Nga cảnh báo các nước Bắc Âu không được tiếp nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ

Thứ sáu, 08/03/2024 14:14
Theo kênh RT (Nga), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết các cơ sở ở Bắc Âu chứa vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ được coi là mục tiêu quân sự hợp pháp trong cuộc đối đầu trực tiếp giữa Moscow và NATO.

Bình luận trên của bà Zakharova được đưa ra khi Tổng thống mới đắc cử của Phần Lan Alexander Stubb gần đây cho rằng tư cách thành viên NATO mang lại cho nước này một "khả năng răn đe hạt nhân thực sự" dưới dạng tên lửa của Mỹ. "Những cơ sở như vậy sẽ là nguồn đe dọa trực tiếp và tất nhiên chắc chắn sẽ được đưa vào danh sách các mục tiêu hợp pháp được xác định theo kịch bản xung đột quân sự trực tiếp giữa Nga và NATO", bà Zakharova phát biểu trong một cuộc họp báo ở Sochi ngày 6-3. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga nói thêm: "Chúng tôi hiểu rằng đây chính xác là điều mà Mỹ và các vệ tinh của nước này đang thúc đẩy" và lưu ý rằng trái với mong đợi của một số quan chức cấp cao, việc triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ sẽ làm xấu đi an ninh của các nước sở tại, thay vì củng cố an ninh".

Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài 1.300 km với Nga, đã trở thành thành viên mới của NATO vào tháng 4 năm ngoái. Tổng thống Stubb, người mới nhậm chức vào tháng này, cho biết trong chiến dịch tranh cử của mình rằng ông sẽ sẵn sàng cho phép vũ khí hạt nhân của Mỹ được vận chuyển qua - nhưng không được lưu trữ trên - lãnh thổ Phần Lan, gọi những vũ khí hủy diệt hàng loạt này là "sự đảm bảo cho hòa bình". Ông Stubb đã nhắc lại lập trường này ngay sau khi nhậm chức. Nhưng luật pháp hiện hành của quốc gia Bắc Âu này cấm lưu trữ và vận chuyển vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, vào tháng 12 vừa qua, Chính phủ Phần Lan đã ký một thỏa thuận quân sự với Washington, cho phép Mỹ tiếp cận không hạn chế tới 15 cơ sở trên lãnh thổ của mình để lưu trữ thiết bị quân sự và đạn dược. Động thái này đã vấp phải sự chỉ trích từ Nga. Vào thời điểm đó, bà Zakharova đã chỉ ra rằng thỏa thuận quốc phòng về cơ bản mang lại cho Washington quyền kiểm soát toàn bộ Bắc Âu. Bộ Ngoại giao Nga cũng cho biết chính quyền Phần Lan hiện tại phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trong việc chuyển từ quan hệ láng giềng sang đối đầu.

T.N