Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành “quốc bảo” ngành dược liệu
(Cadn.com.vn) - Quảng Nam là địa phương duy nhất trong cả nước được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 2 chỉ dẫn địa lý: “Trà My” cho sản phẩm quế vỏ vào năm 2014 và “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ vào năm 2016. Mới đây, sâm Ngọc Linh đã được công nhận trở thành sản phẩm quốc gia. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng sâm Ngọc Linh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Quảng Nam đang tìm nhiều giải pháp nhằm nâng tầm và phát triển tên tuổi sâm xứ Quảng.
Một điểm trồng sâm Ngọc Linh tại H. Nam Trà My. |
Thành lập Hội sâm Ngọc Linh
Việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam hiện nay vẫn ở quy mô nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh đặc hữu của vùng. Số hộ trồng sâm còn ít, các doanh nghiệp cũng chưa thực sự “mặn mà” với dự án phát triển cây sâm quý. Mặc dù, giá trị kinh tế mà cây sâm mang lại khá cao, giá sâm tươi từ 30 - 40 triệu đồng/kg, 1ha sâm Ngọc Linh sau 5 năm sẽ thu lời khoảng 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngoài mặt hàng sâm thành phẩm của Công ty CP Thương mại Dược – sâm Ngọc Linh và một số điểm trồng sâm của đồng bào dân tộc thiểu số thì Sâm Ngọc Linh vẫn chưa thực sự tiếp cận đến người tiêu dùng. Để tạo tiền đề phát triển cây sâm, ngày 20-6, Sở KH&CN tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp với các sở, ban ngành liên quan và các doanh nghiệp nuôi trồng, kinh doanh các sản phẩm từ sâm củ Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh nhằm lấy ý kiến chuẩn bị ra mắt Hội Sâm Ngọc Linh.
Tại H. Nam Trà My, xác định chọn thôn 2, thôn 4, thôn 5 xã Trà Nam và thôn 2, thôn 3 xã Trà Cang, tại đây sẽ xây dựng vườn Sâm Tắc Ngo để mở rộng diện tích vùng sâm trên địa bàn huyện. Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Từ các nguồn vốn khác nhau, UBND huyện đã hỗ trợ cho nhân dân các xã trung bình từ 20.000 - 30.000 cây sâm giống. Do vậy, đến nay, nhân dân tại 3 xã: Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang đang hình thành 27 điểm trồng sâm, với hơn 653.500 cây sâm bao gồm nhiều độ tuổi khác nhau. HĐND H. Nam Trà My đã ban hành Nghị quyết Phát triển cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện đến năm 2020. Theo Nghị quyết này, từ nay đến năm 2020, Nam Trà My sẽ hình thành và hoàn thiện 2 địa điểm bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh. Trong đó, vùng bảo tồn là thôn 2, thôn 3, thôn 4 xã Trà Linh và thôn 2 (Tắc Râng) xã Trà Cang, đảm bảo cung cấp đủ lượng cây giống cho nhân dân xã Trà Linh, một số thôn của xã Trà Nam, Trà Cang nuôi trồng, phát triển thành vùng sâm nguyên liệu”.
Không chỉ trồng, cần quảng bá sản phẩm từ sâm
Tại Hội thảo “Giải pháp phát triển sâm Ngọc Linh” tổ chức ngày 12-6 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam xác định đầu tư phát triển cây sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu quý hiếm khác là hướng đi chủ lực để người dân miền núi xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Nhưng khai thác như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất là vấn đề đang đặt ra. Ông Hồ Quang Bửu cho biết khi phát triển sâm thành sản phẩm quốc gia, cần có cơ chế cho các nhà khoa học nghiên cứu các sản phẩm sâm. Bên cạnh trồng sâm, cần quan tâm quảng bá cây sâm Ngọc Linh bằng nhiều hình thức khác nhau. Ông Bửu cũng thông tin đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu giống chuẩn, cung cấp số lượng lớn và có dự án mang tầm quốc gia trồng cây sâm ở những vùng có độ cao từ 1.000 m đến 2.400 m để có thể nhân rộng, phát triển cây sâm quý và đưa ra tiêu chuẩn quốc tế cho cây sâm để hướng đến xuất khẩu.
Bên cạnh việc tiếp tục đầu tư và củng cố Trạm dược liệu Trà Linh (thuộc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam), cũng như Trại giống sâm Tắc Ngo, đưa diện tích 2 vườn sâm giống này lên 75 ha làm khu bảo tồn và phát triển giống sâm, huyện sẽ đẩy mạnh việc xúc tiến, có cơ chế ưu đãi thu hút các doanh nghiệp đầu tư trồng sâm, hỗ trợ cây giống và kỹ thuật. Không chỉ mở rộng diện tích trồng sâm Ngọc Linh, huyện còn chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đường giao thông, hệ thống điện lưới và hệ thống thông tin liên lạc, xúc tiến quảng bá thương hiệu cây sâm cho các doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước
Nói về cây sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết: “Quảng Nam xác định phát triển cây sâm Ngọc Linh là cây đặc hữu chỉ duy nhất vùng núi Ngọc Linh Quảng Nam và Kon Tum mới có. Vì vậy làm thế nào để phát triển mạnh cây sâm Ngọc Linh trở thành cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế là vấn đề được đặt ra. Việc khai thác hiệu quả kinh tế từ cây sâm đã và đang đặt ra nhiều thách thức cho Quảng Nam và tỉnh Kon Tum, nơi duy nhất có loại cây dược liệu quý hiếm này. Theo Đề án xây dựng và phát triển Sâm Ngọc Linh, để Sâm Ngọc Linh có chỗ đứng xứng tầm “quốc bảo” ngành dược liệu cần phải tạo ra các sản phẩm dược liệu từ cây sâm mang thương hiệu đặc trưng xứ Quảng. Đó là hướng đi sắp tới của Quảng Nam”.
ĐỒNG DAO
Cùng với sâm Ngọc Linh, Hội Quế Trà My có văn phòng hoạt động đặt tại Công ty CP Thương mại - dược sâm Ngọc Linh Quảng Nam. Thời gian đến sẽ mở rộng, nâng cấp Hội Quế Trà My thành Hội Sâm Ngọc Linh và quế Trà My Quảng Nam, theo sự thống nhất chủ trương của UBND tỉnh ngày 8-6-2017. Dự kiến tháng 10-2017, Hội Quế Trà My sẽ tổ chức đại hội bất thường để đổi tên hội, tiến hành vận động các tổ chức, cá nhân các địa phương Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn tham gia hội. Việc nâng cấp Hội Quế Trà My thành Hội Sâm Ngọc Linh và quế Trà My Quảng Nam sẽ phát huy được chỉ dẫn địa lý, liên kết, hỗ trợ nhau về kinh tế - kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh dược liệu quý, đại diện và bảo vệ lợi ích hợp pháp của hội viên. Từ đây sẽ quảng bá, xúc tiến thương mại, phát triển danh tiếng và nâng cao giá trị kinh tế các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức in, cấp tem chỉ dẫn địa lý trong hoạt động thương mại... |