Nga - Mỹ khó xích lại gần nhau
(Cadn.com.vn) - Những mâu thuẫn lớn vẫn tồn tại giữa Mỹ và Nga đang làm dấy lên nhiều lo ngại cho mối quan hệ ổn định lâu dài giữa hai ông lớn này, thậm chí ngay cả khi Tổng thống đắc cử Donald Trump lên nắm quyền.
Việc ông Donald Trump – một nhân vật có quan điểm thân Nga - chuẩn bị lên nắm quyền ở Nhà Trắng đã mở ra cánh cửa mới nhiều hy vọng cho mối quan hệ giữa hai gã khổng lồ thế giới - Nga và Mỹ.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, với lịch sử nhiều thăng trầm cùng với mối quan hệ rất khó chịu và những mâu thuẫn lớn vẫn tồn tại, Nhà Trắng và Điện Kremlin khó có thể đứng vững trong một mối quan hệ ổn định lâu dài.
Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump (phải) liên tục ca ngợi nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin. Ảnh: NRP |
Bóng ma “hình chuông”
Kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, quan hệ Nga-Mỹ phát triển theo hình chuông – ban đầu cải thiện và xấu đi sau đó.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Barack Obama, quan hệ giữa Moscow và Washington nồng ấm hơn sau khi hai nước ký Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START mới) vào tháng 4- 2010 và Tổng thống Nga lúc đó, ông Dmitry Medvedev đến thăm Mỹ vào tháng 6-2010. Tuy nhiên, quan hệ song phương không thể phá vỡ lối mòn và thậm chí rơi vào cái gọi là “Chiến tranh Lạnh mới”. Mỹ sau đó chỉ trích gay gắt cuộc bầu cử quốc hội và Tổng thống Nga. Washington cũng thúc giục các nước phương Tây khác cùng nhau cô lập Điện Kremlin, áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Moscow và đẩy Nga ra khỏi nhóm G8 sau cuộc khủng hoảng Ukraine và bán đảo Crimea sáp nhập về với Nga.
NATO - mâu thuẫn khó giải
Mối quan hệ giữa Mỹ, quốc gia lãnh đạo NATO, và Nga chứng kiến quá nhiều thăng trầm do sự khác biệt về cấu trúc không thể hòa giải giữa hai bên.
Moscow và Washington không thể tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề như việc NATO có kế hoạch tăng cường triển khai quân sự ở Trung và Đông Âu, cuộc khủng hoảng Ukraine, kế hoạch mở rộng về phía đông của NATO và hệ thống phòng thủ tên lửa Châu Âu mà Moscow cáo buộc là nhằm vào họ. Mối quan hệ Nga-NATO, bị ảnh hưởng bởi các mối quan hệ Mỹ-Nga, phức tạp hơn rất nhiều. Washington phải xem xét lập trường của các đồng minh Châu Âu “trong khi các nước Trung, Đông Âu và vùng Baltic buộc Mỹ phải “thực hiện cam kết an ninh vững chắc với các nước đồng minh”.
Giới quan sát cho rằng, sau khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20-1 tới, mối quan hệ Mỹ - Nga sẽ cải thiện và các mối quan hệ NATO-Nga cũng vậy. Tuy nhiên, khi sự khác biệt sâu sắc giữa NATO và Nga tồn tại, liên minh quân sự này sẽ không từ bỏ chiến lược làm suy yếu Moscow và xâm lấn vào không gian địa chính trị của Nga.
Rào cản Syria
Các chính sách của ông Trump về Syria như từ bỏ việc lật đổ chính phủ nước này và tập trung chiến đấu khủng bố, mở ra khả năng hợp tác Mỹ-Nga về vấn đề này.
Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều điều không chắc chắn về việc liệu hai nước có khả năng hợp tác hay không, và mức độ hợp tác là như thế nào. Lần đầu tiên, khi cán cân cuộc chiến tranh ở Syria đang nghiêng về phe chính phủ của Tổng thống Bashar Al-Assad, những ảnh hưởng của Mỹ tại nước này và cả Trung Đông đã suy yếu. Nhưng liệu Tổng thống đắc cử Trump, người cam kết sẽ “khiến cho Mỹ lớn mạnh hơn nữa”, có từ bỏ Trung Đông và “nhường” cho Nga? Thứ hai, ngay cả khi ông Trump đồng ý hợp tác với Nga về vấn đề Syria, vai trò dẫn dắt là một câu hỏi lớn. Tổng thống Nga Vladimir Putin khó có khả năng để Mỹ nắm vai trò lãnh đạo trong vấn đề này. Liệu Washington vẫn tiếp tục hợp tác với Moscow dưới sự lãnh đạo của Nga?
Hơn nữa, không dễ để ông Trump cải thiện quan hệ Mỹ - Nga bởi kể từ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, chính sách của Mỹ đối với Nga được giới tinh hoa chính trị lưỡng đảng quyết định.
Khả Anh