Nga - Mỹ và bước khởi đầu cho quá trình "phá băng"

Thứ sáu, 18/06/2021 14:13

Sau cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên, cả Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden đều cho biết không mong muốn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin (phải) cùng các quan chức hai nước tại cuộc gặp thượng đỉnh ngày 16-6 ở Geneva, Thụy Sĩ.  Ảnh: Getty

Cộng đồng quốc tế có nhiều lý do để không kỳ vọng quá lớn vào kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ đầu tiên kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Đơn giản vì quan hệ song phương trước cuộc gặp quan trọng này được cả hai bên thừa nhận là "trong tình trạng xấu nhất". Tuy nhiên, cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Joe Biden đã kết thúc vào tối muộn 16-6 sau hơn 3 giờ hội đàm tại biệt thự La Grange, bên bờ hồ Geneva (Thụy Sĩ) với một số kết quả tích cực. 

Một số kết quả tích cực

Theo BBC, cả Tổng thống Putin và người đồng cấp Biden đều cho biết không mong muốn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. 

Vì vậy, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nối lại cuộc đàm phán hạt nhân bị ngưng trệ và đưa đại sứ mỗi nước trở lại nước kia. Đây được xem là hai kết quả chủ chốt của cuộc gặp thượng đỉnh ngày 16-6. Bởi hiện tại, cả đại sứ Nga ở Mỹ, ông Anatoly Antonov, và đại sứ Mỹ ở Nga, ông John Sullivan, đều không có mặt để làm nhiệm vụ ở nước sở tại. Cả hai vị đại sứ này đều đã được triệu hồi về nước vào đầu năm nay, sau khi ông Biden công bố một đợt lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga trên cơ sở cho rằng Moscow đứng sau một vụ tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào các cơ quan chính phủ Mỹ trong năm 2020. Do việc triệu hồi đại sứ, các hoạt động lãnh sự, visa, và các dịch vụ ngoại giao khác giữa Mỹ và Nga đã rơi vào ngưng trệ, gây ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp, gia đình và tổ chức nhân đạo có hoạt động và đi lại giữa Mỹ và Nga.

START mới hiện là thỏa thuận kiểm soát vũ khí duy nhất giữa Nga-Mỹ. Khi còn cầm quyền, cựu Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Tương tự như START mới, INF hạn chế quy mô kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga, hai quốc gia vốn sở hữu hầu hết số vũ khí hạt nhân của thế giới. Đáng chú ý, lãnh đạo hai nước ra tuyên bố chung về ổn định chiến lược, được dư luận đánh giá là diễn biến khá bất ngờ và là bước khởi đầu đáng ghi nhận cho quá trình "phá băng" quan hệ song phương. 

Kết quả có phần nằm ngoài dự đoán 

Tuy nhiên, cả hai vẫn còn bất đồng về các vấn đề khác, gồm an ninh mạng, Ukraine và số phận của thủ lĩnh phe đối lập Nga Alexei Navalny, người hiện đang thụ án trong tù. Ông Biden nói sẽ có "hậu quả tàn khốc" với Nga nếu Navalny chết trong tù. Theo các chuyên gia, kết quả cuộc gặp có phần nằm ngoài dự đoán, nhưng thực ra lại rất phù hợp với những nỗ lực cũng như lợi ích chung của các bên. 

Mặc dù Moscow và Washington vẫn chưa thể khôi phục lòng tin lẫn nhau, nhưng cả hai bên đều công nhận sự cần thiết phải có mối quan hệ hợp tác để ngăn chặn căng thẳng leo thang. Phía Nga nhiều lần tuyên bố sẵn sàng cùng với Mỹ nỗ lực đối thoại làm lành mạnh hóa quan hệ song phương, trên các nguyên tắc bình đẳng và tôn trọng lợi ích của nhau. Đồng thời, Moscow xác định việc bình thường hóa quan hệ song phương là cần thiết cho cả hai. Về phần mình, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nêu rõ: cuộc gặp gỡ còn chứng kiến nhiều bất đồng nhưng quan trọng là "mục tiêu của Tổng thống Biden là để hai nước Mỹ và Nga hướng đến một mối quan hệ ổn định hơn". Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Mỹ Eric Green cũng thừa nhận rằng "dù muốn hay không, Mỹ vẫn phải làm việc với Nga về một số thách thức cốt lõi trên thế giới".

Nhiều chuyên gia cho rằng, thay vì tìm kiếm những kết quả cụ thể, Mỹ xem cuộc gặp thượng đỉnh này là cơ hội để xây dựng một mối quan hệ ổn định và dễ đoán hơn giữa hai cường quốc hạt nhân của thế giới.

KHẢ ANH