Nét riêng nghề y đất thương cảng

Thứ bảy, 23/02/2019 11:00

Là vùng đất cửa ngõ, nơi gặp gỡ của các thương nhân quốc tế, đô thị thương cảng Hội An (tỉnh Quảng Nam) trở thành nơi buôn bán và trao đổi hàng hóa nhộn nhịp của xứ Đàng Trong. Giai đoạn này nhiều ngành nghề có điều kiện hình thành và phát triển, trong đó có nghề y. Và cái nghề tưởng như chỉ gắn liền với việc chữa bệnh cứu người ấy lại trở thành một nét văn hóa rất riêng mà chỉ Hội An mới có được.

Gian thuốc bắc trong Nhà cổ Đức An - TP Hội An vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Một thuở vàng son

Nhắc đến Hội An không ai là không biết đến Mót - Thương hiệu nước thảo mộc nổi tiếng, loại nước giải khát mà ai đến Hội An cũng phải thử. Nhưng ít ai biết rằng Mót ngày hôm nay được hình thành từ một tiệm thuốc bắc có tuổi đời gần 100 năm tuổi. Anh Nguyễn Hữu Xuân - người trực tiếp bán Mót cho biết gia đình anh từ các đời trước đều kinh doanh thuốc bắc nổi tiếng ở Hội An với tên gọi An Thái Ông Thầy Tải. "Dù ngày nay đã không còn bán thuốc bắc nhưng những gì tạo nên thành phần của Mót được kết hợp từ rất nhiều loại thảo mộc được truyền lại từ đời trước.  Là "hậu duệ" của 3 đời nhà thuốc, tôi đã nghiên cứu đã tạo nên món nước không chỉ uống cho đã miệng mà còn khiến cơ thể khỏe và lành. Bài thuốc gồm nhiều vị như kim ngân hoa, quế, hạ khô thảo, la hán quả, chanh, sả, trà xanh... có công dụng làm thanh mát cơ thể, chống đầy bụng, khó tiêu, giải cảm", anh Xuân chia sẻ.

Ở Hội An ngày nay đã không hiếm gì các nhà thuốc tây dược nhưng du khách đến đây vẫn muốn tìm hiểu về những con đường, những mái nhà từng một thời ngập tràn mùi vị của thuốc bắc, thảo dược. Và Nhà cổ Đức An nằm trong khu phố cổ Hội An (số 129 - Trần Phú) là di tích đặc biệt như thế. Đây không chỉ là công trình nhà lưu niệm của nhà cách mạng Cao Hồng Lãnh, được gắn biển công nhận di tích lịch sử cách mạng (địa điểm thành lập tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Hội An hồi tháng 10 - 1927) mà còn là nơi ra đời  "Hiệu thuốc bắc Đức An" tiếng tăm một thời. Sau sự kiện chống thuế năm 1908, nhà Đức An chuyển sang bán thuốc bắc hòa vào việc buôn bán tấp nập cùng nhiều hiệu thuốc bắc ở Hội An, song bên trong vẫn là điểm hẹn gặp gỡ của các chí sĩ yêu nước trong khu vực. Nhà thuốc Đức An không chỉ làm nhiệm vụ chữa bệnh cứu người mà còn góp phần vào công cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngày nay, gian chứa thuốc đặc trưng vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, góp thêm tư liệu sống cho hệ thống y học cổ truyền tại Quảng Nam.

Chỉ có ở Hội An người ta mới cảm nhận được đầy đủ cái thâm trầm của đời sống mà những gì của quá khứ như hòa quyện với dòng chảy của cuộc sống hiện đại. Và nghề thuốc nơi đây cùng với sự biến thiên của lịch sử đã trở thành một nét đẹp văn hóa không thể tách rời. Ngoài những tiệm thuốc bắc trứ danh thì các nhà thuốc Hội An tập trung hoạt động mạnh trên các tuyến đường chính như Trần Phú, Nguyễn Thái Học, Lê Lợi, Hoàng Diệu…với nhiều tiệm thuốc bắc, thuốc nam như Thái An đường, Thuận An đường, Hòa Xuân đường, Xuân Thu đường, Duy Ích đường, Triều Phát, Bửu An đường… Cùng với nhiều thầy thuốc giỏi, có kinh nghiệm trong việc hành nghề y như thầy Mười (hiệu Triều Phát), thầy Chấn Nam Thành (nhà Phi Yến), thầy Ba Chung, thầy Trương Hùng Cơ… sự đa dạng về chủng loại thuốc cùng với sự có mặt của các thầy thuốc nổi tiếng đã góp phần đáng kể vào việc phát triển nghề y ở Hội An, Quảng Nam.

Mót được giới thiệu tại các cửa hiệu thực phẩm ở Hội An.

Bảo tồn bản sắc nghề y Hội An

Theo các tư liệu lịch sử ghi chép: "Hội An là một mã đầu lớn, nơi tập hợp của khách hàng các nước… thuốc bắc hay các món hàng khác, tìm mua ở Thuận Hóa không có thì người ta vào mua ở đây". Hay trong tác phẩm Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn cho ta thấy đương thời nghề thuốc ở Hội An rất phát triển, đa dạng và phong phú về chủng loại thuốc của địa phương. Thời điểm này ở Quảng Nam có rất nhiều vị thuốc như nhục quế, trầm hương, kỳ nam...nổi tiếng khắp nơi. Nhận thấy được sự góp phần quan trọng của nghề y trong tiến trình hình thành bản sắc Hội An, UBND TP Hội An đã tiến hành thu thập các thông tin về nghề y truyền thống trong cộng đồng. Theo đó xác định hiện nay vẫn còn rất nhiều tiệm thuốc bắc, thuốc nam duy trì hoạt động như Nam Xương đường, Xuân Thu đường, hiệu thuốc của thầy Vàng, thầy Cân cùng khá nhiều đội ngũ các lương y, thầy thuốc nam ở khắp các xã/phường trên địa bàn thành phố Hội An. Qua khảo sát, Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã thống kê được đội ngũ thầy thuốc, lương y Hội An có hơn 70 người đang hoạt động, với hơn 17 cơ sở tập trung trên địa bàn các phường Cẩm Phô, Tân An, Sơn Phong, xã Cẩm Kim, Cẩm Hà. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có 2 sở buôn bán Đông dược là nhà thuốc Hội Phố và nhà thuốc Dui Giao.

Nói về nghề y tại Hội An, ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản Hội An cho biết mong muốn phục dựng nhà thuốc truyền thống ở Hội An lâu nay được rất nhiều người ủng hộ và cũng là mong muốn của người làm văn hóa Hội An. Việc tìm hiểu có hệ thống về nghề y góp phần nhận diện những giá trị lịch sử, các lễ nghi tín ngưỡng, các kinh nghiệm, tri thức dân gian của nghề, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể nghề y truyền thống ở Hội An - vùng đất của các danh y một thời.

ĐỒNG DAO