Neil Armstrong - những phút giây lịch sử
(Cadn.com.vn) - Nhà du hành vũ trụ Neil Armstrong, người đầu tiên trong lịch sử đặt chân lên mặt trăng, qua đời hôm 25-8, thọ 82 tuổi. Cùng với hành động lưu dấu lịch sử của mình, ông Armstrong còn để lại câu nói bất hủ: “Đây là bước chân nhỏ bé của một con người, nhưng là bước nhảy vĩ đại của nhân loại”.
Theo nguồn tin từ gia đình, nguyên nhân khiến ông Armstrong qua đời là do có biến chứng sau cuộc phẫu thuật tim hồi đầu tháng khi các bác sĩ phát hiện ông bị nghẽn động mạch vành. Tổng thống Mỹ Barack Obama chia buồn sâu sắc trước sự ra đi của nhà du hành vũ trụ đồng thời ca ngợi ông là người đã truyền nguồn cảm hứng cho cả một thế hệ khát vọng vươn tới các vì sao.
GIÂY PHÚT LỊCH SỬ
Ngày 20-7-1969, Armstrong làm nên lịch sử khi chỉ huy tàu Apollo-11 thực hiện sứ mệnh quan trọng chinh phục Mặt trăng trong cuộc đua không gian giữa Liên Xô và Mỹ.
Armstrong cùng với 2 phi hành gia, là Buzz Aldrin và Michael Collins bay lên mặt trăng từ ngày 16-7 trước sự chứng kiến của hơn 500 triệu người trên khắp thế giới - bằng khoảng 1/5 dân số lúc bấy giờ - qua màn ảnh truyền hình. Ông cùng với nhà du hành vũ trụ Buzz Aldrin lái tàu đổ bộ Eagle tách khỏi tàu vũ trụ Apollo 11 hạ cánh xuống bề mặt mặt trăng trong khi phi công chỉ huy tàu, Michael Collins vẫn ở lại quỹ đạo chờ đợi họ trở về. Khi đó tàu Eagle sắp hết nhiên liệu. 6 tiếng đồng hồ sau họ bước ra khỏi tàu Eagle và tận mắt nhìn thấy quang cảnh mặt trăng mà sau này họ mô tả là giống như sa mạc ở nước Mỹ. Rồi 2 người đi bộ trên mặt trăng kéo dài 2 giờ 19 phút.
Đó là thời gian đủ dài để các phi hành gia để lại dấu chân của họ trên bề mặt mặt trăng, cắm cờ Mỹ, chụp nhiều bức hình, lắp đặt một camera truyền hình và các thiết bị khoa học cũng như thu thập các mẫu đá, sau đó quay trở lại tàu Eagle rời mặt trăng bay lên quỹ đạo, kết nối lại với tàu Apollo 11 và lên đường trở về trái đất.
![]() |
Neil Armstrong làm việc gần Eagle sau khi hạ cánh lên mặt trăng ngày 20-7-1969. Ảnh: NYT |
Chuyến bay của họ nằm trong kế hoạch chinh phục vũ trụ đầy tham vọng của Mỹ, quốc gia lúc đó đang cạnh tranh quyết liệt với Liên Xô về lĩnh vực này.
Trước đó, Liên Xô thành công trong việc đưa người đầu tiên vào không gian và đưa vệ tinh nhân tạo đầu tiên vào quỹ đạo mặt trăng với chuyến bay của Yuri Gagarin năm 1961. Sau chuyến bay bước ngoặt của Nga, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy lúc bấy giờ tuyên bố, ông tin là cuối thập niên 1960, nước Mỹ sẽ đưa được con người lên Mặt trăng. Và điều này đã thành hiện thực chỉ 8 năm sau đó. Chuyến đi thành công của Armstrong giúp nâng cao vị thế của Mỹ trước Liên Xô - một cường quốc về khoa học không gian lúc bấy giờ.
Sau thành công của Armstrong, Mỹ tiếp tục đưa người lên thám hiểm mặt trăng bằng 5 chuyến tàu Apollo nữa và tổng cộng đã có 12 người đi bộ trên mặt trăng. Hai người cuối cùng là Harrison Schmitt và Eugene Cernan, lên mặt trăng năm 1972. Từ đó trở đi, Mỹ và Liên Xô tiếp tục chinh phục mặt trăng bằng các thiết bị nhân tạo và gửi các thiết bị thăm dò tới các hành tinh xa hơn trong hệ mặt trời. Trong thập niên 1980, các nước Mỹ, Nga, Nhật Bản, Canada, Brazil và 11 nước Châu Âu tham gia dự án chung Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), là “ngôi nhà chung” của các chuyến bay đưa người lên vũ trụ làm việc.
Năm 2004, Tổng thống Mỹ G.W.Bush tuyên bố, mục tiêu mới của Mỹ là đưa con người quay trở lại mặt trăng vào năm 2020 và sau đó sẽ đưa con người lên sao Hỏa.
“NGẠI NỔI TIẾNG”
Armstrong sinh ngày 5-8-1930 tại thị trấn nhỏ Wapakoneta, bang
Năm 16 tuổi, Armstrong có bằng lái máy bay trước khi có bằng lái ô-tô. Sau đó, ông vào đại học Purdue học kỹ sư hàng không. Việc học của ông bị gián đoạn bởi chiến tranh Triều Tiên. Ông được gọi nhập ngũ, phục vụ cho hải quân Mỹ vào năm 1949 và đã có 78 phi vụ bay trong cuộc chiến này. Hết chiến tranh, Neil Armstrong trở về Mỹ, học hết đại học Purdue rồi lấy tiếp bằng thạc sĩ cùng chuyên ngành tại Đại học Nam California. Ông bắt đầu tham gia chương trình không gian của Mỹ năm 1962 và đến năm 1968, Neil Armstrong là chỉ huy dự bị của Apollo 8 thực hiện nhiệm vụ bay quanh mặt trăng 10 lần và dọn đường cho Apollo 11. Sau chuyến hành trình lịch sử với Apollo 11, Armstrong rời khỏi Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và tham gia cố vấn cho một số chương trình không gian.
Dù có tên trong lịch sử nhân loại và gắn chặt tên mình với cột mốc lớn của loài người nhưng Neil Armstrong là một người rất giản dị. Ông rất ít khi xuất hiện trước công chúng và nếu có, cũng chỉ phát biểu rất ngắn và ít đề cập đến việc từng bước đi trên mặt trăng. Tháng 11-2011, Armstrong được trao tặng Huân chương VÀNG của Quốc hội Mỹ, phần thưởng dân sự cao quý nhất ở nước này.
An Bình
(Theo NYT)