Nêu vấn đề Biển Đông tại Diễn đàn Kinh tế thế giới

Thứ sáu, 23/05/2014 00:43

(Cadn.com.vn) - Chiều 22-5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu Việt Nam đã rời Manila, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm làm việc tại Philippines và tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2014 (WEF Đông Á).

Trước đó, tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng với Tổng thống Philippines, Tổng thống Indonesia, Phó Tổng thống Myanmar và Chủ tịch WEF đã phát biểu tại Phiên khai mạc Diễn đàn với sự tham dự của hơn 600 đại biểu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại WEF Đông Á ngày 22-5. Ảnh: TTXVN

Hòa bình và ổn định là điều kiện không thể thiếu cho phát triển

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tập trung đánh giá về tình hình kinh tế khu vực Đông Á, các biện pháp lấy lại đà tăng trưởng nhanh và bền vững của Đông Á, trong đó, nhấn mạnh thời gian qua Đông Á tiếp tục là khu vực phát triển năng động và tăng trưởng nhanh nhưng cũng đang đứng trước không ít thách thức. Do đó, Đông Á cần phải tạo thêm những động lực mới để tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững. Từ kinh nghiệm Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh hai động cơ song hành là hội nhập quốc tế và cải cách trong nước. Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hòa bình và ổn định là điều kiện không thể thiếu cho phát triển, trong đó có hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại WEF Đông Á ngày 22-5.

Thủ tướng đặc biệt lưu ý về tình hình rất nghiêm trọng đang diễn ra ở Biển Đông do việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) sâu trong vùng biển của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), đe dọa trực tiếp hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông nơi 50% lượng hàng hóa vận tải đường biển của thế giới đi qua, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế khu vực và thế giới.

Việt Nam đã hết sức kiềm chế, chân thành bày tỏ mọi thiện chí và sử dụng mọi kênh đối thoại với Trung Quốc để phản đối và yêu cầu rút ngay giàn khoan và các tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên đến nay Trung Quốc không những không đáp ứng yêu cầu chính đáng của Việt Nam mà còn vu khống, đổ lỗi cho Việt Nam và tiếp tục dùng sức mạnh, gia tăng các hành động uy hiếp, xâm phạm ngày càng nghiêm trọng hơn. Thủ tướng khẳng định Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và vùng biển của mình bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Về việc một số người lợi dụng biểu tình của người dân phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan đã có những hành vi manh động, vi phạm pháp luật, Chính phủ Việt Nam đã kịp thời thực hiện đồng bộ các biện pháp ngăn chặn các hành vi trái pháp luật; tình hình đã hoàn toàn ổn định; các doanh nghiệp đã trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn và kêu gọi ASEAN, các nước và bạn bè trên thế giới tiếp tục ủng hộ Việt Nam bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế. Thủ tướng nhấn mạnh sự đoàn kết hợp tác của cộng đồng quốc tế là hết sức cần thiết nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.

Ngay sau phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Phiên Toàn thể, Chủ tịch WEF Klaus Schwab nêu rõ: “Mặc dù WEF là diễn đàn trung lập và thiên về thảo luận các vấn đề kinh tế, nhưng với nguy cơ đối với ổn định và phát triển kinh tế cũng cần được xem xét”. Chủ tịch kêu gọi các bên có bất đồng cần phải giải quyết bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại; đồng thời nhấn mạnh: “Chúng ta đang sống trong thế giới toàn cầu hóa, rất cần cùng nhau bảo đảm cho hòa bình toàn cầu”.

Philippines kiên định ủng hộ Việt Nam trong vấn đề Biển Đông

Ngày 22-5, trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Philippines và tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) về Đông Á tại thủ đô Manila, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hội kiến Chủ tịch Hạ viện Philippines Feliciano J.Belmonte và Chủ tịch Thượng viện Philippines Franklin Drilon.

Mở đầu cuộc hội kiến, Chủ tịch Hạ viện Philippines Feliciano Belmonte đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về hành vi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trái phép trong vùng biển Việt Nam. Ông cho rằng ngay các nghị sĩ gốc Hoa tại Hạ viện Philippines cũng bày tỏ sự phẫn nộ của mình về hành động này của Trung Quốc. Với tư cách là Chủ tịch Hạ viện, ông và các nghị sĩ hoàn toàn ủng hộ Tuyên bố của Tổng thống Benigno Aquino và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về tình hình đặc biệt nguy hiểm hiện nay ở Biển Đông. Chủ tịch Hạ viện Feliciano Belmonte khẳng định cách hành xử của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế khi nước này đã dùng vũ lực để đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, và hành động hết sức nghiêm trọng lúc này là đưa giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép trong vùng biển Việt Nam.

Trong khi đó, tiếp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Thượng viện Philippines Franklin Drilon khẳng định cá nhân ông và Thượng viện Philippines hoàn toàn ủng hộ lập trường, quan điểm có tính nguyên tắc của Chính phủ hai nước về việc yêu cầu Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, nhất là UNCLOS mà Philippines, Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việc tham gia công ước đòi hỏi các quốc gia, trong đó có Trung Quốc phải tuân thủ nghĩa vụ này, và việc tuân thủ là một sự bảo đảm cho hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông. Ông cũng cho rằng chính việc tuân thủ này là lý do mà Philippines phải viện đến tòa án quốc tế để giải quyết khi Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của nước này.

N.L (tổng hợp)

CICA có bàn về vấn đề Biển Đông

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 4 về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở Châu Á (gọi tắt là CICA) vừa diễn ra trong hai ngày 20 và 21-5, tại Thượng Hải, Trung Quốc. Theo thông tin báo chí quốc tế, tại hội nghị, ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc, với vai trò chủ nhà, đã né tránh vấn đề Biển Đông, cụ thể là việc Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào lãnh hải Việt Nam.

Tuy nhiên, đoàn Việt Nam đã đưa vấn đề này đến hội nghị. Trả lời câu hỏi của TTXVN, rằng hội nghị có bàn về vấn đề Biển Đông hay không?, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định: “Tôi xin trả lời ngay là có”. Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho rằng, vấn đề Biển Đông đã, đang và sẽ là một trong những thách thức lớn nhất về an ninh đối với CICA. Liệu các nguyên tắc căn bản, cốt lõi của CICA là tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ các quốc gia, hòa bình giải quyết các tranh chấp, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực đã được toàn thể các nước thành viên CICA nêu trong Tuyên bố của hội nghị có được thực hiện trên thực tế ở Biển Đông hay không, điều này sẽ quyết định uy tín, vị thế và vai trò của cơ chế này ở Châu Á”.