NATO tìm đến Hàn Quốc và Nhật Bản

Thứ ba, 31/01/2023 10:51
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã đến thủ đô Seoul của Hàn Quốc, điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Hàn Quốc và Nhật Bản của ông. Chuyến đi nhằm mục đích tăng cường quan hệ của NATO với các đồng minh của Mỹ trước cuộc chiến Ukraine và sự cạnh tranh với Trung Quốc.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) bắt tay Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin trong cuộc gặp tại Seoul ngày 29-1. Ảnh: Reuters
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) bắt tay Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin trong cuộc gặp tại Seoul ngày 29-1. Ảnh: Reuters

Yonhap đưa tin: Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol trong chuyến công du kéo dài 4 ngày bắt đầu ở Seoul vào 29-1. Ngoài ra, Tổng thư ký NATO cũng sẽ gặp Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin và các quan chức cấp cao khác. Yonhap cho biết thêm, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng sẽ thăm Hàn Quốc trong tuần tới. Trong chuyến công du châu Á, ông Stoltenberg cũng sẽ tới Nhật Bản, hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.

Chuyến đi của ông Stoltenberg diễn ra sau lần tham dự chưa từng có của các nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid vào tháng 6-2022. Khi đó, liên minh quân sự này đánh giá Trung Quốc là thách thức hệ thống đối với an ninh châu Âu - Đại Tây Dương. Cả Hàn Quốc và Nhật Bản đều đang tìm cách tăng cường quan hệ với NATO trước các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên cũng như căng thẳng gia tăng với Trung Quốc.

Bình luận về chuyến thăm Seoul, ông nhấn mạnh: "Thông điệp quan trọng nhất là tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng chúng ta cần tăng cường quan hệ đối tác giữa Hàn Quốc và NATO vì lĩnh vực an ninh ngày càng có tính gắn kết…". Quan chức NATO nói rằng tổ chức này sẽ vẫn là "liên minh khu vực của Bắc Mỹ và châu Âu". Tổng thư ký Stoltenberg bày tỏ mong muốn được trao đổi với Tổng thống Yoon Suk-yeol về các lĩnh vực hợp tác song phương như an ninh mạng và công nghệ. Ông để ngỏ ý định mời nhà lãnh đạo Hàn Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO năm nay.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol đặc biệt tìm cách làm sâu sắc thêm mối quan hệ của Hàn Quốc với liên minh xuyên Đại Tây Dương, thể hiện qua việc thành lập phái bộ ngoại giao của nước này tại NATO vào tháng 11 năm ngoái và ông Yoon Suk-yeol tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 6-2022.

Kêu gọi Hàn Quốc tăng hỗ trợ quân sự cho Ukraine

Phát biểu tại Viện Nghiên cứu Cao cấp Chey ở Seoul ngày 29-1, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảm ơn Hàn Quốc vì đã cung cấp các mặt hàng viện trợ phi sát thương cho Ukraine, nhưng kêu gọi nước này làm nhiều hơn nữa, đồng thời cho biết Ukraine đang có "nhu cầu cấp bách" về đạn dược.

Hàn Quốc đã ký hợp đồng bán hàng trăm xe tăng, tiêm kích và các vũ khí khác cho Ba Lan, thành viên NATO, kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nói rằng chính sách của nước này nghiêm cấm cung cấp vũ khí cho các quốc gia có xung đột, nên khó có thể viện trợ khí tài cho Ukraine.

Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, Hàn Quốc đã tìm cách tránh đối đầu với Nga, cả vì lý do kinh tế và khả năng Moscow tác động đến vấn đề Triều Tiên. Nước này đã cung cấp viện trợ nhân đạo hàng chục triệu USD và 20 loại thiết bị quân sự phi sát thương, trong đó có mũ chống đạn và trang bị y tế cho Ukraine. Tuy nhiên, ông Stoltenberg lưu ý rằng các quốc gia như Đức, Thụy Điển và Na Uy từng áp dụng chính sách tương tự Hàn Quốc, nhưng đến nay đã thay đổi. Theo ông, các nước cần cung cấp vũ khí cho Ukraine nếu "không muốn Nga chiến thắng".

Triều Tiên chỉ trích

Trong bài viết do hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải hôm 30-1, Kim Tong-myong, nhà nghiên cứu chính trị quốc tế, cho biết chuyến đi hiện tại của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tới Đông Bắc Á dường như nhằm mục đích "xúi giục" việc tạo ra phiên bản châu Á của NATO. "Chuyến đi của Tổng thư ký NATO tới Hàn Quốc và Nhật Bản là tiền đề cho đối đầu và chiến tranh, vì động thái này kéo theo đám mây đen của một cuộc "Chiến tranh Lạnh mới" cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương", ông Kim bình luận.

Trong bài viết do hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải hôm 30-1, Kim Tong-myong, nhà nghiên cứu chính trị quốc tế, cho biết chuyến đi hiện tại của Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tới Đông Bắc Á dường như nhằm mục đích "xúi giục" việc tạo ra phiên bản châu Á của NATO. "Chuyến đi của Tổng thư ký NATO tới Hàn Quốc và Nhật Bản là tiền đề cho đối đầu và chiến tranh, vì động thái này kéo theo đám mây đen của một cuộc "Chiến tranh Lạnh mới" cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương", ông Kim bình luận.

AN BÌNH