Náo nức làm homestay ở Mỹ Sơn

Thứ tư, 14/11/2012 00:00

(Cadn.com.vn) - Cuối năm ngoái, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật "Tăng cường các hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền của tỉnh Quảng Nam" do Chính phủ Luxembourg tài trợ thông qua Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Mỹ Sơn là một trong những nơi triển khai của dự án; thông qua việc thực hiện mô hình homestay gắn kết với hoạt động du lịch trong khu di tích, hy vọng, lần đầu tiên người dân vùng tây H. Duy Xuyên (Quảng Nam) được thực sự hưởng lợi từ du lịch.

Giải pháp homestay

Nhắc đến thánh địa Mỹ Sơn là nhắc đến một trong những trung tâm đền đài chính của Ấn Độ giáo ở Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam. Mỹ Sơn cũng đã được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, việc khai thác du lịch cũng được triển khai ở đây từ hàng chục năm qua. Thế nhưng, cũng trong mấy chục năm đó, như nhiều địa điểm du lịch khác, người dân vùng Tây Duy Xuyên chưa thực sự được hưởng lợi việc khai thác du lịch. Tất cả chỉ là một vài hàng quán tranh tre được gắn biển Restaurant mọc lên bên con đường tỉnh lộ DT 610 dẫn đến khu di tích, khách chỉ đến tham quan khu thánh địa và mua một số hàng lưu niệm rồi về mà không lưu lại qua đêm...

Tại bờ biển Quảng Nam, những dự án sân golf, những khách sạn... đua nhau mọc lên; thế nhưng, ở những vùng rừng núi thâm sâu, hạ tầng du lịch ít được đầu tư, sự hưởng lợi của người dân từ du lịch dường như bị bỏ ngỏ. Trước tình hình đó, dự án "Tăng cường các hoạt động du lịch tại các huyện sâu trong đất liền của tỉnh Quảng Nam" với tổng kinh phí 1.350.000 USD được triển khai tại Quảng Nam sẽ góp phần cải thiện thực trạng này; bởi, một trong những mục tiêu của dự án là nhằm hướng tới giảm nghèo, tạo cơ hội cho người dân ở các huyện vùng sâu trong đất liền của tỉnh Quảng Nam có công ăn việc làm tốt hơn thông qua việc phát triển du lịch trong cộng đồng.

 Lớp tập huấn du lịch homestay cho 5 hộ dân được dự án chọn lựa.

Phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam, Ban quản lý di tích Mỹ Sơn, Phòng VHTT H. Duy Xuyên và UBND xã Duy Phú (Duy Xuyên), từ đầu năm nay, trong số 45 hộ dân thôn Mỹ Sơn được UBND xã Duy Phú đề bạt, tổ chức ILO đã tổ chức khảo sát và chọn ra được 5 nhà dân để thực hiện mô hình du lịch homestay, đó là: hộ ông Nguyễn Đức Nha, ông Hồ Cư, Võ Hữu Đại, bà Nguyễn Thị Hồng Anh, Lại Thị Vân (cùng trú tại thôn Mỹ Sơn); từ đó đã thành lập Ban Quản lý du lịch Cộng đồng Mỹ Sơn với trưởng ban là ông Nguyễn Đức Nha - một người dân được dự án chọn lựa. Dự án cũng đã thành lập tổ tư vấn cho Ban quản lý du lịch cộng đồng là các nhân viên, cán bộ của Sở VH - TT & DL, Phòng VH - TT H. Duy Xuyên, Ban Quản lý di tích Mỹ Sơn, UBND xã Duy Phú.

Từ đầu năm nay, ILO cũng đã tổ chức nhiều hội thảo, nhiều lớp tập huấn cho 5 hộ dân được dự án chọn lựa, cho các lãnh đạo xã Duy Phú về mô hình du lịch homestay, với các nội dung như hướng dẫn du lịch, cách sắp xếp khách ăn ở tại nhà, cách dẫn khách tham quan... Đồng thời, thông qua Cty cổ phần Du lịch Trà Kiệu, tổ chức ILO đã hỗ trợ cho mỗi hộ dân (được dự án chọn) số tiền 3.000 USD (15.000 USD cho 5 hộ dân). Từ số tiền này, Cty Du lịch Trà Kiệu đã đầu tư sửa sang lại nhà cửa của 5 hộ dân, xây phòng ngủ đón được 4 khách, có lắp điều hòa nhiệt độ; xây nhà vệ sinh, phòng tắm... tạo điều kiện tốt nhất cho khách ở lại. Cty Du lịch Trà Kiệu cũng hứa hẹn đưa khách về khi mô hình đi vào hoạt động.

Bà Phạm Thị Thu Vân - Cán bộ phụ trách du lịch Phòng VH - TT H. Duy Xuyên, bày tỏ: "Với Mỹ Sơn, việc thực hiện mô hình du lịch homestay từ đầu năm nay sẽ là một bước ngoặt lớn trong việc phát triển du lịch địa phương, tạo điều kiện người dân vùng Tây Duy Xuyên được hưởng lợi thật sự từ du lịch".

Tiểu cảnh của nhà ông Hồ Cư phục vụ homestay. 

"Mỹ Sơn không chỉ có Thánh địa..."

Những ngày này, ông Hồ Cư (thôn Mỹ Sơn) đang bận rộn hoàn thiện những công đoạn cuối cùng của việc sửa sang nhà cửa, xây dựng các hạng mục như phòng ngủ, buồng tắm, nhà vệ sinh... phục vụ homestay. Trước sân nhà, ông làm một tiểu cảnh: có ngõ đá hoang sơ rêu xanh, lưa thưa những chùm hoa tím ngát dẫn vào một "khu vườn" có bàn đá, ghế đá, nhìn quanh là thấy những chum vại, những chậu hoa được sắp xếp một cách nghệ thuật. "Tiểu cảnh này căn bản đã hoàn thành, còn phòng ngủ, nhà tắm cũng sắp hoàn thành. Nhà homestay của tôi chuẩn bị sẵn sàng đón khách" - ông Cư nói.

4 hộ dân còn lại cũng đang vào giai đoạn nước rút để hoàn thành những hạng mục homestay trước mùa mưa bão. Theo chương trình của dự án, khách du lịch đến Mỹ Sơn, ngoài việc tham quan khu đền tháp, sẽ lưu trú trong nhà của 5 hộ dân, cùng ăn cùng ngủ với dân. Ngoài ra, ngôi nhà mái tranh vách đất của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ tại thôn Mỹ Sơn cũng được dự án chọn trở thành nhà sinh hoạt cộng đồng; ở đó, trước sân nhà, hằng đêm, Ban quản lý du lịch cộng đồng sẽ tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống của Quảng Nam, như hát bài chòi, hát sắc bùa... cho du khách vui chơi, thưởng thức. Ông Trần Sáu, trưởng thôn Mỹ Sơn, cho biết: "Ban dân chính thôn cũng đã triển khai việc vận động kinh phí để xây dựng một cổng chào vào làng du lịch homestay Mỹ Sơn, vận động người dân trong thôn khôi phục lại các thói quen sinh hoạt cổ truyền, các nghề truyền thống như giã gạo, làm đá... Đồng thời, được sự hỗ trợ của phòng VH - TT huyện, thôn cũng xúc tiến thành lập một ban nhạc cổ để phục vụ hát bài chòi, hát sắc bùa phục vụ du khách".

Khi được hỏi về việc, ngoài những hoạt động trên, khách sẽ còn được thụ hưởng những dịch vụ nào nữa, ông Nguyễn Đức Nha nói: "Ở đây không thiếu những chỗ để khách tham quan. Bởi Mỹ Sơn không chỉ có thánh địa Mỹ Sơn". Theo ông Nha, từ trước đến nay, nhiều khách Tây cũng đã lưu trú qua đêm tại nhà dân. Tại cánh đồng khô Mỹ Sơn (cánh đồng sử dụng nước trời, chỉ có vụ đông); khách du lịch đã từng cùng người dân trồng lúa, trỉa đậu, cày bừa...Cánh đồng khô này đang được huyện hỗ trợ kinh phí để dồn điền đổi thửa, sắp tới sẽ phục vụ đắc lực cho du lịch cộng đồng. Ông Nha cũng tính đến việc, học tập từ Thái Lan, sẽ mua mấy con trâu hiền về cho huấn luyện thuần thục, để khách cưỡi dạo quanh đồng!

Khách cũng sẽ được tham quan những di tích khác như ao Vuông, cốc dinh (một cây cốc cổ thụ, bên cạnh thờ dinh Bà); hang ông Lai (Hoàng Văn Lai); khám phá Giếng tiên, một vũng nước trong veo không bao giờ cạn chứa giữa triền đá; tham quan vết tích đình Mỹ Sơn - ngôi đình đã được vua triều Nguyễn ban sắc phong. Khách cũng có thể đi sâu vào chân hòn Đền để khám phá một tảng đá kỳ bí có khắc 3 chữ hán: "Vua Trấn Thủ", và nếu có sức, thì leo lên đỉnh hòn Đền... "Chúng tôi sẽ tận dụng tất cả những gì có ở địa phương để làm du lịch, và tôi tin chắc sẽ thành công" - ông Nha nói.

Còn bà Phạm Thị Thu Vân thì cho biết thêm, khi mô hình homestay đi vào hoạt động, khách sẽ được cung cấp các dịch vụ như tour ngắn đi quanh làng trong nửa ngày; chèo thuyền kazak câu cá trên hồ Thạch Bàn. Xa hơn một chút, khách có thể đạp xe thăm làng nghề gốm sứ La Tháp, bánh tráng Duy Châu, lăng bà Thu Bồn, di tích Đức Dục... Dự tính đầu năm 2013, mô hình homestay tại Mỹ Sơn sẽ đi vào hoạt động; người dân vùng Tây Duy Xuyên đang háo hức đón chào một cơn gió du lịch mới, mang tên homestay.

Mai Thành Dũng