Nepal bước vào “cuộc chiến sống còn”

Thứ tư, 29/04/2015 09:50

* Số người chết có thể lên đến 10.000

(Cadn.com.vn) - Nepal đang bước vào “cuộc chiến sống còn” khi số người chết có thể tăng lên 10.000 bất chấp nỗ lực không mệt mỏi trong công tác cứu hộ, cứu trợ sau trận động đất kinh hoàng hôm 25-4.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 28-4, Thủ tướng Nepal Sushil Koirala đau đớn thừa nhận, đất nước của ông đang “trên nền tảng chiến tranh” – ám chỉ nỗ lực làm tất cả những gì có thể để cứu trợ cứu hộ nạn nhân động đất nhưng đang bị “quá tải”.

Binh sĩ Nepal đưa một phụ nữ bị gãy 2 chân tại một ngôi làng xa xôi đến bệnh viện.  Ảnh: AP

8 TRIỆU NGƯỜI ẢNH HƯỞNG

Cho đến nay, hơn 5.000 người được xác nhận đã thiệt mạng trong khi hơn 10.000 người bị thương. Tuy nhiên, theo BBC, Thủ tướng Nepal thậm chí lo ngại, số người chết sau động đất có thể tăng lên đến con số 10.000 vì cho đến nay chưa có thống kê từ các ngôi làng vẫn đang bị cô lập.

Trong khi đó, theo báo cáo của LHQ, 8 triệu người bị ảnh hưởng - nhiều hơn 1/4 dân số Nepal. “Chính phủ đang làm tất cả những gì có thể để cứu hộ và cứu trợ theo nền tảng chiến tranh. Nhưng đây là thời điểm khó khăn cho Nepal”, Thủ tướng Koirala nói với Reuters. Thủ tướng Nepal thừa nhận, việc thiếu các thiết bị cứu hộ và chuyên gia trong lĩnh vực này khiến Nepal gặp nhiều khó khăn. Bệnh viện quá tải người bị thương trong khi thi thể người chết vẫn nằm la liệt khắp nơi. Nước, thực phẩm và điện khan hiếm làm bùng nổ nhiều lo ngại bùng phát dịch bệnh.

Tình hình cấp bách đến độ chính phủ Nepal phải cầu xin viện trợ nước ngoài khẩn cấp - tất cả mọi thứ, từ chăn màn đến máy bay trực thăng, bác sĩ...

VIỆN TRỢ TẮC NGHẼN, CỨU HỘ KHÓ KHĂN

Hiện tại, viện trợ nước ngoài đang đổ xô đến Nepal. Chương trình lương thực Thế giới (WEP) cung cấp thực phẩm và xe tải để phân phát hàng hóa. Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cung cấp lều trại và các thiết bị y tế. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) viện trợ các thiết bị hỗ trợ điều trị... Các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ... cũng liên tiếp gửi hàng viện trợ cho Nepal.

Tuy nhiên, công việc cứu trợ đang gặp khó khăn do sự tắc nghẽn tại sân bay duy nhất ở thủ đô Kathmandu. Trong khi đó, công tác cứu hộ và việc phân phát hàng hóa cứu trợ và cứu hộ cũng khá chậm chạp. “Không ai quan tâm chúng tôi”, Namrata Adsikron, hiện đang trú ẩn trong một căn lều ở Kathmandu, cho biết. “Vấn đề bây giờ là chúng tôi phải làm gì và đi đâu”, Adsikron nói thêm. Nhiều người dân dùng tay không đào bới đống đổ nát tìm người thân.

Trận động đất kinh hoàng nhất ở Nepal trong 81 năm còn gây ra lở tuyết giết chết 18 người trên núi Everest - thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử đỉnh núi cao nhất thế giới. Và cho đến nay, tất cả các nhà leo núi bị mắc kẹt trên đỉnh Everest đã được trực thăng đưa đến nơi an toàn. Bài toán cần giải quyết khẩn cấp hơn nữa hiện nay là tiếp cận những khu vực đang bị cô lập do lở đất, lở tuyết. “Tại một số ngôi làng, khoảng 90% ngôi nhà bị sụp đổ”, Rebecca McAteer, bác sĩ người Mỹ đến vùng bị động đất Nepal, cho biết. Hiện nay, lở đất và thời tiết cực kỳ xấu tại khu vực miền núi xa xôi quanh tâm chấn khiến các đội cứu hộ và cứu trợ gặp nhiều thách thức.

Ngày 28-4, các máy bay trực thăng đảo khắp các ngọn núi tại một huyện xa xôi ở Nepal, tìm kiếm và chở những người bị thương đến bệnh viện. Trong đó, 2 máy bay trực thăng cứu 8 người từ làng Ranachour, đều là phụ nữ có con nhỏ và đang mang thai. “Có rất nhiều người bị thương ở làng tôi”, AFP dẫn lời Sangita Shrestha, người đang mang thai được trực thăng đưa đi cấp cứu cho biết. Một số phụ nữ ra khỏi máy bay trực thăng nhăn nhó, khóc đau đớn và không thể đi lại hay nói chuyện khi phải chịu tổn thương 3 ngày sau trận động đất.

Khả Anh