Nga kêu gọi Ukraine hạ vũ khí ở Severodonetsk

Thứ năm, 16/06/2022 09:06
Nga yêu cầu các lực lượng Ukraine cố thủ trong nhà máy hóa chất Azot ở Severodonetsk phải hạ vũ khí vào 8 giờ sáng 15-6 theo giờ Moscow (12 giờ trưa theo giờ Hà Nội).
Binh sĩ Ukraine ở Donetsk ngày 14-6. Ảnh: Reuters
Binh sĩ Ukraine ở Donetsk ngày 14-6. Ảnh: Reuters

Reuters dẫn tuyên bố của người đứng đầu Trung tâm Quản lý Quốc phòng Nga, Mikhail Mizintsev với hãng thông tấn Interfax cho biết: Các chiến binh Ukraine nên "ngừng kháng cự vô nghĩa và hạ vũ khí". Phía Ukraine cho biết hơn 500 dân thường đang bị mắc kẹt cùng với binh lính bên trong nhà máy hóa chất Azot nơi các lực lượng của họ đã chống lại các cuộc bắn phá và tấn công của Nga trong nhiều tuần qua. Ông Mizintsev khẳng định thường dân tại Azot sẽ được đưa ra ngoài thông qua một hành lang nhân đạo.

Các cuộc bắn phá ở nhà máy Azot đã tái hiện lại các trận chiến trước đó tại các nhà máy thép Azovstal ở phía nam cảng Mariupol, nơi hàng trăm tay súng Ukraine cố thủ và dân thường trú ẩn khỏi các cuộc pháo kích của Nga. Những người bên trong nhà máy đã đầu hàng vào giữa tháng 5 và bị Nga giam giữ. Thống đốc khu vực Luhansk của Ukraine, Serhiy Gaidai cho biết "mọi người không thể chịu đựng được trong hầm trú ẩn nữa, trạng thái tâm lý của họ đang ở mức nguy hiểm".

AP dẫn nguồn quan chức địa phương cho biết, quân đội Nga đã kiểm soát khoảng 80% thành phố Severodonetsk và đã phá hủy cả ba cây cầu dẫn ra khỏi đó nhưng người Ukraine vẫn cố gắng sơ tán những người bị thương. Tuy nhiên, Thống đốc Serhiy Haidai thừa nhận rằng việc sơ tán hàng loạt dân thường khỏi Severodonetsk lúc này là "không hề đơn giản" do các cuộc pháo kích và giao tranh không ngừng. Lực lượng Ukraine đã bị đẩy ra vùng ngoại ô công nghiệp của thành phố trước hỏa lực pháo hạng nặng của Nga. "Vẫn còn cơ hội để sơ tán những người bị thương, liên lạc với quân đội Ukraine và cư dân địa phương", ông Haidai nói với AP qua điện thoại, đồng thời cho biết thêm rằng binh lính Nga vẫn chưa hoàn toàn phong tỏa thành phố chiến lược này.

Cho đến nay Ukraine vẫn kiểm soát được Lysychansk, thành phố "song sinh" của Severodonetsk nằm trên vùng đất cao hơn trên bờ phía tây của sông Siverskyi Donets. Nhưng với việc tất cả các cây cầu hiện đã bị phá hủy, lực lượng Ukraine thừa nhận mối đe dọa lớn họ có thể bị bao vây.

Kiev cho biết 100-200 binh sĩ của họ thiệt mạng mỗi ngày, với hàng trăm người khác bị thương trong cuộc chiến ở Donbass. Cán cân lực lượng ở Severodonetsk đã thay đổi nhiều lần trong vài tuần qua - với việc Nga tập trung hỏa lực pháo binh áp đảo vào các quận nội thành để tiêu diệt các cụm kháng cử, sau đó mới triển khai bộ binh. Các trận chiến lớn hơn có thể vẫn nằm ở phía trước tại khu vực Donbass nơi Ukraine vẫn còn nắm giữ, gần như tất cả đều ở bờ đối diện của con sông mà lực lượng Nga khó vượt qua. Ukraine cho biết Nga có kế hoạch tấn công thành phố Sloviansk từ phía bắc và dọc theo mặt trận gần Bakhmut về phía nam.

NATO cam kết gửi thêm vũ khí hạng nặng tới Ukraine

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng các quốc gia thành viên cần "bơm" thêm vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Theo Đài RT (Nga), tuyên bố trên được đưa ra trước cuộc họp của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine do Mỹ đứng đầu, được thành lập để thảo luận về các kế hoạch hỗ trợ hậu cần cho Kiev nhằm đối phó với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga. "Ukraine nên được viện trợ nhiều vũ khí hạng nặng hơn. Các đồng minh, đối tác của NATO đã và đang đẩy mạnh cung cấp vũ khí hạng nặng cho quốc gia này", Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho biết hôm 14-6 trong cuộc gặp nhà lãnh đạo của 7 quốc gia thành viên trước Hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, người chủ trì cuộc họp tuyên bố: "Về vũ khí, chúng tôi thống nhất rằng điều cốt yếu là Nga sẽ thua trong cuộc chiến này. Và do chúng tôi không thể để xảy ra một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga, những gì chúng tôi cần làm là đảm bảo rằng Ukraine có thể đối phó với cuộc chiến đó và họ có quyền tiếp cận với tất cả các loại vũ khí cần thiết".

Trước đó, bà Julianne Smith, Đại diện thường trực của Mỹ tại NATO, cho biết các nước thành viên đang cố gắng đáp ứng những yêu cầu về việc cung cấp vũ khí bổ sung, vốn "thay đổi liên tục" của Kiev. Theo Lầu Năm Góc, trong giai đoạn đầu của chiến dịch quân sự, Mỹ và các nước đồng minh đã nỗ lực cung cấp cho Ukraine tên lửa chống tăng và phòng không di động, nhưng đang chuyển sang xe tăng và pháo hạng nặng do tính chất của cuộc giao tranh đang xảy ra ở mặt trận Donbass.

Trong khi đó, ngày 14-6, Tổng thống Ukraine Zelensky tiếp tục kêu gọi phương Tây gia tăng viện trợ vũ khí hạng nặng sau khi Nga dồn phần lớn hỏa lực vào khu vực phía đông Donbass. Tổng thống Zelensky cho biết trong bài phát biểu qua video hàng đêm: "Thật không may, những mất mát là rất đau đớn, nhưng chúng tôi phải cố gắng cầm cự... Donbass là chìa khóa để xác định ai sẽ thống trị trong những tuần tới". Ông Zelensky đề nghị phương Tây chuyển giao vũ khí nhiều hơn và nhanh hơn, đặc biệt là các hệ thống phòng thủ chống tên lửa.

Trước đó cùng ngày, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar cho biết quân đội chỉ nhận được khoảng 10% số vũ khí mà họ yêu cầu từ phương Tây "để tạo ra sự cân bằng với quân đội Nga". Bà Malyar nói trong một cuộc họp báo trên truyền hình: "Dù Ukraine có nỗ lực đến đâu, dù quân đội của chúng tôi chuyên nghiệp đến đâu, nếu không có sự giúp đỡ của các đối tác phương Tây, chúng tôi sẽ không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến này". Bà cho biết Ukraine sử dụng 5.000 đến 6.000 viên đạn pháo mỗi ngày, trong khi Nga sử dụng gấp 10 lần.

AN BÌNH

Nga đưa 49 công dân Anh vào danh sách cấm nhập cảnh

Ngày 14-6, Nga thông báo đưa vào danh sách đen 49 công dân Anh, theo đó cấm các nhân vật này nhập cảnh vào Nga.
Danh sách trên bao gồm 20 nhân vật liên quan lĩnh vực quốc phòng và 29 nhân vật trong giới truyền thông. Trong số này có Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Anh Jeremy Quin và một số nhà báo thuộc hãng BBC, tờ Financial Times và tờ The Guardian. Theo Bộ Ngoại giao Nga, động thái trên nhằm đáp trả các biện pháp chính phủ Anh áp đặt đối với các nhà báo hàng đầu của Nga và những người đứng đầu các công ty quốc phòng của nước này. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: "Các nhà báo Anh trong danh sách này liên quan đến việc cố tình phổ biến thông tin sai lệch và phiến diện về Nga cũng như các sự kiện tại Ukraine và Donbass". Tuyên bố cho rằng những đánh giá thiên lệch của các nhà báo này góp phần gây ác cảm đối với Nga trong xã hội Anh. Trong khi đó, 20 nhân vật "có liên quan tới ngành công nghiệp quốc phòng Anh đã tham gia vào việc đưa ra các quyết định cung cấp vũ khí cho Ukraine".

T.N