Nên có điểm sàn cho trường đào tạo ngành Y ngoài công lập
(Cadn.com.vn) - Cuối tháng 11-2015, Bộ GD- ĐT cho phép Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội được phép đào tạo bác sĩ đa khoa và dược. Theo lãnh đạo trường này, dự kiến điểm chuẩn sẽ là 20 điểm và học phí là 50 triệu đồng/năm. Sự việc này làm dấy lên lo ngại về chất lượng đội ngũ bác sĩ, bởi ngành y là ngành đặc thù, xưa nay chỉ tuyển những người tài giỏi nên điểm chuẩn luôn cao ngất ngưởng.
Có một thực trạng là ngay cả các trường ĐH có truyền thống hàng đầu về đào tạo ngành y mà bác sĩ ra trường vẫn chưa thể làm việc độc lập. Nhiều năm nay, ĐH Y Hà Nội đầu vào từ 27 -28 điểm. Đạt mức điểm đó rõ ràng là người giỏi, nhưng hiện nay nhiều em tốt nghiệp ĐH Y Hà Nội ra trường mà bệnh viện vẫn chê vì vẫn chưa thể làm việc độc lập ngay được, ngoại trừ các bác sĩ nội trú. Thế mà nay, Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ đào tạo ngành Y, dược với điểm chuẩn 20 thì dư luận không lo sốt vó mới lạ!
Vì vậy mà dấy lên làn sóng lo ngại về chất lượng bác sĩ do trường ngoài công lập đào tạo. Trong số nhiều ý kiến bàn tán về đào tạo ngành Y quá dễ dãi, người viết ấn tượng với câu chuyện của một người bạn là giáo viên THPT ở Đà Nẵng. Bạn kể, chồng bạn đau nằm viện ở bệnh viện tuyến dưới, khi biết người điều trị cho chồng là... học trò cũ của mình thì bạn tôi lập tức chuyển viện. Lý do cậu học trò cũ ngày xưa học không giỏi (nếu không muốn nói là dốt) nên không thể yên tâm.
Trao đổi về việc Bộ GD-ĐT cho phép đào tạo ngành Y, dược quá dễ dãi, GS.TS.BS Nguyễn Sào Trung, nguyên Hiệu trưởng khoa Y ĐH Y dược TPHCM cho biết, tất cả các nước đều chọn lọc người học và rất khắt khe trong việc xây dựng cơ sở đào tạo ngành Y, dược nói chung và ngành Y nói riêng, không chỉ có bác sĩ mà cả điều dưỡng.
Theo bác sĩ Nguyễn Sào Trung, về chuẩn đầu vào, người học ngành Y không chỉ cần có tâm mà phải có đủ trí thông minh, trình độ để tiếp thu tốt kiến thức, kỹ năng của ngành Y, từ đó có cách xử trí tốt nhất cho từng bệnh nhân. Do đó, để đào tạo được một người bác sĩ tốt, cần đến những tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Nếu lấy sinh viên với 20 điểm cho 3 môn toán, hóa, sinh, chia bình quân mỗi môn chỉ khoảng 6,5 điểm là khá thấp. “Tôi nghĩ đa số sinh viên này không đủ trình độ và đủ thông minh để học cho tốt, để trở thành bác sĩ giỏi trong tương lai”, BS Trung bình luận.
Tương tự, người bạn là giáo viên phổ thông cho biết, với đề thi vừa xét tốt nghiệp vừa xét đại học thì mức điểm 20 mới chỉ là học sinh trung bình khá, không đủ chuẩn để đào tạo ngành Y.
Vì vậy, thiết nghĩ Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế nên có quy định về điểm sàn ngành Bác sĩ đa khoa cho các trường ngoài công lập. Tổng điểm 3 môn cơ bản của ngành Y là toán - hóa – sinh phải 24 điểm và không môn nào dưới 6. Bên cạnh đó, Bộ Y tế phải được tham gia thẩm định mở ngành, thay vì để Bộ GD – ĐT mời đại diện sở y tế các tỉnh, thành tham gia đoàn kiểm tra như trước đây. Sự thẩm định mở ngành cần khách quan, chặt chẽ không để tình trạng nể nang, lợi ích chi phối. Có như vậy thì mới đạt được mục đích đa dạng loại hình đào tạo, nâng tính cạnh tranh, đồng thời nâng cao chất lượng bác sĩ, và tạo niềm tin trong xã hội.
Hoài Thuận