Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII:

Nâng Pháp lệnh phí và lệ phí lên thành luật

Thứ ba, 07/04/2015 10:10

(Cadn.com.vn) - Ngày 6-4, Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã khai mạc tại Nhà Quốc hội với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, các Phó Chủ tịch Quốc hội và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan.

Trọng tâm của Phiên họp lần này là việc thẩm tra, cho ý kiến và các dự án luật dự kiến sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 tới. Theo đó, nội dung hàng đầu vẫn là việc triển khai thi hành Hiến pháp 2013 và việc đảm bảo quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân qua các hệ thống pháp luật thực hành.

Ngoài ra, trong chương trình làm việc, các đại biểu cũng nghe Đoàn giám sát báo cáo về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật. Phiên họp dự kiến diễn ra trong 5 ngày.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp. 

Nhiều loại phí, lệ phí đã lạc hậu

Chiều 6-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận về dự án Luật phí và lệ phí. Tờ trình của Chính phủ cho thấy dự án Luật đã khắc phục tồn tại của pháp luật phí, lệ phí hiện hành. Qua 13 năm thực hiện pháp lệnh, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội, chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa dịch vụ công, cũng như cải cách thủ tục hành chính thì một số khoản phí, lệ phí hiện hành đã lạc hậu, không còn phù hợp, cần rà soát hoàn thiện để khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công, nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp. Dự thảo Luật phí và lệ phí gồm 6 Chương, 22 Điều.

Thẩm tra bước đầu dự án Luật, trên cơ sở tán thành về sự cần thiết ban hành Luật phí và lệ phí để tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ và thuận lợi trong quản lý thu, nộp và sử dụng phí và lệ phí, Ủy ban Tài chính- Ngân sách thống nhất đánh giá: phí và lệ phí là các khoản thu liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân nên cần thiết phải nâng Pháp lệnh phí và lệ phí lên thành luật để đảm bảo địa vị pháp lý.

Danh mục phí và lệ phí kèm theo Pháp lệnh phí và lệ phí hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn, một số khoản phí đã chuyển sang cơ chế giá dịch vụ; một số khoản phí có tên trong Danh mục nhưng chưa phát sinh; một số loại phí, lệ phí cần được bãi bỏ để phù hợp với tình hình mới, giảm thủ tục hành chính và chi phí hành thu...

Qua thảo luận, nhiều ý kiến UBTVQH cho rằng trong hệ thống luật hiện hành có nhiều quy định liên quan đến phí và lệ phí nhưng chưa được hệ thống hóa, quy định thống nhất trong Pháp lệnh phí và lệ phí. Do vậy, để đảm bảo đồng bộ, toàn diện, đầy đủ của Luật phí và lệ phí, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát, hệ thống hóa đầy đủ các quy định của hệ thống pháp luật liên quan đến phí và lệ phí với dự án Luật phí và lệ phí.

Một số ý kiến nhấn mạnh dự thảo Luật phải bảo đảm tuân thủ Hiến pháp, tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật về thuế và quản lý ngân sách Nhà nước; phù hợp với Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020; thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước về đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và đổi mới chính sách phí và lệ phí.

UBTVQH đã cho ý kiến cụ thể vào danh mục phí, lệ phí; chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí; thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước về quản lý phí và lệ phí... Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc trình dự thảo Luật phí và lệ phí trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 tới đây.

Việc xây dựng Luật An toàn thông tin là cần thiết

Tại buổi làm việc đầu tiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với dự án Luật An toàn thông tin. Việc xây dựng Luật An toàn thông tin là cần thiết nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, góp phần giải quyết 7 vấn đề quan trọng như: Tấn công mạng; phát tán thư rác, mã độc; lưu hành phần cứng, phần mềm có độc hại; rao bán thông tin cá nhân bất hợp pháp; bảo vệ lợi ích quốc gia trên mạng; phát triển nguồn nhân lực và phát triển sản phẩm, thị trường.

Các ý kiến đóng góp tại buổi làm việc đề nghị cơ quan soạn thảo cần bám sát định hướng xây dựng dự thảo luật trên cơ sở tinh thần Điều 21 của Hiến pháp năm 2013 đã đề cập đến quyền được bảo đảm an toàn đối với “thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình... mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác”. Do đó, phạm vi thông tin trong đối tượng điều chỉnh của dự thảo là rất rộng, không chỉ là thông tin được số hóa, được trao đổi thông qua các phương tiện điện tử hay mạng Internet.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son, việc xây dựng Luật An toàn thông tin nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về an toàn thông tin theo hướng áp dụng các quy định pháp luật một cách đồng bộ, khả thi trong thực tiễn thi hành; phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an toàn thông tin, phát triển lĩnh vực an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

 Sáng cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã tới dự Lễ khai trương và chính thức bấm nút phát hành Cổng thông tin điện tử Quốc hội tại địa chỉ www.quochoi.vn.

Thu Thủy – TTXVN