Nét đẹp văn hóa truyền thống làng La Châu

Thứ ba, 15/03/2022 22:33

Hướng đến kỷ niệm 170 năm (1852 - 2022) xây dựng Văn chỉ La Châu (làng La Châu, xã Hòa Khương, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng), những ngày này, các tầng lớp nhân dân địa phương đang ra sức tôn tạo cảnh quan môi trường, chuẩn bị cho lễ tế ghi ơn công đức các bậc tiền nhân xung quanh khu vực nhà bia.

Các tầng lớp nhân dân xã Hòa Khương (H. Hòa Vang) tôn tạo cảnh quan xung quanh Văn chỉ La Châu.

Văn chỉ La Châu là văn chỉ duy nhất còn lại trên địa bàn Đà Nẵng còn thờ Khổng Tử và các môn đệ, có giá trị lịch sử, văn hóa tinh thần vô cùng to lớn. Đây cũng là một biểu tượng ý nghĩa thể hiện truyền thống hiếu học của tầng lớp văn thân, sĩ phu và nhân dân địa phương lúc bấy giờ.

Theo tư liệu, Văn chỉ La Châu là biểu tượng văn hóa làng mang đậm bản sắc dân tộc và là hình thái "Văn miếu" cấp huyện để thờ Đức Khổng tử và các cao đệ của ngài gồm "Tứ Phối" và 72 hiền triết. Đây là nơi sinh hoạt tinh thần của tầng lớp văn thân, sĩ phu thuộc hệ tư tưởng phong kiến Nho giáo; đồng thời là nguồn lực thúc đẩy sự nghiệp học vấn, bảo tồn nền văn hóa của dân tộc tại địa phương. Người có công sáng lập là ông Đỗ Thúc Tịnh (sinh năm 1818 tại làng La Châu, mất năm 1862 và được an táng ở quê nhà). Ông thi đỗ Tam Giáp Đồng Tiến sĩ khoa Mậu Thân (năm 1848). Năm Tự Đức thứ 3 (1850), nhân chuyến về thăm nhà, ông đã bàn thảo với thân hào, nhân sĩ trong Hội Tư Văn huyện xúc tiến xây dựng "Văn miếu" hàng huyện, đến năm Tự Đức thứ 5 (1852) thì hoàn thành. Ông là người chấp bút viết bài văn bia khắc dựng trước văn chỉ khi đang giữ chức Tri phủ huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa).

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, từ thời phong kiến suy tàn đến 2 cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, di tích gần như bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại nền móng gạch và 5 văn bia. Rất may, trong số đó có 2 văn bia bị vỡ nhưng chữ viết trên bia còn nguyên vẹn, thể hiện thời gian xây dựng, trùng tu cũng như sự đóng góp tiền của, công sức của nhân dân, thân hào địa phương. Hằng năm, lễ tế tại văn chỉ diễn ra vào ngày 15-3 âm lịch có tổ chức rước Sắc phong, đọc văn tế và có người chánh bái nhằm thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo và truyền thống hiếu học của dân tộc…

Nội dung xây dựng Văn chỉ La Châu được tái hiện và lưu giữ tại nhà bia.

Năm 2015, Văn chỉ La Châu được trùng tu sửa chữa, xây mới nhà bia cùng sân hành lễ rộng 500m2 với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách UBND H. Hòa Vang. Việc phục dựng lại Văn chỉ La Châu trên nền đất cổ xưa không chỉ đơn thuần là lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, mà còn là điểm tựa tinh thần vững chắc cho sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương trong thời đại mới, nhất là giáo dục truyền thống hiếu học cho người dân địa phương. Bởi họ không chỉ có nghĩa vụ trách nhiệm đối với các bậc cao niên ngày trước đã có công lập làng, giữ nước mà còn là cách hành xử đối với người trong quá khứ, giống như "cây có cội, nước có nguồn", làm người phải nhớ đến tổ tiên…

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Chí Trí, để giữ gìn và phát huy giá trị của di tích Văn chỉ La Châu, thời gian đến, bên cạnh việc thường xuyên kiểm tra, chống xuống cấp di tích, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về giá trị lịch sử của di tích, lồng ghép nội dung trong các hội nghị, họp dân để Văn chỉ La Châu trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa của dân làng, nơi giáo dục truyền thống hiếu học, tình yêu quê hương cho các thế hệ trẻ. "Địa phương đã phát huy được nét văn hiến ông cha, dòng họ của ngày hôm qua và cũng đã đóng góp nên những giá trị mới đích thực, tô đậm thêm truyền thống văn hóa của quê hương trong sự nghiệp đổi mới của đất nước hôm nay", ông Trí chia sẻ.

VY HẬU