử lý vi phạm theo Nghị định 46 của Chính phủ như thế nào, thưa Đại tá?
Đại tá Lê Ngọc: Ngay sau khi có hướng dẫn của Chính phủ và các bộ ngành có liên quan về công tác triển khai thực hiện Nghị định 46 của Chính phủ ban hành quy định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, CSGT CATP đã phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ CA tổ chức tập huấn cho tất cả CBCS CSGT, CSTT làm nhiệm vụ TTKS nghiên cứu các văn bản và phân tích rõ một số nhóm giải pháp để xử lý, tăng mức hình phạt. Nghị định 46 có tới 105 hành vi và nhóm hành vi vi phạm bị điều chỉnh tăng mức xử phạt. Các quy định chế tài xử phạt tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm, bảo đảm tính răn đe và khả thi thực hiện, đồng thời bổ sung đầy đủ hành vi vi phạm.
Việc Nghị định mới nâng mức phạt 105 lỗi vi phạm chắc chắn sẽ tăng tính răn đe, hạn chế lỗi vi phạm của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông. Chúng tôi cũng đề nghị CBCS làm nhiệm vụ bên cạnh việc cân nhắc, mềm dẻo trong xử lý các lỗi vô ý, phải mạnh tay, kiên quyết xử lý những lỗi mà người điều khiển phương tiện cố tình vi phạm.
PV: Thưa đại tá, trong số lỗi vi phạm mà Nghị định mới điều chỉnh tăng mức phạt, thời gian qua những lỗi vi phạm nào xảy ra phổ biến ở Đà Nẵng bị các lực lượng chức năng xử lý?
Đại tá Lê Ngọc: Trước khi triển khai ra quân, chúng tôi đã rà soát, thống kê các lỗi vi phạm phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ gây TNGT cao để quán triệt CBCS làm nhiệm vụ tăng cường công tác tuần tra, xử lý. Qua phân tích lỗi vi phạm những năm trở lại đây mà Nghị định mới điều chỉnh tăng mức phạt, thì chủ yếu rơi vào 5 lỗi chính, gồm: Không chấp hành đèn tín hiệu giao thông; đi không đúng phần đường, làn đường; đi vào đường ngược chiều, đường cấm; vi phạm nồng độ cồn và chở hàng quá tải trọng. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm, lực lượng CSGT tiến hành xử lý hơn 26.000 phương tiện vi phạm với tổng cộng 30 lỗi, thì 5 lỗi vi phạm nêu trên chiếm tới gần 50% phương tiện. Nếu áp dụng xử phạt theo Nghị định mới, chắc chắn người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông sẽ cẩn trọng, từ đó có ý thức chấp hành luật khi điều khiển phương tiện. Điển hình, hành vi vi phạm nồng độ cồn, tăng mức phạt tiền từ mức 10-15 triệu đồng (trước đây) lên 16-18 triệu đồng/trường hợp có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu, hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở (mức 3); đồng thời tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng thay vì 2 - 4 tháng (quy định trước đây). Với người điểu khiển mô-tô, xe máy, mức phạt tăng lên 3-4 triệu đồng. Hay hành vi không chấp hành tín hiệu đèn, ô-tô tăng từ 700.000 đồng lên 1,6 triệu đồng; mô-tô từ 150.000 đồng lên 350.000 đồng...
Tập trung kiểm tra, xử lý 5 lỗi vi phạm phổ biến này, lực lượng CSGT cũng tiến hành lập các chuyên đề xử lý theo từng lỗi và có thống kê, đánh giá so sánh so với thời gian chưa áp dụng tăng mức phạt. Song song với xử phạt, chúng tôi cũng phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện.
PV: Những ngày đầu ra quân xử lý theo Nghị định mới, báo chí và dư luận đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc xử phạt lỗi vi phạm vượt đèn vàng. Cũng có ý kiến cho rằng, vượt đèn vàng mức phạt như vượt đèn đỏ thì nên chăng bỏ luôn đèn vàng, chỉ để lại đèn xanh kèm theo thông báo hiển thị thời gian đếm ngược về 0 để người dân dễ quan sát, chấp hành. Ý kiến của Đại tá?
Đại tá Lê Ngọc: Đúng là 2 ngày đầu ra quân xử lý, CBCS làm nhiệm vụ cũng tiếp nhận rất nhiều phản ánh từ người đi đường về việc xử phạt đèn vàng. Tuy nhiên, câu chuyện có nên bỏ đèn vàng như nhiều ý kiến phản ánh từ cách đặt câu hỏi của báo chí đến dư luận nhân dân, tôi nghĩ Chính phủ và các Bộ ngành sẽ có tiếp thu, họp bàn và đưa ra quyết định trong thời gian đến. Riêng nói về phạt lỗi vượt đèn vàng, qua nghiên cứu các Nghị định trước đây và Nghị định mới lần này, không phải trường hợp nào vượt đèn vàng cũng đều vi phạm luật. Tại mục 3, điều 10 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định rất rõ: Tín hiệu đèn giao thông có 3 màu (tín hiệu xanh là được đi; tín hiệu đỏ cấm đi và tin hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng), trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Như vậy, không phải trường hợp nào vượt đèn vàng cũng vi phạm, cũng bị xử phạt. Ví dụ, nếu người điều khiển phương tiện đã đi quá vạch dừng đèn mới chuyển sang màu vàng thì người điều khiển phương tiện vẫn có quyền đi tiếp. Ngược lại, nếu đi chưa đến vạch dừng nhưng đèn đã chuyển vàng nhưng người điều khiển phương tiện không dừng lại, cố tình tăng ga đi tiếp sẽ bị xử lý. Thực tế thời gian qua cho thấy, rất nhiều người điều khiển phương tiện khi gần đến ngã ba, ngã tư thấy đèn vàng, thay vì giảm tốc độ và dừng trước vạch dừng lại cố tình đạp ga tăng tốc qua ngã ba, ngã tư, tạo ra xung đột với các dòng phương tiện được phép di chuyển, rất dễ dẫn đến va quệt, gây TNGT. Hành vi này sẽ bị xử phạt, tuy nhiên mức phạt theo quy định cũ nhẹ hơn vượt đèn đỏ. Nhưng tại Nghị định mới, hành vi này sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ. Với tư cách là người thuộc cơ quan thực thi pháp luật, xử lý các lỗi vi phạm hành chính trên lĩnh vực giao thông đường bộ, tôi lưu ý và mong rằng, mỗi người dân khi tham gia giao thông cần chú ý quan sát kỹ các tín hiệu đèn để thực hiện đúng luật giao thông.
PV: Xin cảm ơn Đại tá Lê Ngọc về cuộc trao đổi này!
Công Hạnh
(thực hiện)