NATO cam kết bảo vệ lãnh thổ trước Nga

Thứ bảy, 02/07/2022 13:54
Phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 1-7, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, các đồng minh quân sự phương Tây phải có trách nhiệm ngăn cuộc chiến tại Ukraine lan sang các quốc gia khác, đồng thời khẳng định "NATO sẽ bảo vệ từng cen-ti-mét lãnh thổ". Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo nhiều nước như: Mỹ, Canada, Pháp, Anh... cho biết sẽ cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine để duy trì cuộc chiến dài hạn với Nga.
Các nhà lãnh đạo chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: THX
Các nhà lãnh đạo chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha. Ảnh: THX

Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra tại Madrid, Tây Ban Nha, trong ba ngày (28 đến 30-6), được coi là sự kiện mang tính bước ngoặt của khối quân sự này với nhiều quyết sách quan trọng được thông qua, trong đó có quyết định mở rộng khối, cải tổ lực lượng phản ứng, cũng như vạch ra định hướng chiến lược trong giai đoạn tới. Các nhà lãnh đạo đã nỗ lực tìm kiếm những biện pháp ứng phó trong bối cảnh địa chính trị có nhiều bất ổn, được đánh dấu bằng sự cạnh tranh quyền lực giữa các nước lớn và rất nhiều mối đe dọa, từ các cuộc tấn công mạng đến biến đổi khí hậu. Hội nghị đã thảo luận nhiều vấn đề nổi bật trong đó có những "thách thức nghiêm trọng" từ phía Nga, Trung Quốc, đặc biệt cuộc chiến Nga-Ukraine là điều được quan tâm nhiều hơn cả.

Theo ông Stoltenberg, một thế giới bất ổn có thể trở nên nguy hiểm hơn nếu NATO không duy trì sự mạnh mẽ và đoàn kết. Tổng Thư ký NATO cho biết: "Chúng ta đang sống trong một thế giới nguy hiểm và khó đoán hơn. Chúng ta đang chứng kiến một cuộc chiến khốc liệt đang diễn ra ở châu Âu. Đồng thời chúng ta cũng biết rằng cuộc chiến này có thể trở nên tồi tệ hơn". "Đó là lý do tại sao các đồng minh quân sự phương Tây phải có trách nhiệm ngăn cuộc chiến tại Ukraine lan sang các quốc gia khác, trong khi gửi thông điệp cứng rắn với Nga rằng "NATO sẽ bảo vệ từng cen-ti-mét lãnh thổ", ông Stoltenberg nêu rõ.

Cải tổ mạnh mẽ

Theo Tổng Thư ký NATO Stoltenberg, NATO đang bước vào "kỷ nguyên mới của cạnh tranh chiến lược" với những thách thức hoàn toàn mới, đặc biệt từ Nga. Để thích ứng, các lãnh đạo NATO muốn thực hiện một chương trình tái vũ trang quy mô lớn với tên gọi "chuyển đổi Lực lượng phản ứng", tức là tăng cường mạnh mẽ cả về quân số lẫn các khả năng quân sự, tạo ra một cuộc cải tổ lớn nhất cho hệ thống phòng thủ và răn đe tập thể của khối này kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Mục đích là xây dựng một lực lượng đa quốc gia có khả năng can thiệp nhanh và rộng khắp ở cả trên bộ, trên không và trên biển cũng như trong các chiến dịch đặc biệt.

Trong "định dạng mới", NATO dự kiến sẽ tăng quân số lực lượng sẵn sàng chiến đấu lên hơn 300.000 binh sĩ, trong đó sẽ nâng các nhóm tác chiến ở sườn phía Đông lên cấp độ lữ đoàn hoặc sư đoàn. Tổng Thư ký NATO nhấn mạnh để tái vũ trang trên quy mô lớn, các nước thành viên sẽ phải đầu tư nhiều hơn, ít nhất phải đạt mức 2% GDP như đã cam kết cho chi tiêu quốc phòng vào năm 2024.

Tiếp tục đổ vũ khí vào Ukraine

Sau khi Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid kết thúc, lãnh đạo nhiều nước như Mỹ, Canada, Pháp, Anh… cho biết sẽ cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine để duy trì cuộc chiến dài hạn với Nga.

Mỹ sẽ sớm công bố khoản viện trợ vũ khí bổ sung trị giá 800 triệu USD cho Ukraine, tuyên bố sẽ hỗ trợ Kiev "lâu nhất có thể". Phát biểu sau Hội nghị, Tổng thống Biden khẳng định, Mỹ và các đồng minh NATO đoàn kết trong việc đối phó với Nga. "Mỹ đang làm những gì mà tôi đã nói sau khi Nga đưa quân vào Ukraine để tăng cường sức mạnh tại châu Âu. Điều này được thể hiện qua việc chúng tôi tăng cường tàu chiến, sức mạnh phòng không tại Tây Ban Nha, Italy, Đức, Anh cũng như củng cố sườn phía Đông như bổ sung quân tại các nước Ba Lan, Romania. Tất cả điều này nằm trong sự phản ứng chung của NATO để giúp Ukraine tự vệ". Nếu chính thức được công bố, lô vũ khí mới sẽ nâng tổng số viện trợ của Mỹ cho quân đội Ukraine vượt mức 6,1 tỷ USD trong vòng hơn 4 tháng qua.

Không chỉ có Mỹ, nguyên thủ các nước như Canada, Pháp cũng tuyên bố cung cấp hỗ trợ vũ khí và khí tài như pháo tự hành, xe bọc thép, xe hỗ trợ chiến đấu, hệ thống phòng không và thiết bị chiến tranh điện tử mới cho Ukraine.

Chỉ khiến cuộc chiến kéo dài

Việc phương Tây cam kết hỗ trợ thêm vũ khí cho Ukraine đã ngay lập tức vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ phía Nga khi Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố, điều này chỉ khiến cuộc chiến kéo dài. Trả lời phỏng vấn báo giới, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cảnh báo, tiến trình đóng "Bức màn sắt mới" giữa Nga và phương Tây đã bắt đầu bởi EU hoàn toàn không quan tâm tới việc hiểu cho những lợi ích của Nga. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng nhấn mạnh, các nước phương Tây càng gửi nhiều vũ khí đến Ukraine thì xung đột ở nước này càng kéo dài. "Chúng tôi đã nhiều lần bình luận về các kế hoạch của Mỹ và châu Âu nhằm đưa các loại vũ khí mới và khác nhau vào Ukraine. Đối với chúng tôi, dường như đường lối mà phương Tây thực hiện là hoàn toàn phản tác dụng và có hại. Họ càng bơm vũ khí vào Ukraine, cuộc xung đột này càng kéo dài thì sự thống khổ vốn được các nước phương Tây ủng hộ, sẽ còn tiếp tục".

AN BÌNH