Nga: "Bóng hoàn toàn ở bên sân Ukraine"

Thứ ba, 24/05/2022 10:45
Ngày 22-5, Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky tuyên bố, Moscow sẵn sàng nối lại tiến trình đàm phán, song cần có được sự nhất trí từ phía Kiev.
Binh sĩ Ukraine vẫn đang cố gắng kháng cự, ngăn bước tiến của quân đội Nga ở Donbass. Ảnh AP
Binh sĩ Ukraine vẫn đang cố gắng kháng cự, ngăn bước tiến của quân đội Nga ở Donbass. Ảnh AP

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Belarusian TV, ông Medinsky nêu rõ: "Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục đối thoại. Quyết định tạm ngừng tiến trình đàm phán hoàn toàn là do ý muốn từ phía Ukraine". Quan chức Nga đồng thời khẳng định, "bóng hoàn toàn nằm bên phần sân của họ" và "Nga chưa bao giờ khước từ những cuộc đàm phán".

Ông Medinsky cáo buộc Ukraine khiến tiến trình hòa bình bị đình trệ sau khi Kiev từ chối ủng hộ một bản dự thảo hiệp ước đã được đàm phán giữa các bên. Phát biểu với hãng thông tấn nhà nước ONT của Belarus, ông Vladimir Medinsky cho biết: "Đó hoàn toàn là sáng kiến của Ukraine nhằm đóng băng các cuộc đàm phán trong khi Nga chưa bao giờ từ chối đối thoại kể cả ở cấp cao nhất". Ông Medinsky cho biết, Nga đã trình bày cho Ukraine một danh sách các điểm chính và nhiều điểm đã được cả hai phái đoàn nhất trí, nhưng các cuộc đàm phán vẫn gặp trở ngại. "Họ thậm chí còn chưa chính thức ủng hộ bản dự thảo mà họ đã đàm phán. Rõ ràng họ không hề vội vàng". Theo ông Medinsky, Tổng thống Putin sẵn sàng đàm phán với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky khi có một bản dự thảo chi tiết về tiến trình hòa bình cần được thông qua và ký kết.

Chiến sự vẫn căng thẳng

Một quan chức cấp cao của Ukraine cho rằng thành phố Severodonetsk - một trong những thành phố lớn cuối cùng ở tỉnh Lugansk, phía Đông Ukraine - đang trở thành một "Mariupol mới" khi chiến sự leo thang tại khu vực này.

Theo chính phủ Ukraine, Severodonetsk hiện vẫn nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng Ukraine. Tuy nhiên, Nga đang tập trung toàn lực để bao vây Severodonetsk, nhằm kiểm soát toàn bộ Lugansk. Theo các nhà phân tích quân sự, thành phố với dân số khoảng 100.000 người trước chiến tranh này có thể trở thành chiến trường lớn tiếp theo khi trận chiến giành thành phố cảng Mariupol kết thúc.

Ông Serhiy Haidai, Thống đốc Lugansk cáo buộc Nga đang phá hủy khu vực này: "Nếu họ phá thêm một câu cầu nữa thì thành phố sẽ bị cắt điện hoàn toàn". Theo ông Serhiy Haidai, hiện vẫn còn khoảng 10.000 người dân ở Severodonetsk và những người này thường xuyên phải "ở trong các hầm trú bom". "Họ luôn cố gắng phá vỡ tuyến phòng thủ của quân đội Ukraine mỗi ngày. Các vụ pháo kích diễn ra liên tục".

Hiện Nga vẫn chưa đưa ra phản hồi về tuyên bố nêu trên của Ukraine. Trước đó cùng ngày, hãng thông tấn TASS của Nga đưa tin các lực lượng Ukraine đã pháo kích vào khu định cư Yasinovataya tại Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng và Vệ binh Quốc gia Nga đã xóa sổ được thành trì của Ukraine gần Lugansk.

Ukraine không nhượng bộ

Ukraine tuyên bố không chấp nhận bất kỳ sự nhượng bộ lãnh thổ nào với Nga giữa bối cảnh Moscow đang tăng cường tấn công ở khu vực phía Đông và phía Nam Ukraine. "Cuộc chiến này phải kết thúc với sự khôi phục hoàn toàn chủ quyền và sự thống nhất lãnh thổ của Ukraine", Andriy Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết trong một bài viết trên Twitter ngày 22-5.

Cùng ngày, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã thể hiện sự ủng hộ của nước này với lập trường của Ukraine khi nhận định với các nghị sĩ tại Kiev rằng cộng đồng quốc tế phải yêu cầu Nga rút quân hoàn toàn, đồng thời cho rằng, bất kỳ sự hy sinh lãnh thổ nào của Ukraine đều sẽ là "cú đánh mạnh" vào toàn bộ phương Tây. "Những tiếng nói lo ngại đã xuất hiện, cho rằng Ukraine nên đầu hàng trước những yêu cầu của Tổng thống Putin. Nhưng chỉ có Ukraine có quyền quyết định tương lai của họ", ông Duda cho hay.

Phát biểu trong phiên họp Quốc hội, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ hơn nhằm vào Nga. Ông Mykhailo Podolyak, Cố vấn của Tổng thống Zelensky, đồng thời là trưởng đoàn đàm phán Ukraine cũng đã bác bỏ bất kỳ sự nhượng bộ lãnh thổ nào và từ chối lời kêu gọi về một lệnh ngừng bắn ngay lập tức. "Quân đội Nga phải rời khỏi đất nước chúng tôi và sau đó, việc nối lại tiến trình hòa bình mới có thể diễn ra", ông Podolyak nhận định trong cuộc trả lời phỏng vấn với Reuters ngày 21-5.

AN BÌNH

Lầu Năm Góc cân nhắc cử lính đặc nhiệm tới Đại sứ quán ở Ukraine

Các quan chức quân sự và ngoại giao Mỹ đang tranh luận về việc có nên cử lực lượng đặc nhiệm đến Kiev để bảo vệ Đại sứ quán đã mở cửa trở lại hay không.

Dẫn các nguồn tin thân cận, Tạp chí WSJ ngày 22-5 cho biết các quan chức quân sự và ngoại giao Mỹ đang tranh luận về việc có nên cử lực lượng đặc nhiệm đến Kiev để bảo vệ Đại sứ quán đã mở cửa trở lại hay không, buộc chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden phải lựa chọn giữa việc mở rộng sự hiện diện quân sự trong khu vực xung đột và đảm bảo an toàn của các nhà ngoại giao Mỹ. Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao đang trong quá trình lên kế hoạch sơ bộ cử hàng chục lính đặc nhiệm đến đại sứ quán hoặc sẵn sàng triển khai nếu cần. Bản kế hoạch cuối cùng vẫn chưa được đệ trình lên Tổng thống Joe Biden. Nếu đề xuất được triển khai, binh sĩ Mỹ sẽ đến Kiev và làm nhiệm vụ bảo vệ đại sứ quán. Tuy nhiên, động thái này sẽ hoàn toàn đi ngược với cam kết trước đó từ phía Chính phủ Mỹ rằng sẽ không điều động binh sĩ tới Ukraine. Bộ Ngoại giao Mỹ lo ngại động thái này có thể dẫn tới hành động đáp trả từ phía Moscow.

T.N