Nga - NATO gian nan tìm tiếng nói chung

Thứ năm, 13/01/2022 19:51

Cuộc họp Hội đồng Nga và NATO diễn ra ngày 12-1 (giờ địa phương) tại Brussels (Bỉ) được đánh giá là cơ hội hiếm hoi để hai bên hóa giải những căng thẳng chồng chất gần đây, vốn có nguy cơ bùng nổ xung đột lớn.

Phái đoàn ngoại giao Nga và Mỹ trong cuộc đàm phán hôm 10-1 ở Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters

Nội dung chính của cuộc họp này, cùng với cuộc đàm phán an ninh Nga-Mỹ diễn ra ngày 10-1 tại Geneva (Thụy Sĩ) và cuộc thảo luận giữa Nga và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) vào ngày 13-1 tại Vienna (Áo), đều liên quan tới 2 dự thảo thỏa thuận an ninh mà Moscow đề xuất với Mỹ và NATO nhằm đưa ra các cam kết mới về bảo đảm an ninh giữa hai bên. Tuy nhiên, trước thềm các cuộc đàm phán này, cả hai bên đều bày tỏ không mấy lạc quan về các đột phá có thể đạt được. Theo dự thảo thỏa thuận an ninh được Nga công bố cuối năm ngoái, Moscow yêu cầu NATO cam kết không mở rộng về phía Đông, hành động mà Moscow coi là mối đe dọa an ninh lớn đối với Nga, bao gồm không kết nạp Ukraine và thêm các nước khác.

Trong đó, điều kiện quan trọng với Nga là NATO cần hủy bỏ quyết định năm 2008 về kết nạp Ukraine và Georgia. Nga cho rằng các thỏa thuận này sẽ vạch ra những nguyên tắc về an ninh bình đẳng giữa hai bên và tránh đe dọa lẫn nhau, qua đó thiết lập một sự khởi đầu mới cho quan hệ luôn nghi kỵ lẫn nhau giữa Nga và NATO. Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong cuộc họp báo lớn cuối năm 2021, cho rằng với 5 đợt kết nạp thành viên mới, NATO đã đi ngược lại cam kết không mở rộng về phía Đông, được đưa ra vào những năm 1990. Hiện, NATO triển khai các hệ thống tên lửa ở Romania và Ba Lan, đồng thời còn đề cập đến việc kết nạp Ukraine, điều mà Moscow coi là "lằn ranh đỏ" không được vượt qua. Vì vậy, Tổng thống Putin cho rằng đã đến lúc phải lập một cam kết bằng văn bản với NATO để đảm bảo an ninh cho nước Nga.

Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Nga, cường độ của các chuyến bay do thám của NATO trong khu vực Biển Đen năm ngoái đã tăng 60% so với năm 2020. Số lần xuất kích tăng từ 436 lên 710 lần và sự hiện diện của các tàu chiến và tàu hậu cần của NATO ở khu vực này đã trở thành thường trực. Trong khi đó, Mỹ và NATO đồng loạt cáo buộc Nga đưa 100.000 quân áp sát biên giới Ukraine chuẩn bị tấn công quân sự quốc gia này dù Moscow kiên quyết bác bỏ, lập luận rằng các động thái chuyển quân, kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu là hoạt động thường xuyên của quân đội Nga bên trong lãnh thổ của mình. Mỹ và các đồng minh NATO muốn tạo dựng những "vành đai an toàn" nhằm kìm hãm những nỗi lo an ninh từ Nga.

Mỹ và đồng minh từng nhiều lần cảnh báo Nga về lệnh trừng phạt khắc nghiệt chưa từng thấy nếu họ tấn công Ukraine. Moscow nhấn mạnh họ hiện diện quân sự gần biên giới Ukraine để phản ứng với mối đe dọa từ NATO và họ sẽ không nhượng bộ trước sức ép từ phương Tây. Đánh giá về cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ ngày 10-1, chuyên gia Ivan Timofeev, Giám đốc chương trình của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) nhận định thái độ các bên sau đàm phán khá dè dặt, lập trường của Mỹ vẫn không thay đổi - đó là Washington không thể đưa ra những đảm bảo về việc NATO không tiếp tục mở rộng. Bởi vậy, ông không nghĩ rằng Nga và Mỹ - NATO có thể đạt được bất kỳ thỏa thuận toàn diện nào.

Theo các chuyên gia, kết quả cuộc tham vấn an ninh ngày 10-1 với việc hai bên tiếp tục cảnh báo về những "lằn ranh đỏ" phản ánh rõ những bất đồng sâu sắc và tình trạng thiếu niềm tin chiến lược giữa Nga và Mỹ. Và sẽ xuất hiện những lằn ranh đỏ mới giữa hai nước, không chỉ trong vấn đề Ukraine và chính nó tác động tới cuộc họp Hội đồng Nga-NATO ngày 12-1.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia tin rằng việc Nga và Mỹ-NATO tiến hành đàm phán đã là tín hiệu đáng mừng, tránh những mối nguy hại trực tiếp đến an ninh quốc tế.

KHẢ ANH