Nên xã hội hóa trong đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa
(Cadn.com.vn) - Không có sân chơi dành cho mọi tầng lớp nhân dân,“đói” đời sống văn hóa tinh thần... là thực trạng của Q.Liên Chiểu (Đà Nẵng) sau 19 năm thành lập đơn vị hành chính mới. Trao đổi với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu Nguyễn Thanh Chương trăn trở và đề xuất...
Phó Chủ tịch UBND Q. Liên Chiểu Nguyễn Thanh Chương. Ảnh: P.T |
P.V: Thưa ông! Sau 19 năm thành lập đơn vị hành chính mới, diện mạo Liên Chiểu đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung, việc đầu tư các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống văn hóa tinh thần cho người dân hiện vẫn... chưa có gì. Ông nghĩ sao về nhận xét này?
Ông Nguyễn Thanh Chương: Quả đúng thế! Sau 19 năm thành lập đơn vị hành chính mới, cùng với quá trình chỉnh trang, đô thị hóa trên diện rộng trong một thời gian khá dài của TP với nhiều dự án chậm triển khai đã gây áp lực không nhỏ, mất khá nhiều thời gian để Liên Chiểu giải quyết vấn đề an sinh xã hội. Nhất là khi phần lớn người dân trong diện giải tỏa đền bù từ các nơi tập trung về Liên Chiểu và dân nhập cư đều là lao động nghèo, có thu nhập thấp. Liên Chiểu được xác định là địa bàn trọng yếu của cửa ngõ phía Tây Bắc TP, có số lượng công nhân, SV từ các nơi về đây tạm trú để học tập và lao động khá đông, lại giáp ranh với một xã của H. Hòa Vang. Với những đặc điểm mang tính đặc thù đó, nhưng đến nay, Liên Chiểu không có các thiết chế văn hóa như thư viện, rạp chiếu phim... Sân chơi dành cho thiếu nhi lại càng thiếu thốn hơn. Ngoài Trung tâm VHTT của quận vừa được đầu tư xong giai đoạn 1 nhưng chưa thể đi vào hoạt động vì bên trong chưa có gì, đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2, các thiết chế văn hóa ở các phường hầu như... chưa có gì. Trong 5 phường, chỉ có P.Hòa Khánh Nam có khu vui chơi cho trẻ em. Năm 2016 sẽ xây dựng khu vui chơi cho P.Hòa Hiệp Nam...
Tóm lại, dù “lên phố” đã 19 năm nhưng đến nay việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa ở Liên Chiểu vẫn còn quá ít, chưa đáp ứng được nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, nhất là tầng lớp công nhân, HS-SV. Những khó khăn này khiến chúng tôi “khó ăn, khó nói” với người dân...
P.V: Trước thực trạng này, theo ông, cần phải có những giải pháp gì? Và chính quyền Liên Chiểu đã có những kế hoạch gì nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân?
Ông Nguyễn Thanh Chương: Thực ra, TP cũng đã có kế hoạch đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây mới một số khu vui chơi cộng đồng tại địa bàn 5 phường, nhưng phân kỳ đến năm 2020. Nhưng đối với địa bàn có những đặc thù riêng như Liên Chiểu, theo chúng tôi, TP nên có sự đầu tư tập trung mạnh hơn, nhanh hơn. Quận ủy Liên Chiểu vừa có chủ trương, năm 2016 đầu tư cho lĩnh vực văn hóa gấp 1,5 lần so với năm 2015. Tuy nhiên, nguồn lực của quận rất nhỏ bé, nếu chỉ trông cậy vào sự đầu tư này thì rất khó đáp ứng được yêu cầu. Chúng tôi không so sánh với các địa phương khác, nhưng rõ ràng, sau 19 năm “lên phố”, người dân Liên Chiểu còn nhiều thiệt thòi. Nếu được TP quan tâm, đầu tư tập trung mạnh, nhanh hơn đối với lĩnh vực này, Liên Chiểu cũng sẽ có những động thái để phối hợp cùng với các ngành của TP để phối hợp, triển khai thực hiện nhanh tiến độ...
Về phần mình, quận đã xây dựng và thông qua đề án trùng tu các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, phân kỳ từ đây đến năm 2020, gắn kết giữa phát triển du lịch dựa trên nền tảng của văn hóa. Đặc biệt, chùa chiền trên địa bàn Liên Chiểu có địa thế tương đối đẹp, nếu hình thành nên những khu du lịch văn hóa tâm linh sẽ rất tốt. Thời gian tới, Liên Chiểu sẽ định hướng cho ngành tôn giáo, ngành văn hóa phối hợp nghiên cứu một số điểm, tour du lịch kết hợp với văn hóa tâm linh. Hiện nay, trên địa bàn quận có một số di tích do TP quản lý đã xuống cấp như di tích Hải Vân quan. Việc khai thác, sử dụng di tích này để phát triển du lịch hiện vẫn còn một số hạn chế nhất định... Theo chúng tôi, về lâu về dài, nên xã hội hóa (XHH) trong khai thác dịch vụ du lịch tại đây. TP có thể giao cho sở VH-TT&DL kêu gọi đầu tư hoặc giao cho quận làm chủ đầu tư để kêu gọi XHH tại điểm du lịch này. Nếu cứ tiếp tục sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư phát triển du lịch tại đây e khó phát huy hiệu quả. Chúng tôi đã làm việc với H. Phú Lộc (TT-Huế), cả hai bên đều đồng nhất về quan điểm trong việc khai thác để làm du lịch trên đỉnh đèo này, nên kêu gọi XHH...
Liên quan đến lĩnh vực vui chơi cho trẻ em, nên chăng, TP nghiên cứu xây dựng Nhà thiếu nhi cấp quận hoặc cấp TP đứng cánh Liên Chiểu để không chỉ riêng thiếu nhi Liên Chiểu, mà thiếu nhi ở các xã lân cận thuộc H. Hòa Vang có thể đến vui chơi, sinh hoạt. Mặt khác, hiện nay, trên địa bàn Q.Liên Chiểu có một số trường học có nhà đa năng. Tuy nhiên, việc khai thác sử dụng và quản lý các nhà đa năng này chỉ mới phát huy hết công năng đối với trường học đó mà thôi. Chúng tôi mong muốn các trường có thể mở rộng các hoạt động của nhà đa năng này để cho người dân sống quanh khu vực được vào đây tham gia sinh hoạt thể thao. Điều còn lại là cách quản lý sao để vừa phục vụ được nhu cầu sinh hoạt của người dân, vừa đảm bảo việc giữ gìn cơ sở vật chất cho nhà trường...
P.V: Thưa ông! Có một vấn đề là, có những khu vui chơi được Nhà nước đầu tư tại các xã phường nhưng hoạt động không hiệu quả. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Nguyễn Thanh Chương: Có những cái khó đó là, khi phân cấp quản lý cho địa phương nhưng lại không phân cấp về ngân sách, không có con người để quản lý, tất cả đều kiêm nhiệm. Điều này không tránh khỏi những sơ suất trong quá trình quản lý...Theo tôi, nên XHH các điểm vui chơi này để các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào đây. Nó sẽ hạn chế được tình trạng bỏ hoang, hoạt động không hiệu quả... Tất nhiên, khi thực hiện chủ trương XHH, phải có những chế tài để không xảy ra những vấn đề rắc rối khác. Chúng tôi đã nghiên cứu xây dựng đề án XHH đối với vấn đề này và đã được quận phê chuẩn. Theo đó, một mô hình XHH các khu vui chơi chí ít phải có một yếu tố đó là: 2/3 đất ở khu vực này dành cho phúc lợi xã hội, 1/3 dành cho DN và khai thác. Và những cái dịch vụ XHH trong khu vui chơi phải đảm bảo theo quy định của Nhà nước, không được cho game, Internet... ở trong khu vực vui chơi này; chỉ có những hoạt động văn hóa thể thao, một số thiết bị đồ chơi lành mạnh dành cho trẻ em. Trong đó, một phần cũng phải dành cho miễn phí chứ không phải khai thác toàn bộ. Cái khó là, đề nghị TP ban hành một khung chung nhất cho vấn đề XHH. Ví dụ có quy chế chung cho XHH cho khu vui chơi chẳng hạn: thời gian cho XHH là bao nhiêu năm, XHH như thế nào cho thật cụ thể (có thể thuê đất hay là giao đất để XHH bao nhiêu năm và phải có lượng kinh phí nhất định hỗ trợ cho địa phương bao nhiêu/năm). Đồng thời phải có biên độ dao động giữa các vùng, địa phương cụ thể, không nên đánh đồng Hải Châu, Liên Chiểu. Không thể áp chung cho địa bàn trung tâm với địa bàn vùng ven... Tôi nghĩ rằng, nếu được đầu tư xây dựng tập trung nhanh và đồng bộ các thiết chế văn hóa, người dân Liên Chiểu (có đội ngũ HS-SV) được hưởng lợi về đời sống văn hóa tinh thần. Về phần mình, quận sẽ có lộ trình để quản lý phát huy hiệu quả công năng của các cơ sở thiết chế văn hóa này...
P.V: Xin cảm ơn ông! Mong thời gian tới, Liên Chiểu sẽ được quan tâm hơn trong đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần cho người dân.
P.Thủy
(thực hiện)