Phương án thi tốt nghiệp THPT:

Nên để ngoại ngữ là một trong các môn thi tốt nghiệp

Thứ tư, 08/01/2014 10:58

(Cadn.com.vn) - Sau khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo một số thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm sắp tới, trong đó có đưa ra 2 phương án: thi 4 môn hay 5 môn, đã có nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Việc tranh luận là cần thiết, bởi sẽ giúp cho Bộ GD-ĐT chọn ra phương án tối ưu, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với một số nhà quản lý GD-ĐT của TP Đà Nẵng.

 

Ông LÊ TRUNG CHINH- Giám đốc Sở GD-ĐT TPĐN:

Quan điểm của tôi nghiêng về phương án 1 nhiều hơn. Lý do, nếu chọn phương án 2, thi 5 môn thì cũng không khác gì mấy so với thi 6 môn như trước đây,  bởi cũng phải tổ chức thi 3 ngày rất tốn kém và cũng không giảm áp lực thi cử cho HS. Tuy nhiên, nếu tổ chức thi 4 môn, theo tôi, Bộ GD-ĐT nên đưa môn ngoại ngữ vào một trong các môn tự chọn, không nên để ngoại ngữ là môn thi cộng lấy điểm khuyến khích.

Mặt khác, để tránh hiện tượng học lệch, trong 2 môn tự chọn, nên quy định 1 môn xã hội và 1 môn tự nhiên. Ngoại ngữ xếp vào các môn xã hội. Tại sao tôi đề xuất ý kiến nên đưa ngoại ngữ vào môn thi tự chọn? Bởi thực tế cho thấy, một khi ngoại ngữ chỉ được xem là môn thi cộng lấy điểm khuyến khích, HS sẽ có tâm lý không học môn này vì cho đó là môn phụ, không học cũng chẳng sao.

Bản thân GV ngoại ngữ cũng sẽ kém nhiệt tình hơn trong việc dạy học. Mặt khác,  nếu ngoại ngữ là môn thi chỉ để cộng lấy điểm khuyến khích, chắc chắn sẽ nảy sinh việc HS chọn sự may rủi vào môn học này (đăng ký dự thi nhưng chưa chắc đã thi) với tư tưởng, tâm lý: được thì "ăn cả", còn không thì cũng chẳng sao.

Theo đó, nếu trong trường hợp làm bài thi 4 môn tốt, các em sẽ bỏ thi môn ngoại ngữ. Điều này sẽ tạo nên sự xào xáo, tạo ra hiện tượng TS dự thi "ảo" gây tốn kém, đồng thời tạo nên sự bị động trong quá trình tổ chức thi... Bên cạnh đó, việc không đưa ngoại ngữ vào một trong những môn thi tốt nghiệp sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai thực hiện đề án dạy học ngoại ngữ của Bộ GD-ĐT. 

Việc Bộ GD-ĐT tính đến phương án 5-5, trong đó 5 cho việc đánh giá kết quả học tập và 5 cho điểm thi để xét tốt nghiệp, theo tôi, nên thay đổi tỉ lệ này thành 7-3 (7 dành cho thi, 3 dành cho việc đánh giá quá trình học tập). Không phải chúng ta không tin vào cơ sở, nhưng có một thực tế không thể phủ nhận đó là, việc đánh giá quá trình học tập của HS ở các trường trong cả nước là chưa thực sự đều tay, chưa thực sự khách quan.

Điều này không phải do tiêu cực hay bệnh thành tích mà do việc đánh giá ấy còn nặng về cảm tính. Tâm lý của GV là muốn nương tay cho học trò mình, để các em có cơ hội đỗ tốt nghiệp, có được tấm vé thông hành trước ngã rẽ vào đời: học nghề hay thi ĐH, CĐ. Vì thế, nếu chia theo tỉ lệ 5-5, GV sẽ có tâm lý nương tay cho học trò. Việc tổ chức thi sẽ đánh giá khách quan hơn, bởi có sự giám sát chặt chẽ của toàn xã hội.

Việc giảm áp lực trong thi cử là phù hợp với định hướng đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Bộ GD-ĐT nên tiếp tục lắng nghe ý kiến phản hồi từ dư luận để có phương án tối ưu nhất, nhằm tạo sự đồng thuận cao...

Bà LÊ THỊ TUYẾT HỒNG - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền:

 Phương án 1 là phương án được HS và PH chọn nhiều nhất, vì giảm áp lực thi cử cho các em. Tuy nhiên, tôi rất băn khoăn khi Bộ GD-ĐT không đưa môn ngoại ngữ vào một trong những môn thi bắt buộc. Mặc dù Bộ GD-ĐT đưa ra lý do khá thuyết phục về vấn đề này, nhưng theo tôi, trong xu thế hội nhập, đòi hỏi phổ cập ngoại ngữ cho HS là điều rất cần thiết. Khó khăn lắm mới đưa môn thi ngoại ngữ trở thành môn thi bắt buộc.

Từ khi môn này trở thành môn thi bắt buộc, HS và GV có ý thức hơn trong dạy-học, nhờ thế mà chất lượng dạy -học môn ngoại ngữ đã được nâng lên rất nhiều. Việc học ngoại ngữ đã thành nếp, giờ lại đưa môn học này ra  thành môn học để thi lấy điểm cộng khuyến khích sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý học của HS, cũng như tâm lý của người dạy. Ngoài ra, việc không đưa môn ngoại ngữ vào trong những môn thi bắt buộc của kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đề án dạy học ngoại ngữ của Bộ GD-ĐT.

Theo tôi, nên thi 4 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc là toán, văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn. Trong đó, đối với môn ngoại ngữ, Bộ GD-ĐT nên đổi mới phương thức thi, không nên thi trắc nghiệm. Bởi lẽ, học ngoại ngữ đòi hỏi 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Việc thi trắc nghiệm (dù ra nhiều mã đề), phần nhiều vẫn nhờ vào sự may rủi, không đánh giá đúng thực chất việc học của các em...

Riêng đối với phương án 5-5 kết hợp giữa thi với kết quả học tập mà Bộ đưa ra, theo tôi thì hay nhưng khó thực hiện. Bởi thực tế, việc đánh giá quá trình học tập của HS giữa các trường cũng như giữa các GV không được đều tay. Nếu đưa chung cho toàn quốc lại càng không đều tay và điều này sẽ gây thiệt thòi cho các trường đánh giá trung thực.

Quy trình, phương án thi nào khi đưa ra cũng có ưu điểm, cái hay của nó, nhưng nó chỉ thực sự tốt và tối ưu khi ý thức của người tham gia đánh giá phải trung thực. Cái gì đánh giá theo định lượng thì chính xác hơn, đánh giá theo định tính thì khó chính xác. Nếu điểm thi tốt nghiệp lấy hệ số 2, kết quả học tập hệ số 1 thì có vẻ hợp lý hơn...

P.Thủy

(thực hiện)